Siết tín dụng vào bất động sản, người mua nhà liệu có gặp khó?
Một số ngân hàng có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay BĐS trước chủ trương kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này. Điều này đang khiến nhiều người lo lắng liệu cửa mua nhà có bị hẹp dần?
Trong những ngày cuối tháng 3/2022, trước chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của NHNN, nhiều ngân hàng tạm dừng việc giải ngân các khoản vay lĩnh vực BĐS trong ngắn hạn. Sacombank ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết cần tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ, logictics… và sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Techcombank cũng cho biết việc giải ngân các khoản vay mua BĐS sẽ được tạm dừng cho đến hết quý 1/2022, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý 2/2022.
Ngân hàng Agribank cho biết, dù không siết chặt nhưng cũng hạn chế cho vay đối với kinh doanh BĐS. Agribank sẽ tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chỉ cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng. Nhiều ngân hàng lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, họ vẫn đang cho vay cả với nhà phát triển dự án lẫn người vay mua BĐS, tuy nhiên chỉ hỗ trợ vay với người mua để ở, hạn chế các hoạt động đầu cơ, đầu tư nhà đất.
Theo giới chuyên gia, việc ngân hàng tạm dừng giải ngân ở lĩnh vực này là chính sách riêng biệt, nội bộ của từng tổ chức tín dụng. Về chính sách điều hành chung thì NHNN chỉ có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS mà không dừng hoàn toàn. NHNN đồng thời cũng yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định (không được vượt quá 8%) trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.
Trong năm 2022, NHNN sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định, từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay BĐS nên đã siết tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Tỷ lệ vốn cho vay BĐS tại một số NH đã khá cao nên việc hạn chế, thậm chí tạm ngưng giải ngân đối với cho vay nhà đất là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng. Với việc tạm dừng giải ngân cho vay BĐS của một số NH sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn trong ngành, buộc các doanh nghiệp này phải nâng cao năng lực tài chính.
Theo ông Phạm Lâm – Phó chủ tích Hội môi giới BĐS Việt Nam, việc một số ngân hàng hạn chế, thậm chí ngừng cho vay mua BĐS có thể do dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đã đến ngưỡng, cần phải siết lại nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống. Dù vậy, các ngân hàng sẽ không hoàn toàn bỏ qua lĩnh vực BĐS vốn đem lại nhiều lợi nhuận nhờ nhu cầu của thị trường lớn, lãi suất cho vay cao. Trong thực tế, số lượng người vay vốn để đầu cơ BĐS không nhiều, nhất là đầu cơ mua đất bởi đây là khoản đầu tư dài hạn, nhiều rủi ro về thanh khoản và giá cả. Phần lớn những người vay vốn mua BĐS đều có nhu cầu mua nhà để ở, trong đó chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng chính tài sản đó. Đây là nhóm khách hàng nằm trong danh sách bị hạn chế.
Do vậy, ông Lâm cho rằng, các ngân hàng sẽ siết tín dụng BĐS một cách chọn lọc, chứ không hoàn toàn khóa van tín dụng BĐS. Bởi nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.