Siết trái phiếu và tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp chật vật tìm nguồn vốn thay thế

Trước động thái của Nhà nước về hoạt động kênh trái phiếu và tín dụng ngân hàng nhằm làm trong sạch, minh bạch thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản chật vật tìm nguồn vốn thay thế.

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn phát hành thêm cổ phiếu nhưng cũng có doanh nghiệp lại lựa chọn hình thức bán “lúa non” huy động vốn trái luật dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ, phiếu thiện chí…

Từ chào bán cổ phiếu

Việc cơ quan chức năng kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản dưới 2 kênh trái phiếu và tín dụng ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đau đầu tìm nguồn vốn. Hình thức được lựa chọn nhiều nhất là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ được xem là giải pháp huy động vốn khả dĩ nhất trong thời gian này.


Không nằm ngoài kế hoạch tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu, TTC Land cũng dự kiến tăng vốn từ 3.664 tỷ đồng lên 4.653 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện quyền 25:02, tương ứng phát hành thêm 29,3 triệu cổ phiếu. Đồng thời, TTC Land phát hành gần 51,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 14%, giá chào bán 14.000 đồng/cổ phiếu; phát hành cổ phiếu ESOP 5%, tương ứng phát hành thêm 18,32 triệu cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nguồn tin từ Tienphong.vn, Công ty CP Tập đoàn F.I.T cũng đã chốt kế hoạch chào bán gần 51 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, phát hành thêm hơn 26,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020. Mục tiêu phát hành của FIT là tài trợ vốn cho dự án Cap Padaran Mũi Dinh ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu của FIT hiện nay đã lùi xuống dưới mệnh giá vì thế, khả năng phát hành thêm cổ phiếu sẽ không thành công.

Với cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG mất gần 50% giá trị trong vòng hơn 1 tháng qua, hiện còn 11.450 đồng/cổ phiếu. Vì thế, kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung cho hoạt động M&A và góp vốn đầu tư ở một số dự án mới của LDG trở nên chênh vênh.

Đến lách luật bán “lúa non”

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp tìm cách tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thì cũng có không ít doanh nghiệp thực hiện huy động vốn trái luật dưới hình thức đặt cọc, giữ chỗ, phiếu thiện chí…

Theo nguồn tin từ Tienphong.vn, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Phú Land (thành viên Tecco Group) đang giới thiệu dự án Tecco Felice Homes. Dù được truyền thống, quảng bá rầm rộ nhưng thực chất hiện trạng của dự án chỉ là bãi đất tống được quây tôn. Sau khi nhận được thông tin về dự án, sở Xây dựng Bình Dương đã rà soát và phản hồi “không có dự án nào có tên gọi Tecco Felice Homes”, phát đi cảnh báo với người dân, tránh bị lừa.

Dự án Tecco Felice Homes chưa xây dựng gì  
Dự án Tecco Felice Homes chưa xây dựng gì  

Tại Long An, sở Xây dựng tỉnh Long An cũng vừa thông báo không có dự án nào với tên gọi VINS Iris Residence Cần Giuộc khi nhận được thông tin có dự án này đang được rao bán trên thị trường. Được biết, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc, dự án chưa hoàn thành việc thi công hạ tầng kỹ thuật nhưng đã tiến hành kinh doanh bất động sản, nhận tiền giữ chỗ, tiền đặt cọc của khách hàng

Tương tự, dự án Westgate Bình Chánh dù chưa được phép huy động vốn nhưng chủ đầu tư vẫn lách luật, thu tiền của mỗi khách hàng. Hiện tại, block C đang trong quá trình thi công phần móng nhưng chủ đầu tư An Gia quảng cáo rằng, đang áp dụng chính sách bán hàng khá linh hoạt. Theo đó, người mua chỉ cần thanh toán tối đa 699 triệu đồng và ngưng đến khi nhận nhà vào quý 4/2023 mới thanh toán tiếp. Còn lại, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà và cam kết lợi nhuận lên đến 18%.

Cần phải minh bạch thông tin

Theo các chuyên gia, việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phát hành cổ phiếu hay đua nhau “bán lúa non” là do tác động trước việc ngân hàng siết tín dụng và quá trình phát hành trái phiếu gặp nhiều rào cản. Cụ thể, sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành với 10.030 tỷ đồng trái phiếu do che giấu thông tin, Bộ Tài chính khẳng định, tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực  
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực  

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, các phân khúc còn thiếu cung, lĩnh vực xây dựng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp... Do đó, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, chú trọng điều tiết cung cầu bất động sản.

Doanh nghiệp có thể linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, quỹ đầu tư, trái phiếu công trình... Tuy nhiên, cần hướng tới sự minh bạch, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết và hạn chế sử dụng đòn bẩy, đầu cơ để hướng tới phát triển thị trường bất động sản lành mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, thay vì chỉ huy động vốn trong nước, nhiều doanh nghiệp nên chuyển sang khai thác thêm cả nguồn lực từ nước ngoài. “Tôi tin rằng, dòng tiền ở nhiều kênh khác vẫn còn. Với việc kinh tế vĩ mô Việt Nam đang hồi phục tốt, nếu chủ các dự án có thể đưa ra kế hoạch tiềm năng, tầm nhìn chiến lược dài hạn khả thi thì không khó để tiếp cận vốn”

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống