Sốt đất khắp nơi ăn theo quy hoạch sân bay: Những dấu hiệu nhận biết cơn 'sốt ảo' giá nhà đất
Trong khi câu chuyện vỡ bong bóng sốt đất tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) chưa kịp lắng xuống thì cơn sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) lại đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản. Vậy có những dấu hiệu nào để nhận biết đâu là cơn sốt ảo giá nhà đất không?
Sốt đất Phan Thiết, giá đất tăng dựng đứng?
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản “nóng” vấn đề “sốt đất” ăn theo quy hoạch các dự án sân bay. Trong khi câu chuyện vỡ bong bóng sốt đất tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) chưa kịp lắng xuống thì cơn sốt đất "ăn theo" quy hoạch sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) lại đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản.
Theo đó, ngày 5/3, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thi công dự án sân bay Phan Thiết (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết). Trong đó thông báo về việc Thủ tướng đồng ý cho sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để xây dựng sân bay Phan Thiết (phần thuộc quân sự), đồng thời đề nghị địa phương hối thúc nhà đầu tư BOT chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để thi công dự án trong tháng 3.
Ngay sau khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp được khởi công, thị trường bất động sản Phan Thiết bắt đầu “nóng” lên với sự suất hiện của đông đảo “cò” đất, nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn đồng loạt đổ về để tìm hiểu, trao đổi, giao dịch mua bán đất đai.
Giá đất tại những khu vực này cũng tăng vọt chỉ trong một thời gian ngắn, theo thông tin từ các môi giới, hiện giá đất tại Phan Thiết đã tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Thông tin từ người dân địa phương cho biết, đây đã là lần thứ 3 Phan Thiết xảy ra tình trạng sốt đất. Cứ mỗi lần có thông tin gì liên quan đến dự án sân bay sắp khởi công, là lại thấy dòng người kéo về tìm hiểu, đầu tư đất đai rất đônng.
Vào khoảng cuối năm 2019, khi xuất hiện thông tin sẽ xây dựng trục đường chính nối với dự án sân bay Phan Thiết, tình trạng sốt đất cũng đã diễn ra tại xã Thiện Nghiệp, giá đất được đẩy lên khá cao, từ khoảng vài trăm triệu đồng lên đến cả tỷ đồng đối với 1.000m2 đất.
Tuy nhiên, đến cơn sốt đất hiện tại, mức giá này đã tăng lên rất nhiều. Nếu 1.000m2 đất tại một số trục đường chính thuộc xã Thiện Nghiệp như đường Trần Bình Trọng vào năm 2019 có giá khoảng 1-2 tỷ đồng, nay đã tăng lên khoảng 3,5 tỷ đồng. Còn tại những vị trí xa dự án sân bay, những lô đất nằm trong hẻm hiện cũng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2019, trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/1.000m2.
Chính quyền cảnh báo
Theo các môi giới BĐS địa phương, Thiện Nghiệp hiện đang là tâm điểm của cơn sốt đất. Tuy nhiên, phần lớn các lô đất đã nằm trong tay những đại gia đến từ tỉnh khác từ rất lâu. Những năm trước, nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đến gom rất nhiều đất ở đây, nhưng sau đó không bán được vì sân bay chưa triển khai.
Đợt này họ về đây tìm cách bán, hơn nữa giá đã tăng lên rất cao, một lô đất có thể tới vài tỷ đồng. Việc có thông tin sân bay Phan Thiết sắp khởi công là điều kiện thuận lợi để họ có thể bán ra, thu hồi vốn, chốt lãi.
Vì thế mà các lô đất được mua đi bán lại, giá bán theo đó cũng đang bị đẩy lên rất cao để các nhà đầu cơ, môi giới "ăn chênh", kiếm lời…
Trước tình trạng giao dịch đất đai tăng đột biến và thực trạng hỗn loạn của thị trường bất động sản tại khu vực quanh dự án sân bay Phan Thiết, ngày 11/3, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã có văn bản gửi Công an TP.Phan Thiết, Phòng TN-MT và UBND xã Thiện Nghiệp yêu cầu có ngay các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng “cò đất” tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết.
Tình hình này đã tạo nên dấu hiệu mất an ninh trật tự, an toàn giao thông khi có lượng lớn xe ô tô đổ về xã Thiện Nghiệp một cách bất thường.
Về phía xã Thiện Nghiệp, hiện lãnh đạo địa phương này cũng đã có thông báo, đề nghị người dân địa phương hết sức cảnh giác, không mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, tránh bị lừa đảo.
UBND xã Thiện Nghiệp cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã này không có bất cứ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép. Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cũng yêu cầu công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự xã thường xuyên kiểm tra, tuần tra khu vực các đường vào dự án sân bay Phan Thiết và trục đường Võ Nguyên Giáp để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Dấu hiệu nhận biết những cơn “sốt ảo”
Trước khi cơn sốt đất tại Phan Thiết diễn ra, cơn sốt đất "chóng vánh" quét qua Bình Phước vẫn đang khiến nhiều nhà đầu tư và thị trường choáng váng khi chỉ diễn ra trong khoảng 2 tuần rồi vỡ bong bóng.
Cơn sốt bùng lên khi tỉnh Bình Phước đề xuất quy hoạch sân bay Téc – Ních, huyện Hớn Quản và tiến hành khảo sát vị trí dự án. Ngay sau đó, môi giới và các nhà đầu tư ồ ạt đổ lên Bình Phước để mua bán đất khiến giá đất tại đây tăng chóng mặt. Tuy nhiên, cơn sốt diễn ra chóng vánh rồi nhanh chóng bị vỡ chỉ sau khoảng nửa tháng.
Trước đó, sốt đất cũng diễn ra tại Phan Thiết, Bình Thuận vào năm 2019 với kịch bản tương tự cũng khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp bị “mắc cạn” và thiệt hại nặng nề.
Sốt đất ăn theo quy hoạch các dự án lớn dù ngắn ngủi nhưng để lại những hậu quả nặng nề, khiến nhiều nhà đầu tư ôm “trái đắng” khi đầu tư thua lỗ, chôn vốn, giá đất nền không tăng mà ngày càng giảm, thậm chí không thể bán cắt lỗ, chấp nhận để mảnh đất của mình phơi mưa, phơi nắng...
Những cơn "sốt đất" dù xảy ra nhiều lần, tại nhiều nơi, qua nhiều năm nhưng kịch bản thì gần như không thay đổi, thường khởi nguồn từ một thông tin quy hoạch, khởi công dự án mới, thậm chí khi còn đang là đề xuất, hay xuất hiện tin đồn rằng một tập đoàn lớn nào đó chuẩn bị đến địa phương đầu tư phát triển dự án.
Theo các nhà đầu tư có kinh nghiệm, các cơn sốt đất ăn theo quy hoạch dự án lớn thực chất chỉ là “sốt ảo”, được tạo bởi một nhóm nhà đầu tư đã mua với giá rẻ từ rất lâu trước đó. Sau khi có thông tin địa phương sắp xây dựng sân bay thì những người này bung hàng ra bán, bằng hình thức sang tay, mua đi bán lại… nhằm tạo cơn sốt ảo để lôi kéo người mua…
Chứng kiến những cơn sốt đất gần đây trên thị trường gần đây, ông Phan Công Chánh Tổng giám đốc Phú Vinh Group, Chuyên gia tài chính bất động sản đã cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo phân tích thông tin trước các cơn sốt đất, nếu sốt đất mà không gắn với giá trị thực của khu vực đó như mật độ dân cư, GDP/đầu người, hạ tầng, điều kiện kinh tế xã hội … sẽ là những cơn sốt ảo.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc giá tăng ảo 300-400% hoặc cao hơn nữa trong khoản thời gian ngắn chỉ có vài ngày là không tưởng trong đầu tư. Nếu không tỉnh táo nhà đầu tư sẽ bị “làm thịt”.
Khi cả thị trường đã biết đến "sốt đất", truyền thông rầm rộ đưa tin, các nhà đầu tư đổ xô đi mua đất cũng chính là thời điểm rất nguy hiểm của thị trường, là dấu hiệu cảnh báo về việc cơn "sốt đất" sắp "sập". Nhà đầu tư vào sau cùng sẽ là người thua lỗ nhiều nhất vì phải mua bất động sản với giá của nhiều năm thậm chí hàng chục năm về sau.
Vì vậy, các chuyên gia bất động sản đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư và người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò của giới đầu cơ và “cò” đất.
“Trước khi “xuống tiền”, phải tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị thực của khu đất và tiềm năng đất đai khu vực đó có thật sự cân xứng với giá đất hay không.