Tan giấc mơ thổi giá đất thành phố Phú Quốc?
Bất động sản TP. Phú Quốc đang chìm lắng từ dịch Covid-19, điều này trái ngược hoàn toàn với những kỳ vọng tăng giá hồi đầu năm 2021.
Sự thật từ phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai
Sau quãng thời gian đầu năm xuất hiện nhiều thông tin về giá bất động sản ở TP. Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang sẽ mạnh mẽ trở lại, thiết lập mặt bằng giá mới thì cho tới thời điểm này lại ghi nhận thực tế hoàn toàn trái ngược khi huyện đảo này vắng người chưa từng thấy trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Vừa trở về từ Phú Quốc hồi giữa tháng 5/2021, anh Trần Công Hải (35 tuổi, ngụ Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chia sẻ: "Ban ngày Phú Quốc đã vắng, ban đêm nơi đây lại càng vắng hơn. Những địa điểm nổi tiếng thường tụ tập đông người như chợ đêm, các bãi biển, phố đi bộ... là nơi nổi tiếng thu hút khách du lịch nhưng cũng chỉ lác đác vài người qua lại".
Nguyên nhân chính được anh Hải chỉ ra là do dịch Covid-19 trở lại, khiến nhiều người dân lo lắng không ra khỏi nhà, lượng khách du lịch cũng vì thế mà giảm đi.
Con phố ẩm thực nổi tiếng ở TP. Phú Quốc vắng bóng người hồi giữa cao điểm du lịch tháng 5/2021. |
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản ở tP. Phú Quốc. Bởi, nhiều năm trở lại đây, hàng loạt các dự án được xây dựng chủ yếu để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Trước những "cú đánh" liên tiếp đến từ việc TP. Phú Quốc không trở thành đặc khu kinh tế, cộng với dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho thị trường bất động sản nơi đây "đột quỵ".
Anh Phạm Xuân Hiệp - nhân viên làm việc tại một phòng công chứng trên địa bàn thị trấn Dương Đông cho hay, tỷ lệ công chứng hồ sơ giao dịch mua bán đất nền chỉ vào khoảng 5% trên tổng số những hồ sơ công chứng của văn phòng.
"Chưa bao giờ tỷ lệ công chứng giấy tờ mua bán đất lại thấp như thời điểm này. Thời điểm năm 2017 - 2018, tỷ lệ công chứng các giấy tờ liên quan đến giao dịch bất động sản lên tới 97-98%.
Nhưng sau đó hạ nhiệt dần, hồi đầu năm 2021, tỷ lệ này vào khoảng 20%. Nhưng đến bây giờ thì chạm đáy" - anh Hiệp nói.
Ông Trần Văn Năng - nhân viên một phòng công chứng khác ở xã Cửa Dương cũng thừa nhận, việc có quá ít hồ sơ mua bán đất cần công chứng trên địa bàn trong thời gian qua khiến cho thu nhập bản thân giảm xuống chỉ còn 2/5 so với những năm trước đây.
"Đặc biệt là ở mảng giao dịch đất nền, có tuần chẳng có một bộ hồ sơ nào đưa tới công chứng. Các giao dịch mua bán có thể chỉ dừng ở mức sang tay hoặc là những tin đồn thất thiệt nhằm tạo giá đất ảo" - ông Năng cho hay.
Chia sẻ của ông Năng hay anh Hiệp cũng chỉ ra một thực trạng, hiện nay các thông tin rao bán bất động sản ở TP. Phú Quốc vẫn đang chỉ nằm trên những lời quảng cáo có cánh, hứa hẹn giá đất tại khu vực này sẽ tăng phi mã trở lại.
Đồng thời, những cuộc giao dịch như đồn đoán khả năng cao chỉ là chiêu "thổi" giá mà các cò đất tạo ra nhằm thu hút giới đầu tư thứ cấp.
Còn theo ông Bùi Đức Tiến, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Phú Quốc, thời điểm sốt đất 3 năm trước mỗi ngày có khoảng 50-60 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất.
Hiện nay, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 15-16 hồ sơ mua bán đất nhưng chủ yếu là lấy đất thu hồi nợ. Vì vậy, TP. Phú Quốc không có chuyện sốt đất như nhiều người đồn thổi.
“Bây giờ một ngày tiếp nhận 20 hồ sơ mua bán đất là tối đa. Mua bán đất mà có 4-5 người đi theo thì sang tên để trừ nợ chứ mua bán gì”, một cán bộ đăng ký đất đai nói.
Nhiều dự án phân lô bán nền tự phát trên địa bàn xã Cửa Dương giờ đây cỏ mọc um tùm thế này. |
Thị trường đang bội thực, đua nhau bán cắt lỗ
Chia sẻ về tình hình bất động sản ở TP. Phú Quốc, ông Đặng Đức Giới - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đặc Khu cho biết, đất nền đang trong tình trạng "bội thực" vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít.
Tại nhiều khu vực của TP. Phú Quốc, các chủ đất cũng đang thi nhau bán cắt lỗ với hy vọng có thể thu hồi được phần nào chút vốn đang nằm "đóng băng" tại huyện đảo này.
Thông tin trên một số trang điện tử cho thấy, hàng loạt khách hàng mua sản phẩm tại dự án Sonasea Paris Villas Phú Quốc đang phải bán cắt lỗ nặng vì sau nhiều năm đầu tư vào đây vẫn chưa thanh khoản được.
Theo đó, những căn shophouse rộng 220m2 nằm ngay mặt đường Trần Hưng Đạo, xã Dương Tơ tại dự án này đang được rao báo với giá chỉ từ 3 - 3,6 tỷ đồng. Nếu so với 3 năm trước thì những căn nhà như thế giá không dưới 7 - 8 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Đạt (ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đang như ngồi trên đống lửa vì suốt 1 năm qua chưa tìm được cửa ra cho mảnh đất rộng gần 150m2 tại xã Dương Tơ.
"Năm 2018, tôi mua mảnh đất với giá 17,5 triệu đồng/m2. Nhưng bây giờ rao bán 13 triệu đồng chẳng ai mua, mọi người đến xem đều chê đắt. Thời điểm mua tôi nghe theo lời môi giới, đầu tư vào với hy vọng kiếm tiền chênh vài trăm triệu đồng/tháng, nhưng mới mua được hơn 2 tháng thì giá đất Phú Quốc xuống thê thảm và khó có thể chịu thu hồi lại vốn nên đành bán cắt lỗ" - anh Đạt kể.
Những mảnh đất thổ cư, đất nông nghiệp tại thị trấn Dương Đông, xã Hàm Ninh, xã Cửa Ninh... cũng không còn sốt như trước, thậm chí có những khu vực cách xa biển, đường bộ còn bị "đóng băng".
Các nhà đầu tư "ôm" đất tại các khu vực trên cũng đang tìm mọi các để bán được hàng, nhưng rao bán suốt thời gian dài chẳng ai hỏi mua mặc dù họ chấp nhận lỗ từ 80 - 200 triệu đồng/lô.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là quản lý chặt quy hoạch, xây dựng để tránh xảy ra các trường hợp phân lô, tách thửa trái qui định gây sốt ảo giá đất như những năm về trước.
Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm những dự án trái qui hoạch và những công trình sai phép, không phép... Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý thửa đất và qui hoạch trước khi mua đất để tránh những rủi ro có thể xảy ra.