Tăng trưởng tín dụng: 'Mỗi khi ngân hàng chốt sổ, con số lại bật lên'
Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng song theo nhiều chuyên gia, bản chất của tăng trưởng tín dụng quý I/2025 vẫn mang tính kỹ thuật nhiều hơn khi tốc độ tăng trưởng “đổ dồn” vào những tuần cuối cùng của quý.
Tăng trưởng tín dụng vẫn mang yếu tố kĩ thuật
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (sáng 6/4), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.
Còn trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa được Tổng Cục Thống kê công bố cho thấy tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Theo Tổng Cục Thống kê, “tín dụng tiếp tục được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng”. Đồng thời, tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát.
Tuy nhiên, theo số liệu NHNN cung cấp ngày, tính đến ngày 12/3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 15,81 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Trong khi đó, đến hết tháng 3/2025, con số này đã lên tới 3,93%, đồng nghĩa với tín dụng tăng trưởng 2,69% chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Trong một sự kiện gần đây, ông Nguyễn Hoài Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định, với tốc độ tăng trưởng tín dụng “đổ dồn” vào những tuần cuối cùng của quý cho thấy bản chất của tăng trưởng tín dụng quý I/2025 vẫn mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Điều này phản ánh một thực tế là cầu tín dụng vẫn còn yếu, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng của các doanh nghiệp hiện tại vẫn ở mức thấp, ông nói.
Nhìn vào lịch sử, tín dụng cũng nhiều lần ghi nhận tăng trưởng bất thường vào một số thời điểm then chốt. Chẳng hạn như trong năm 2024, cứ mỗi lần chốt số của quý, tăng trưởng tín dụng lại “bật lên” và bắt đầu giảm trở lại khi qua quý mới. Tín dụng trong tháng 1, tháng 2 tăng trưởng âm nhưng lại “đảo chiều” trong tháng 3, điều này lặp lại trong những quý tiếp theo. “Kịch bản này diễn ra trong 2 năm trở lại đây”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với VietnamFinance.
Một mối lo không kém phần nghiêm trọng là nguy cơ dòng vốn tín dụng không đến đúng địa chỉ cần thiết. Giới phân tích cảnh báo, nếu tín dụng được bơm mạnh nhưng lại “đổ” vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán…, hệ thống ngân hàng có thể đối mặt với những biến động lớn, kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng vốn rất dễ “lệch pha”, đi ngược với mục tiêu hỗ trợ sản xuất – kinh doanh và phục hồi kinh tế mà nhà điều hành đã đặt ra.
Bức tranh nợ xấu của các ngân hàng thể hiện rõ nhất mối lo này. Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng cho thấy, đến cuối năm 2024, tổng số dư nợ xấu đã tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng tăng 43% so với năm 2023. Không chỉ tăng về giá trị tuyệt đối, tỷ trọng nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ cho vay cũng leo từ 0,91% cuối năm 2023 lên 1,11% vào cuối năm 2024.
Dư địa giảm lãi suất hạn hẹp, lấy gì làm động lực cho tín dụng?
Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo về các giải pháp điều hành tín dụng, lãi suất để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Theo thống kê của Agriseco Research, nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong nhiều năm qua, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm đáng kể. Trước đó, trong năm 2024, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp này đã giảm khoảng 33% so với cùng kỳ. Đây được xem là một trong những động lực hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng quý I/2025 và những quý tiếp theo.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, dư địa duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian tới còn rất ít, nhất là sau khi Mỹ công bố sẽ áp mức thuế quan 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Chính Thống đốc NHNN cũng thừa nhận thị trường đã ghi nhận những diễn biến phức tạp, khó lường ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế. "Nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ", bà nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận định trước áp lực tỷ giá và lạm phát tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro và lãi suất không thể giảm thêm nếu không sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Trong bối cảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm 2025 là không thay đổi”, rõ ràng, ngành ngân hàng cần phải có những hướng đi mới để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, thay vì tiếp tục nới lỏng tiền tệ, Việt Nam nên ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, cần phát huy vai trò của chính sách tài khóa như một động lực chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững và thực chất.
Muốn tín dụng tăng trưởng lành mạnh, không chỉ ngân hàng phải “mở van” cho vay, mà doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng đón vốn bằng cách chủ động nâng cao năng lực nội tại, tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa dòng vốn và quản trị tài chính để sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả.