Tập đoàn Nam Cường đầu tư dự án du lịch hơn 4.600 tỷ tại Hà Giang?

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã trao Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư cho CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội về việc đầu tư dự án phát triển du lịch với tổng mức đầu tư 4.650 tỷ đồng.

Được biết, ngoài Tập đoàn Nam Cường, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Công ty TNHH An Việt Phát Hà Giang với 2 dự án gồm: Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ nén chất lượng cao, với tổng mức đầu tư 873 tỷ đồng và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến và cung cấp gỗ thành phẩm, với tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng.

Ngoài ra, trao MOU hợp tác đầu tư cho đại diện CTCP EREX Co., Ltd. (Nhật Bản) đầu tư Dự án Hợp tác phát triển nguyên liệu sinh khối và đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu từ ngành nông lâm nghiệp tại tỉnh Hà Giang.

Về phía Nam Cường, tập đoàn này được biết đến như “ông trùm” bất động sản phía Bắc khi sở hữu quỹ đất rộng lớn, ở vị trí đắc địa nhờ tham gia vào các dự án BT (hợp đồng xây dựng chuyển giao).

Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984. Đến năm cuối năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và chính thức chuyển đổi mô hình công ty cổ phần vào tháng 8/2009, với tên giao dịch mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.

Tòa nhà Nam Cường tại KĐM Dương Nội (Hà Đông).  
Tòa nhà Nam Cường tại KĐM Dương Nội (Hà Đông).  

Thời điểm cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%. Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (SN 1991) là ái nữ của bà Ngà nắm giữ 3% vốn.

Nam Cường bắt đầu công cuộc mở rộng quỹ đất “khủng” của mình từ thời điểm năm 2008 thông qua việc tham gia vào các dự BT.

Thời điểm năm 2009, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, Nam Cường là ông trùm địa ốc nắm trong tay các dự án khủng như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).

Thời điểm đó, dù ì ạch triển khai nhưng Tập đoàn này vẫn tự tin xin đầu tư dự án Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) và dự án Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ). Riêng hai dự án này, tổng số quỹ đất mang về cho Nam Cường có quy mô lên đến gần 1500ha.

Chưa dừng lại ở đó, Nam Cường còn muốn đầu tư thêm dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, Nam Cường được giao quỹ đất đối ứng lên đến gần 2000ha bao gồm 2 dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và dự án Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ. Tính đến thời điểm này Nam Cường sở hữu hơn 3500ha quỹ đất và nghiễm nhiên trở thành “ông trùm” dự án.

Liên quan đến Nam Cường, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, Tập đoàn Nam Cường cũng góp mặt với dự án Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tại Thạch Thản, Ngọc Mỹ, Đồng Quang, Cẩn Hữu và thị trấn Quốc Oai thuộc huyện Quốc Oai.

Minh Đức

Theo Chất lượng và Cuộc sống