‘Thế chấp’ hàng loạt tài sản là bất động sản để vay vốn, Hải Phát Invest vẫn đề xuất làm loạt dự án tại khắp các tỉnh

Mới đây, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) đã huy động thành công 500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu với hàng loạt tài sản đảm bảo là bất động sản. Trước đó công ty cũng đã huy động thành công 650 tỷ đồng được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản. Đáng chú ý trong bối cảnh tài chính ‘eo hẹp’, Hải Phát lại liên tục đề xuất đầu tư nhiều dự án tại thị trường miền Bắc.

Nợ phải trả của Hải Phát vượt mốc 5.000 tỷ

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Hải Phát Invest, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 494 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu từ  hoạt động kinh doanh bất động sản của Hải Phát tăng 38% lên 246 tỷ đồng. Biên lãi gộp doanh nghiệp tăng từ 20% ở cùng kỳ lên thành 30,6% trong quý II năm nay.

Doanh thu tài chính doanh nghiệp đạt 92 tỷ đồng trong đó chủ yếu là lãi bán các khoản đầu tư (85 tỷ đồng), còn lại là lãi tiền gửi. Chi phí tài chính tăng 74% lên 90 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Theo đó, kết thúc quý II năm nay, Hải Phát ghi nhận lãi ròng 58 tỷ đồng, tăng 131% cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 744 tỷ đồng (tăng 17%), lãi ròng đạt 115 tỷ đồng (tăng 95%).

Tại ngày 30/6, tài sản Hải Phát đạt 9.220 tỷ đồng (tăng 25% so với thời điểm đầu năm). Trong đó, phải thu ngắn hạn tăng 48% lên 2.908 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư. Tồn kho doanh nghiệp tăng 68% lên 3.833 tỷ đồng, phần lớn do tăng giá trị bất động sản để bán đang xây dựng. Tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 95 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Tây Nam An Khánh, Tân Tây Đô,…

Đáng chú ý, nợ phải trả tại ngày 30/6 tăng 46% lên 5.484 tỷ đồng. Trong đó, thuế và các khoản phải nộp là 648 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với đầu năm. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 55 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ phải trả của Hải Phát tại ngày 30/6 là 5.484 tỷ đồng.    
Nợ phải trả của Hải Phát tại ngày 30/6 là 5.484 tỷ đồng.    

Trong đó phải trả ngắn hạn tăng 284% lên 560 tỷ đồng, chủ yếu do tăng tiền thu từ các hợp đồng đặt cọc, vay vốn liên quan đến bất động sản. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng 95% lên 1.883 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, do tồn kho tăng thêm 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng đã kéo dòng tiền kinh doanh của Hải Phát xuống mức âm 1.550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 181 tỷ đồng.

Dồn dập huy động trái phiếu thế chấp bằng nhiều tài sản là bất động sản

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được công bố ngày 14/9, Hải Phát Invest đã phát hành thành công 500 nghìn trái phiếu với mệnh giá 1.000.000 VNĐ/trái phiếu (tương đương 500 tỷ đồng).

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 4 năm và lãi suất thấp nhất là 11% mỗi năm. Hải Phát cho biết, mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Theo thông tin được công bố cho biết, lô trái phiếu trên được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản tại Hà Nội. Cụ thể các trái phiếu được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, các tài sản gắn liền với đất đối với 5 căn kiot thương mại và 8 sàn thương mại tại tòa nhà HH, thuộc dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Ngoài ra, tài sản đảm bảo trái phiếu còn có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, các tài sản gắn liền với đất đối với khu đất có diện tích hơn 14.177 m2 tại phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lô trái phiếu nói trên được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Smart Invest và được một công ty chứng khoán trong nước mua lại.

‘Thế chấp’ hàng loạt tài sản là bất động sản để vay vốn, Hải Phát Invest vẫn đề xuất làm loạt dự án tại khắp các tỉnh - Ảnh 1

Đáng chú ý, thời điểm tháng 5 năm nay, Hải Phát Invest cũng đã phát hành lô trái phiếu 650 tỷ đồng, có kỳ hạn ba năm và lãi suất thấp nhất 9,5% mỗi năm. Lô trái phiếu này cũng được đảm bảo bằng nhiều bất động sản. Cụ thể là quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh tại dự án khu đất thương mại TM1 – Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang) của Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang cùng vốn góp của Hải Phát Invest tại doanh nghiệp này.

Phối cảnh Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang).  
Phối cảnh Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang).  

Về có cấu công ty, Hải Phát cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu tại các công ty con theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH MTV Địa ốc Châu Sơn và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land).

Trước đó, giữa tháng 5/2021, HĐQT Hải Phát đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà công ty sở hữu tại CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển địa ốc Ruby. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Sapphire.

Tài chính ‘eo hẹp’, Hải Phát vẫn đề xuất làm loạt dự án tại miền Bắc

Trong hoàn cảnh đang thực sự ‘đói vốn’, cùng với các dự án hiện hữu, Hải Phát bất ngờ đề xuất đầu tư thêm nhiều dự án tại thị trường miền Bắc. Cụ thể, tính từ thời điểm tháng 7 đến nay, Hải Phát Invest đề xuất đầu tư thêm nhiều dự án tại thị trường miền Bắc như: Khu đô thị (KĐT) sân bay Mường Thanh, Khu nhà ở trung tâm hành chính mới, KĐT phía Tây Bắc TP Điện Biên Phủ, KĐT mới Him Lam,…

Trong khi đó, theo kế hoạch năm nay, Hải Phát Invest sẽ triển khai 8 dự án tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Bình Thuận và Cần Thơ như: KĐT mới An Bình I (164,3 ha; vốn đầu tư 4.981 tỷ đồng); KĐT mới An Bình II (58,4 ha; vốn đầu tư 4.160 tỷ đồng);

Phối cảnh KĐT mới An Bình I với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.  
Phối cảnh KĐT mới An Bình I với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.  

Ngoài ra còn có các dự án: KĐT Mai Pha – Lạng Sơn (92 ha, vốn đầu tư 3.381 tỷ đồng); HP Galaxy Cao Bằng (4,3ha; vốn đầu tư 886 tỷ đồng); La Emera Hạ Long (12,6 ha; 1.200 tỷ đồng); The Seahara Mũi Né (5,7 ha; 2.332 tỷ đồng); Khu nghỉ dưỡng dịch vụ Vinh Mỹ (39,58 ha; vốn đầu tư 656 tỷ đồng); The Seahara Phú Yên Shop Villas (1,4 ha và công viên biển 1,2 ha; vốn đầu tư 238 tỷ đồng).

Đối với dự án KĐT Mai Pha – Lạng Sơn, mới đây UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án này. Dự án có diện tích lập quy hoạch gần 92 ha, dân số khoảng 16.313 người. Chủ đầu tư là liên danh CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) – Công ty TNHH Hà Sơn (Hà Sơn).

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Mai Pha – Lạng Sơn (Ảnh: Hải Phát Invest).  
Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Mai Pha – Lạng Sơn (Ảnh: Hải Phát Invest).  

Sau khi điều chỉnh, khu vực thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính xã Mai Pha, TP Lạng Sơn. Phía Bắc giáp sông Kỳ Cùng; phía Nam giáp dự án khu tái định cư và dân cư Nam thành phố và khu dân cư hiện trạng; phía Đông giáp sông Kỳ Cùng và khu dân cư hiện trạng; phía Tây giáp sông Kỳ Cùng dự án khu tái định cư và dân cư Nam thành phố.

Liên quan đến dự án này, tháng 1/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Mai Pha. Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Hải Phát Invest – Hà Sơn. Đến tháng 3/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn và liên danh nhà đầu tư nói trên đã ký hợp đồng thực hiện dự án. Thời gian và tiến độ thực hiện KĐT trong vòng 6 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển