Thị trường bất động sản “đón” dòng tiền lớn từ ngân hàng đổ về?

Với việc lãi suất huy động liên tục giảm khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi ngân hàng, theo đó dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn như bất động sản, vàng hay chứng khoán.

Thị trường bất động sản “đón” dòng tiền lớn từ ngân hàng đổ về? - Ảnh 1

Tiền gửi ngân hàng hạ nhiệt

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua khiến tâm lý của khách hàng cũng bị ảnh hưởng khi hầu như không có lãi khi tính đến yếu tố lạm phát. Khi đó, người dân sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác để tăng mức sinh lời.

Dữ liệu của Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng cho thấy, từ trung tuần tháng 8/2023 đến cuối tháng 3/2024, lãi suất huy động tiền gửi trung bình các ngân hàng thương mại trong nước liên tục giảm.

Lãi suất huy động trung bình ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại ngày 29/3/2024 lần lượt là 2,39%, 2,64%, 3,68% và 4,55% - thấp hơn từ 1,64 - 2,12 điểm phần trăm so với giữa tháng 8/2023.

 

Xem thêm: Diễn biến giá chung cư Hà Nội tại đây

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Cùng với đó, nhiều tín hiệu cũng cho thấy thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào, đó là lãi suất huy động tại một số ngân hàng điều chỉnh tăng. Cụ thể, 2 tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 xuất hiện một diễn biến đáng chú ý trên thị trường huy động vốn khi có thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động như: VPBank, Eximbank, SHB, Saigonbank…

Trước đó, các chuyên gia nhận định, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng đang ở mức kỷ lục (khoảng 14 triệu tỷ đồng), một phần trong số đó chực chờ cơ hội để chuyển hướng sang các kênh đầu tư có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn.

Thực tế, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn tìm lời giải bài toán sinh lời cao hơn cho đồng vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, thậm chí tiếp tục đi xuống.

Hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng… đang có sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng phần nào đó đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế. Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cũng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Dòng tiền bắt đầu chuyển dịch sang bất động sản

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay dòng tiền đang có sự dịch chuyển sang bất động sản. Điều đó được thể hiện, đây là “làn sóng” thứ 3 loại hình chung cư tăng giá kể từ cuối năm 2022, đẩy giá chung cư lên một mặt bằng giá mới. Hiện “làn sóng” này đang giảm dần và tiếp nối sang đất nền/thổ cư. Bởi quan điểm của nhà đầu tư không để cho “tiền” chết, trong khi lãi ngân hàng thấp lạm phát không bù đủ, thì chỉ còn cách mua đất giữ tiền.

Ngoài việc lãi suất đang xuống thấp “kỷ lục” khiến tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng mà một dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang đón một lượng tiền lớn đó là việc các ngân hàng đã tăng cường cho vay bất động sản.

Đơn cử như tại Ngân hàng SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 là hơn 67.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm. Trong đó, kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí thứ hai với 16,08% tổng dư nợ của ngân hàng này.

Đối với MBBank, cho vay kinh doanh bất động sản cuối quý IV/2023 là hơn 43.400 tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỉ trọng 7,09% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Đặc biệt, Techcombank (TCB) vẫn là doanh nghiệp “tích cực” nhất trong việc cho vay kinh doanh bất động sản. Dựa trên báo cáo tài chính quý IV/2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của ngân hàng này trong cuối tháng 12/2023 là 176.804 tỷ đồng, tăng hơn 68.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài ra, dư nợ cho vay bất động sản của TCB còn chiếm tỉ trọng lớn về dư nợ cho vay trong nhóm các khoản vay tổ chức kinh tế của TCB. Cuối năm 2023, dư nợ cho vay nhóm này đã tăng hơn 10% so với đầu năm.

Có thể thấy, hiện tại thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy dòng tiền tìm đến kênh đầu tư này.

Các chuyên gia nhận định, giai đoạn này là lúc thị trường bất động sản “giao mùa” chuẩn bị phục hồi trở lại sau một thời gian trầm lắng. Trong đó, dòng tiền sẽ khởi động trở lại nhờ những chính sách hỗ trợ tài chính như lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán,… sẽ sớm làm tăng tính thanh khoản và tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Đầu năm 2024, thị trường sẽ đón lượng lớn dòng tiền đổ vào bất động sản với kỳ vọng đây sẽ là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận sinh lời tốt, ổn định.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản dù đã có dấu hiệu tích cực hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro do các vướng mắc từ nội tại thị trường, khiến quyết định đầu tư trở nên khó khăn. “Rót tiền” vào bất động sản vào thời điểm này vẫn là những đắn đo, trăn trở dù rất nhiều nhà đầu tư đang nắm trong tay tiền mặt. Xu hướng dòng tiền vào bất động sản cũng sẽ không ồ ạt như trước.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường địa ốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức cầu của thị trường. Niềm tin của người mua nhà vẫn chưa hồi phục. Song ông Đính vẫn kỳ vọng, dòng tiền từ ngân hàng sẽ đổ vào BĐS khi thị trường năm 2024 có tín hiệu khởi sắc cũng như các dự án được tháo gỡ khó khăn về pháp lý.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn đeo bám nhiều doanh nghiệp, dòng tiền đổ vào lĩnh vực này vẫn còn đang rất “gập ghềnh".