Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

Ông Đặng Trường Giang, Phó Tổng giám đốc Mai Việt Land nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng luôn là phân khúc hồi phục sau cùng của thị trường.

Theo ông Giang, yếu tố đặt lên hàng đầu đối với bất động sản nghỉ dưỡng ở giai đoạn này không phải dòng tiền, thu hút đầu tư để đợi tăng giá, mà là vấn đề về pháp lý và giá trị của sản phẩm. Bất động sản nghỉ dưỡng muốn hấp dẫn được các nhà đầu tư, trước hết phải có pháp lý hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín, giàu tiềm lực. Tiếp đến là các sản phẩm phải có mức giá phù hợp. 

Ông cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại vẫn đang có cơ hội phục hồi tích cực, nhưng cơ hội này không xảy ra với toàn bộ thị trường, mà chỉ với một số sản phẩm, phân khúc nghỉ dưỡng đáp ứng được các yếu tố trên.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh? - Ảnh 1

Theo báo cáo của DKRA cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 7 tiếp tục kém khả quan. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục duy trì ở mức thấp, giảm 68% so với cùng kỳ và tập trung 100% tại khu vực miền Bắc. Sức cầu chung của thị trường giảm đáng kể, lượng giao dịch tập trung ở những dự án sơ cấp và phân bổ chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá dưới 15 tỷ/căn.

Mặt bằng giá bán không biến động nhiều so với tháng 6 và vẫn neo ở mức cao. Vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể mở bán, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao khiến thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường này vẫn kéo dài tình trạng khó khăn.

Nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục có một tháng không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay khiến nguồn cung mới hạn chế. Sức cầu chung thị trường duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá dưới 10 tỷ/căn. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận một số sản phẩm có mức giá giảm 30 - 40% nhưng vẫn gặp khó trong thanh khoản.

Theo Chủ tịch BHS Group Nguyễn Thọ Tuyển, tâm lý nhà đầu tư hiện nay đã thay đổi, bất động sản nghỉ dưỡng không phải khi nào cũng mua để có dòng tiền từ việc cho thuê, mà còn mua để họ tận hưởng cuộc sống, để sưu tầm... Đó chính là nhu cầu thật của các khách hàng.

Có thể sẽ khó kỳ vọng thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng tăng nhanh trong thời gian sắp tới. Song rõ ràng, đây cũng không phải là sản phẩm bị lãng quên trên thị trường. Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản mới đã có định nghĩa về sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có các sản phẩm thương mại, dịch vụ lưu trú. Đây chính là hành lang pháp lý để xác lập quyền sở hữu tài sản của các sản phẩm này, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển trong tương lai.

Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên, nhiều thắng cảnh đẹp. Bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ có đóng góp lớn cho thị trường địa ốc nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thực tế, đà phục hồi chậm của bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay là điều đã được giới chuyên gia lo ngại từ trước. Cuối năm ngoái, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes từng dự báo phân khúc này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, du lịch kém khởi sắc nên khả năng hồi phục sẽ chậm hơn so với những phân khúc khác.

Ở góc độ chuyên gia, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cảnh báo một số thị trường ven biển tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng bởi phát triển nóng nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm càng gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam. 

Tại báo cáo, đội ngũ chuyên gia của VARS dự báo năm 2024, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Nguồn cung sẽ có cơ hội được cải thiện, song số lượng là không nhiều, dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2023. Phân khúc căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của thị trường này do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê tạo dòng tiền. Sản phẩm mới chủ yếu là các căn hộ du lịch ở những dự án quy mô lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần. 

Giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thức cấp, giá căn hộ du lịch khoảng 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số nơi có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Song, phương án quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, được các khách hàng quan tâm khi xuống tiền.

Theo ông Bùi Quý Trung, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Flamingo, do tâm lý thận trọng, giới đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn kỹ càng hơn hẳn khi chỉ chọn những vùng có nhiều dư địa khai thác và phát triển, hạ tầng hoàn thiện, nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để có thể bắt kịp sự phục hồi của ngành du lịch. Về phía con người, hồ sơ năng lực của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, chất lượng dịch vụ tiện ích, các yếu tố phát triển bền vững, tiện ích cho cư dân và các yếu tố đem đến giá trị tinh thần là những tiêu chí hàng đầu mà người mua tìm kiếm.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và cuộc sống