Thị trường bất động sản nơi này đang ‘nóng’ dịp cuối năm
Cuối năm bất động sản Gia Lâm (Hà Nội) dậy sóng khi đón nhận hàng loạt thông tin tích cực về hạ tầng giao thông. Mặt bằng giá đất huyện vùng ven này tiếp tục bị đẩy cao sau nhiều lần nóng sốt trong thời gian qua.
Là huyện ven đô nằm ở phía đông thành phố Hà Nội, bất động sản Gia Lâm chỉ thực sự sôi sục từ năm 2018 khi một đại dự án có quy mô lên tới 450ha của ông lớn Vingroup đổ về đây. Sự xuất hiện của đại dự án này đã khiến giá đất nền khu vực xung quanh tăng giá mạnh. Tại những địa điểm mà dự án tọa lạc là Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Dương Xá và 1 phần thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm), giá đất thiết lập mặt bằng “nhảy vọt” chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Giá đất tăng giá khoảng 30% trong vòng nửa năm.
Thời điểm vào tháng 8/2018, đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng được chào bán 120-135 triệu đồng/m2 trong khi giá đầu năm là 100-120 triệu đồng/m2. Đất trên đường An Đào A, A Đào Nguyên, giá tăng từ 32-36 triệu đồng/m2 lên mức 37-42 triệu đồng/m2. Tại Kiêu Kỵ, thời điểm tháng 8/2018, đất nền được rao bán 25-29 triệu đồng/m2, trong khi giá đầu năm dao động từ 20-23 triệu đồng/m2. Đất tại thôn Đa Tốn được chào bán từ 20-23 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với mức 17-20 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm. Đất tại Dương Xá đang được chào bán từ 18-20 triệu đồng/m2, trong khi giá đầu năm là 16-17 triệu đồng/m2.
Sau cơn sốt nóng đó, đất Gia Lâm còn trồi sụt với nhiều cơn sốt đất của bất động sản vùng ven trong những năm kế sau đó. Thế nhưng cơn sốt của những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 thực sự đẩy giá đất Gia Lâm lên một mặt bằng mới. Nguyên nhân của cơn sốt đến từ hàng loạt công trình giao thông lớn như thông xe tuyến đường nối từ Vành đai 3 đi Hưng Yên, thông xe nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 vượt sông Hồng…
Những thông tin này khiến đất Gia Lâm tiếp tục tăng giá mạnh đất Đặng Xá, đường 2 ô tô tránh nhau, được chào bán 55-60 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng được chào bán 150-180 triệu đồng/m2, tăng 10-15 giá so với thời điểm đầu năm 2021. Đất đường Đào Nguyên từ mức giá 47-49 triệu đồng/m2 tăng lên 55-60 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Kiên Thành tăng từ 50-58 triệu đồng/mư lên mức 60-70 triệu đồng/m2. Đất Cửu Việt cũng tăng 20%, từ mưc 33-40 triệu đồng lên 40-50 triệu đồng/m2. Đất tại Dương Xá 2 mặt tiền 48-57 triệu đồng/2.
Dù giá đất tăng mạnh nhưng giao dịch trên thị trường lại không quá sôi động. Anh Vũ Giang, môi giới bất động sản thổ cư tại đây cho biết, hai tháng cuối năm, người hỏi mua đất Gia Lâm rất nhiều, thế nhưng nhóm của anh chỉ có 4 giao dịch thành công. “Giới đầu cơ đã ôm hàng từ trước, giờ họ bắt đầu ra hàng. Thế nhưng giá lên cao quá, nhiều người hỏi mua nhưng rồi lại lắc đầu vì không đủ tài chính”, anh Giang cho biết.
Còn theo anh Phạm Chức Trọng, cũng là môi giới thổ cư tại Gia Lâm thì những người mua đất thời điểm này tại Gia Lâm chủ yếu là người đầu tư, tìm đến bất động sản như một kênh trú ẩn của dòng tiền. Họ mua, để đó và chờ đất tăng giá. Cũng theo anh Trọng, dù giá tăng nhưng giao dịch của thị trường không ảm đạm, cũng không quá sôi động. Tuy nhiên, so với thời điểm giữa năm thì thị trường có thể coi là khởi sắc. “Dù giá đất tăng cao, nhưng không chỉ Gia Lâm mà nhiều vùng khác của Hà Nội giá đất cũng tăng mạnh và rất cao thời gian qua. Đây là thực trạng chung của thị trường. Nhà đầu tư vẫn xuống tiền vì tin rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng sau Tết. Tôi giao dịch túc tắc dịp này”, anh Trọng cho biết.
Môi giới và giới đầu tư tại đây cho rằng sau Tết thị trường sẽ đón một đợt sóng mới, kịch bản sốt đất khả năng cao sẽ lặp lại như năm ngoái do sức nén của dịch bệnh sau thời gian dài. Nhưng nguyên nhân chính là thị trường Hà Nội trong năm tới vẫn khan hiếm trầm trọng nguồn cung mới trong khi nhu cầu đầu tư đang rất lớn.