Thị trường chứng khoán giảm sốc: Nhìn lại những khoản vay trăm tỷ thế chấp cổ phiếu của người giàu
Thị trường chứng khoán phanh gấp đột ngột, giật lùi khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ nặng. Nhưng, nỗi lo của nhà đầu tư còn nằm ở chỗ có hay không áp lực bán giải chấp cổ phiếu của các ngân hàng khi hoạt động người giàu thế chấp cổ phiếu để vay vốn là rất phổ biến những năm qua.
Thị trường chứng khoán phanh gấp đột ngột, giật lùi khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ nặng. Kể cả những nhà đầu tư theo trường phái an toàn nhất cũng rơi vào cảnh "xa bờ".
Nguyên nhân vì đâu mà thị trường chứng khoán bị bán mạnh mẽ như vậy? Một phần không nhỏ lý do là nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá đà để mua cổ phiếu và khi thị trường cài số lùi đột ngột thì họ liên tục bị call margin. Và khi thị trường vừa hồi phục nhẹ, sức mua nẩy ra một chút lại vội vàng full margin trở lại để nhanh "về bờ". Thảm cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu như hiện tại còn gây ra một hệ lụy nữa mà ít người biết đến: tài sản đảm bảo của nhiều "người giàu" đang thế chấp tại các ngân hàng bị giảm giá.
Hàng loạt "người giàu" thế chấp cổ phiếu để vay vốn ngân hàng
Trong những năm qua, việc ngân hàng cho doanh nghiệp/cá nhân vay vốn thế chấp bằng cổ phiếu đã từng được nhắc đến nhiều lần. Nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc này cũng đã được đem ra mổ xẻ. Người thì cho rằng cổ phiếu cũng là giấy tờ có giá mà đã có giá thì không có lý do gì để từ chối việc thế chấp cổ phiếu để vay vốn cả. Có người lại cho rằng giá cổ phiếu thường xuyên biến động thất thường trên thị trường chứng khoán, chịu quá nhiều tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, việc cho vay vốn thế chấp bằng cổ phiếu sẽ khiến ngân hàng gặp rủi ro khi thị trường chứng khoán lao dốc và người vay không có tài sản khác để gia tăng tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư trên thị trường còn lo ngại nếu thị trường chứng khoán rơi vào những điểm "cài số lùi" đột ngột thì thậm chí, tình trạng ngân hàng phải bán cổ phiếu mà người vay thế chấp để thu hồi vốn sẽ càng gây thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
Nỗi lo của các nhà đầu tư không phải không có lý. Việc các "người giàu", các doanh nghiệp thế chấp cổ phiếu tại các ngân hàng để vay vốn không còn là việc hiếm có khó tìm nữa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều "người giàu" trên thị trường chứng khoán đã từng thế chấp hàng chục, trăm triệu cổ phiếu để vay vốn nghìn tỷ tại các ngân hàng.
Lấy ví dụ gần đây nổi cộm nhất là câu chuyện ông Trịnh Văn Quyết thế chấp hàng loạt cổ phiếu FLC, Bamboo Airways...tại hệ thống các ngân hàng. Đến nay, cổ phiếu FLC giảm sốc còn Bamboo Airways do chưa niêm yết nên cũng không rõ câu chuyện xử lý cổ phiếu sẽ ra sao khi mà ông Trịnh Văn Quyết đang bị bắt để điều tra vấn đề liên quan thao túng giá.
Không chỉ trường hợp gây xôn xao dư luận kể trên, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều "người giàu" khác cũng đang thế chấp lượng lớn cổ phiếu tại các ngân hàng. Ví dụ như nổi cộm nhất là trường hợp ông Trần Đình Long-người giàu top 3 của thị trường chứng khoán- cũng đã từng dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn ngân hàng cũng được nhiều ông chủ doanh nghiệp áp dụng với số lượng lớn. Là các "sếp" Hòa Phát, ông Trần Đình Long, ông Doãn Gia Cường, ông Nguyễn Mạnh Tuấn...nhiều lần đem thế chấp tại các ngân hàng như Vietcombank, BIDV... để vay vốn. Việc này đã được thực hiện nhiều lần trong nhiều năm gần đây và mỗi lần hàng triệu, chục triệu thậm chí cả trăm triệu cổ phiếu được thế chấp tại ngân hàng. Có nhiều lần, có thể do khi cổ phiếu HPG giảm sâu những năm trước thì các "sếp lớn" của HPG từng phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho ngân hàng và tài sản đảm bảo bổ sung cũng vẫn là....cổ phiếu HPG.
Thông tin định giá cổ phiếu HPG khi các ngân hàng cho vay không được tiết lộ. Tuy nhiên, việc cổ phiếu HPG lao dốc từ ~60.000 đồng về ~40.000 đồng hiện tại tương ứng giảm hơn 30% thì câu hỏi liệu các "Sếp" HPG có bị ngân hàng call margin hay không cũng không phải là câu hỏi thừa.
Và nếu HPG bị ngân hàng call margin và với khối lượng cổ phiếu thế chấp lớn như thế thì các sếp HPG có đủ tài sản khác để thế chấp hay không cũng là câu hỏi đáng chú ý. Giả sử như, các sếp HPG cuối cùng không nộp được thêm tài sản đảm bảo thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có hay không việc ngân hàng "force sell", bán ra cổ phiếu để thu hồi tài sản đảm bảo?
Không chỉ ông chủ của Hòa Phát dùng chiêu thế chấp cổ phiếu vay vốn ngân hàng, nhiều ông chủ lớn khác cũng dùng chiêu thức đó và vay lượng lớn tiền từ ngân hàng. Cá biệt như trường hợp của các "Sếp" địa ốc Nova. Từ năm 2019 đến nay, ông Bùi Xuân Huy là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova đã có giao dịch đảm bảo với lượng lớn cổ phiếu NVL. Ông Huy từng thế chấp 34 triệu cổ phiếu NVL với bên nhận đảm bảo là Credit Suisse AG, Singapore Branch .
Tháng 12/2020, ông Bùi Xuân Huy tiếp tục ký hợp đồng giao dịch đăng ký đảm bảo với CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và sau đó có 2 lần trong cùng ngày 1/6/2021 đã có giao dịch tài sản đảm bảo mỗi lần là 1,4 triệu cổ phiếu NVL. Sau đó, đến tháng 10/2021, ông Huy đã phải bổ sung thêm hơn 600 nghìn cổ phiếu cho hợp đồng này.
Tháng 6/2020, ông Bùi Đạt Chương là em trai ông Bùi Thành Nhơn (cựu chủ tịch NVL) từng có giao dịch đảm bảo với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBank-mã CK: MBB) với Tài sản thế chấp cũng là cổ phiếu NVL.
Ông chủ của Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) hiện vẫn đang là người giàu top 10 thị trường chứng khoán cũng từng...ốp chiêu tương tự ông chủ Hòa Phát, ông chủ Nova Land. Theo thông tin chúng tôi có được, ông Nguyễn Văn Đạt thường xuyên thế chấp mỗi lần hàng chục triệu cổ phiếu PDR tại Dong A Bank và công ty chứng khoán HSC.
Nỗi lo khi thị trường chứng khoán lao dốc
Nhu cầu vay vốn là điều tất yếu và cũng là quyền của các cá nhân. Tuy nhiên, việc lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đang thế chấp lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng lại đang là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng không chỉ trong mối quan hệ giữa người vay-đi vay.
Như trong trường hợp Hòa Phát, dù kết quả kinh doanh liên tục tuột mốc sau giai đoạn lỡ "đu đỉnh" hàng tồn kho vào tháng 5-6-7 năm ngoái, lãnh đạo doanh nghiệp cũng thường xuyên đăng đàn "hô" tốt đẹp. Chỉ cần search một chút là nhà đầu tư có thể đọc được hàng trăm, hàng nghìn bài viết tung hô những mặt tốt đẹp của Hòa Phát.
Lãnh đạo công ty nói tốt, vẽ tương lai đẹp thì câu chuyện nhà đầu tư tin là dễ hiểu. Và khi tin, nhiều nhà đầu tư đã bị đu đỉnh cổ phiếu HPG cũng như HPG đã đu đỉnh giá thép vậy. Khi cổ phiếu đang trên mé phải của quả núi, hình thành nên đỉnh thì nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục "bị" hàng trăm ngàn thông tin bơm thổi và tiếp tục dính sâu vào bẫy trung bình giá. Thua lỗ chồng lên thua lỗ, cổ phiếu HPG lao dốc không phanh và đến nay đã mất 30% giá kể từ đỉnh khi kết quả kinh doanh suy giảm dần lộ diện.
Câu hỏi đặt ra là, những lời hô hào mua cổ phiếu, những triển vọng có lẽ là quá viển vông liên quan đến cổ phiếu được tung ra như những ma trận gài bẫy nhà đầu tư đến từ đâu? Có hay không việc chính những "người giàu" sợ bị ngân hàng call margin cho các khoản vay nghìn tỷ nên liên tục hô mua để đỡ giá cổ phiếu? Sẽ không thể nói được có hay không nhưng khi, những tung hô trước đây liên quan đến cổ phiếu HPG lại liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người trong cuộc thì không ngoại trừ khả năng của sự thiếu minh bạch tin tức hoặc lợi dụng thị trường tin tức quá cởi mở để phát ngôn, gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư.
Giả sử như, sau hàng loạt nỗ lực tung hô mà cổ phiếu vẫn "thuận theo lẽ tự nhiên" và sụt giảm sâu cùng áp lực bán mạnh cắt lỗ của những người lỡ đu đỉnh thì câu chuyện gì sẽ diễn ra tiếp nữa? Nỗi lo của thị trường nằm ở chỗ, giả sử những "người giàu" đang thế chấp cổ phiếu vay hàng nghìn tỷ đồng mà cổ phiếu lao dốc khiến tài sản đảm bảo không còn đủ sức bảo đảm cho khoản ngân hàng cho vay nữa thì câu chuyện gì sẽ xảy ra? Có hay không thảm cảnh ngân hàng bán tháo ồ ạt cổ phiếu của những người giàu để thu hồi vốn liếng đã cho vay và khiến cổ phiếu đã lao dốc lại còn thêm lực "xô" từ phía ngân hàng?