Chủ tịch Quốc hội: Chứng khoán quá bất thường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến thị trường chứng khoán quá bất thường, có tình trạng “sáng mưa, chiều nắng”. Việc này có tác động tiêu cực, làm mất ổn định cho thị trường. 

Sáng 11/5, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng với sự bất thường của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, báo cáo  bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021 cho thấy tình hình phát triển kinh tế – xã hội quý 4 có khởi sắc hơn do với thời kỳ trước. Việc đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng này do nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút ra những vấn đề lớn, cụ thể, rõ ràng, có số liệu cụ thể để nêu. Bám sát vào các Nghị quyết của Quốc hội, tình hình triển khai Nghị quyết 32, Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội về phòng chống dịch, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ… để từ đó đánh giá việc triển khai của Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khâu ban hành Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện rất nhanh với các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02. Chỉ cần bám vào những nghị quyết này để nêu, xem xét.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu tâm việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Vấn đề về phòng chống dịch Covid-19 sẽ được tách riêng để đánh giá.

Đồng thời xem xét việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 theo Nghị quyết 32 và các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm. Làm nổi bật việc triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, các cân đối lớn của nền kinh tế (điện, năng lượng, xăng dầu)…

Ngoài ra, cần xem xét việc ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa tiền tệ, kiểm soát lạm phát. Làm rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng vấn đề.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năm 2022, tình hình diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. “Chứng khoán bây giờ quá bất thường. Như sáng hôm qua (10/5) giảm đến 54 điểm, chiều lại đảo chiều tăng lên dương. Còn ngày hôm kia giảm đến gần 60 điểm, một phiên mà giảm hơn 4,4%” – Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng thị trường chứng khoán đang “sáng mưa, chiều nắng”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc bất thường như vậy sẽ có tác động tiêu cực, làm mất ổn định cho thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến Chủ tịch Quốc hội lo lắng khi cho biết, năm ngoái thị trường này tăng quá nóng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo thẩm tra dẫn đầy đủ số liệu về thị trường trái phiếu chính phủ để đại biểu Quốc hội biết và đề nghị làm rõ nguyên nhân.

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, 3 thị trường vốn, tiền tệ và bất động sản là “thông nhau” nhưng hiện cả 3 thị trường này đều còn nhiều bất cập.

Thị trường bất động sản chưa tiếp cận đến cung, cầu thật sự khi cung, cầu hiện nay không sát thực tế, việc đầu cơ, găm giữ đất còn tồn tại nhiều.

“Vốn chảy vào bất động sản thì còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ. Đây là bất cập rất lớn. Vừa rồi chúng ta phát hiện, Chính phủ đánh giá, tổ chức thực hiện, chỉ đạo các ngành, cấp kiểm soát vấn đề này”,Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để sửa Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Trong lúc chưa sửa thì theo dõi sát tình hình, báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản những khoản nào tới hạn, những cái nào phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Trước đó, thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro và tồn tại sự mất cân đối. Cụ thể, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỉ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020.

Quý 1/2022, tổng giá trị phát hành đạt 56.400 tỉ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 49.400 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 87,6% tổng giá trị phát hành. Trong trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngành bất động sản và tài chính – ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% giá trị phát hành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn, dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

Hiền Minh

Theo Kinh doanh & Phát triển