Thị trường đang ấm lên: 13,5 triệu tỷ gửi ngân hàng chuyển hướng vào đâu?

Cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng. Sắp tới số tiền này sẽ đổ vào đâu và kênh nào sẽ đón dòng vốn này?

Tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục

Tại hội nghị công bố thông tin của ngành Ngân hàng vào đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022.

Mức tăng này là kỷ lục cao nhất trong vòng 1 thập kỷ, trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, số lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 đạt gần 6,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 39.000 tỷ so với tháng liền trước, cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023 và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn chuộng gửi tiền vào ngân hàng cho thấy dòng tiền nhà rỗi trong dân đang bế tắc các kênh đầu tư an toàn.

13,5 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng năm 2023 sắp tới sẽ đi về đâu?  
13,5 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng năm 2023 sắp tới sẽ đi về đâu?  

Tuy nhiên, xu hướng đã bắt đầu thay đổi, khảo sát của PV từ tháng 6 đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động gồm: LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB….

Trong khi đó, các ngân hàng nhóm Big4 gần như “đứng im”, chỉ riêng VietinBank vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi trực tuyến một số kỳ hạn thêm 0,2-0,3% trong tháng 7 này.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân của mặt bằng lãi suất cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III/2024 với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND...

Theo tính toán từ VCBS, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm.

Các chuyên viên phân tích thuộc VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.

Đáo hạn tiết kiệm, rút tiền đổ vào đâu?

Đề cập đến dòng tiền đáo hạn sổ tiết kiệm sẽ chảy vào đâu trong thời gian tới, báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng OneHousing cho biết, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập trung lưu và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.

Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, thị trường Hà Nội đang khởi đầu cho một chu kỳ mới. Vị chuyên gia nhìn nhận, “sóng” ở giai đoạn quý I chỉ đáp ứng cho những người mua nhà, nhà đầu tư có nhu cầu cấp bách và họ có dòng tiền nhàn rỗi trước. Còn rất nhiều khách hàng, các nhà đầu tư đang trong thời gian chờ hoặc quan sát thêm.

“Có khoảng 13,5 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trong 2023, sắp tới số tiền này sẽ đi đâu và họ sẽ sử dụng kênh nào để neo đậu? Tôi tin rằng bất động sản vẫn là một trong những kênh mà họ lựa chọn trong thời gian tới”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, thời điểm hiện tại có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu bất động sản. Lạm phát hiện nay đã rơi vào tiệm cận 4%, vàng tăng giá, chứng khoán thì không phải ai cũng có nghề để đầu tư chứng khoán, vậy thì họ phải nghĩ tới câu chuyện đầu tư bất động sản.

Dưới góc độ đơn vị nghiên cứu, Hội Môi giới bất động sản (VARS) đánh giá sau khi trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, các chủ thể còn tồn tại sẽ có được kháng thể.

VARS dự báo dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng sẽ tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao và sở hữu tiềm năng sinh lời lớn.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính: “Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản".

Lệ Chi

Theo VietnamFinance