Thị trường trầm lắng, môi giới bỏ nghề kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau
Khi thị trường bất động sản sôi động, nhiều người đã nhảy sang làm môi giới nhưng khi thị trường chững, giao dịch đến chậm sẽ cảm thấy chán nản rồi bỏ nghề.
TS Cấn Văn Lực: "Có những lúc chấp nhận “cắt lỗ” còn hơn là mất hết"
Sau thời gian bám trụ với nghề, mới đây anh Hải Âu cho biết, anh đã nghỉ việc ở một công ty bất động sản Q.7, TP.HCM và chuyển sang chạy grab để có tiền trang trải cuộc sống. Theo anh Hải Âu, từ đầu năm đến nay anh không có giao dịch nào thành công nên không có thu nhập, thiếu tiền sinh hoạt khiến anh chán nản và quyết định chia tay với nghề để kiếm công việc khác kiếm kế sinh nhai.
"Những năm trước, khi thị trường phát triển, sốt đất khắp nơi nên việc kiếm tiền khá dễ dàng. Thế nhưng, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến thị trường, tình trạng khó khăn bắt đầu từ những tháng đầu năm 2022 khi ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản bắt đầu "đứng hình". Từ đó đến nay, sau nhiều tháng đi làm không lương, vừa cảm thấy mệt mỏi và mất niềm tin nên tôi quyết định bỏ nghề để chuyển sang nghề khác", anh Hải Âu chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, anh Thái Bình, môi giới bất động tại một sàn ở TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, từ đầu năm thị trường có chút giao dịch tưởng đâu khởi sắc nhưng bắt đầu tư quý II đến nay, thị trường trầm lắng, thanh khoản không có, nếu có cũng rất ít. Bây giờ người bán nhiều hơn người mua nhưng giao dịch vẫn rất hiếm.
"Làm nghề này nhiều năm nhưng chưa thấy năm nào khó khăn như năm nay, trước đây người mua kẻ bán giao dịch ầm ầm, giờ thị trường chững lại, khách gởi bán nhiều nhưng người mua không có, không biết giờ họ hết tiền hay chờ xuống giá mới mua. Với tình hình như hiện nay mà kéo dài không biết bao lâu nên tôi xin nghỉ làm và hùn với người bạn mở quán cà phê nhỏ kiếm đồng ra đồng vào", anh Thái Bình chia sẻ thêm.
Theo anh Đại Lộc, CEO công ty bất động sản có trụ sở tại Q.7, TP.HCM chia sẻ, trước đây anh có 3 chi nhánh văn phòng 1 tại Q.7, 1 tại TP Thủ Đức và 1 ở Phú Quốc với gần 100 nhân viên sale bất động sản nhưng từ tháng 5 trở lại đây đã có hơn nửa nhân viên xin nghỉ vì không có giao dịch.
"Mặc dù rất ít giao dịch phát sinh nhưng nhân viên của công ty vẫn hưởng 50% số tiền lương, dù vậy vẫn là không đủ để các bạn xoay sở trong cuộc sống nên nhiều bạn đã chuyển nghề để kiếm thêm thu nhập và chi phí sinh hoạt", anh Lộc chia sẻ.
Cũng theo anh Lộc, khi thị trường rơi vào cảnh như hiện nay và chững lại thì ảnh hưởng nhiều tới các bạn môi giới bất động sản nhất là các bạn vốn mới vào nghề chưa có nhiều vốn tích lũy nên khi thu nhập giảm và ít đi thậm chí không có thu nhập thì các bạn buộc phải chuyển nghề để đảm bảo cuộc sống. Còn đối với các bạn môi giới có thâm niên làm nhiều năm và có số vốn tích lũy thì thời điểm này họ vẫn bám trụ với nghề bởi họ hiểu thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi theo chu kỳ nhất định.
Theo anh Đại Lộc, môi giới bất động sản là nghề có tính thanh lọc gắt gao, thời điểm này cũng là một giai đoạn để lọc đội ngũ môi giới tâm huyết. Lúc sốt đất, nhiều người tưởng môi giới kiếm tiền dễ nên cũng nhảy vào làm, đây chỉ là kiểu làm ăn chụp giật. Đến khi bước chân vào nghề môi giới bất động sản thấy không như những gì nhìn thấy sẽ cảm thấy bị vỡ mộng. Làm môi giới cũng phải có quá trình tích lũy nhiều năm, xây dựng một tệp khách hàng quen thuộc và cần đến sự nhanh nhạy theo thị trường. Chẳng hạn như hiện nay, khi thị trường đất nền tại các tỉnh đang đứng, nếu môi giới linh hoạt có thể bán nhà phố hoặc các sản phẩm phù hợp nhu cầu ở thực hiện nay.
Chia sẻ với nghề môi giới bất động sản, ông Phạm Lâm, CEO công ty DKRA cho biết, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện tại của thị trường bất động sản, tôi vẫn thấy rất nhiều các bạn môi giới bám trụ nghề. Hằng ngày các bạn vẫn gắng sức trên hành trình nghề nghiệp của mình. Lúc này, theo khảo sát gần đây thì có nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó khăn phải tinh gọn bộ máy vận hành, có nhiều công ty giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang cộng tác viên hoặc giảm lương, chính sách ... để cố gắng vượt qua thử thách.
Cũng theo CEO của DKRA, hiện doanh thu các công ty môi giới đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng /theo dự án. Đặc biệt khó khăn là việc chậm phí môi giới của chủ đầu tư, chính việc chậm phí môi giới này đã làm cho các bạn môi giới đã vất vả thì càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều dự án chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết thì khách hàng cũng phản ánh/ tương tác với các bạn môi giới, có nhiều trường hợp ghi nhận là áp lực không chịu nỗi phải xin nghỉ, chuyển nghề khác.
Theo CEO của DKRA, trước đây, rất nhiều quan điểm nhận định, nghề môi giới bất động sản rất dễ tham gia, dễ làm và kiếm tiền nhanh. Tôi luôn trăn trở, từ phương diện cá nhân, luôn khao khát một môi trường ngày càng chuyên nghiệp, giá trị công sức của các nhà môi giới được đánh giá cao, và là một trong những nghành có điều kiện.
"Dù rằng là cá nhân hay thuộc tổ chức thì các nhà môi giới cũng sẽ tuân thủ chặc chẽ các tiêu chuẩn và yêu cầu. Lúc này đây, những người tạm bợ sẽ rời nghề môi giới bất động sản, chỉ còn lại những bạn thật sự “chọn nghề”. Với những diễn biến của thị trường hiện tại, rõ ràng thị trường đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư/ mua ở cho những ai có tiền mặt sẵn sàng chọn các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, vậy nên cơ hội vẫn còn lớn cho các nhà môi giới bền chí", ông Phạm Lâm chia sẻ thêm.