Thiếu vốn trầm trọng, doanh nghiệp cần được "bơm máu" sớm
Cho rằng doanh nghiệp đang thiếu nguồn vốn trầm trọng, không còn khả năng thế chấp để có thể tiếp cận nguồn tín dụng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang thiếu máu, cần được
Doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng
Tại Phiên toàn thể - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vào sáng 5/12, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, dù có một số dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đã phục hồi, như chỉ số sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới, số lao động của tháng 11 tăng so với tháng trước, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, vốn FDI đăng ký mới và số vốn giải ngân tăng..., nhưng cần quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 11/2021 vẫn tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 3,8%.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhìn nhận, dù đã triển khai Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nhưng vấn đề đặt ra với quá trình phục hồi của Việt Nam là chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn. Chưa kể, với chủng mới omicron của virus SARS-CoV-2 hiện đã xuất hiện ở 38 quốc gia trên thế giới và tiếp tục lây lan. Số ca mắc mới của các tỉnh, thành phố trong nước đang tăng lên cũng đe dọa đáng quan ngại với quá trình phục hồi thời gian tới.
Một vấn đề khác cần quan tâm, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Vì nếu chủng mới xuất hiện sẽ phải triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn, theo đó sẽ thách thức với quá trình phục hồi.
Đáng lưu ý, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết, hiện nay doanh nghiệp cũng đang thiếu nguồn vốn trầm trọng, không còn khả năng thế chấp để có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Do vậy, chuyên gia này cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang thiếu máu, cần được bơm máu sớm.
Từ những khó khăn và thách thức nêu trên, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nêu rõ, khi đặt vấn đề hỗ trợ cho phục hồi kinh tế thì cần xác định "điểm nghẽn" và "vùng trũng" của tăng trưởng.
"Cũng cần phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Chúng ta rơi vào vùng trũng tăng trưởng có phải do sự can thiệp chưa đủ mạnh? Có cần gói hỗ trợ đủ về quy mô, tính cấp thiết, kịp thời, nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế hay không?", chuyên gia nói.
Cần xử lý điểm nghẽn vay vốn tại ngân hàng thương mại
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi đại dịch, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.
Các gói vay lãi suất 0% hoặc với lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ. Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.
TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) dẫn kết quả khảo sát cho biết, chỉ có khoảng 38% đến 45% DNNVV (DNNVV) tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng DNNVV chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị DN, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch… Vì vậy, thời gian qua đã có hàng chục nghìn DNNVV phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch VINASME đề xuất phải xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ. Cần rà soát lại điều kiện DN được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ NH, phối hợp với NH tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho DN vay vốn, đảm bảo rằng DN được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho NH. Tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.
Thêm vào đó, cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp DN phục hồi và phát triển. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV.
Đối với Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, ông Hùng kiến nghị cần rà soát các điều kiện vay vốn theo hướng thông thoáng hơn, bằng cách tăng cường kiểm tra sau vay. Cần minh bạch trong các hoạt động của Quỹ từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thông tin cho vay và giải ngân thông qua dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí cho DNNVV.
Ngoài ra, ông Hùng đề xuất giải pháp phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV nhằm giúp lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống. Trong điều kiện các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến là biện phát rất cần được phát triển.