Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt nhưng thị trường bất động sản còn nhiều vướng mắc.
Sáng nay (6/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Phiên họp sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, như: Tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là sẽ kết thúc năm 2023 và và còn khoảng 1 tháng nữa sẽ tiến hành hội nghị tổng kết năm 2023.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết phiên họp và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; phân tích tình hình tháng 11 có gì mới, có gì khác so với tháng 10, chỉ rõ kết quả, những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng đánh giá, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt. Thị trường chứng khoán thanh khoản tốt, tăng dần đều, trở nên lành mạnh hơn. Phản ứng chính sách của chúng ta ngày càng kịp thời, ví dụ trước tình hình thay đổi lãi suất của FED. Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi dành cho các dự án nhà ở xã hội. Nhờ gói vay được thực hiện đã mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, kể từ khi gói tín dụng này đi vào thực hiện tốc độ giải ngân vẫn còn khá chậm. Đến nay mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội được giải ngân sau khoảng nửa năm thực hiện.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng chậm giải ngân vì số lượng dự án đáp ứng đủ điều kiện cho vay không nhiều. Trong 54 dự án thuộc danh mục được các địa phương báo cáo, có hơn một nửa (55%) không có nhu cầu vay vốn, 20% chưa đủ điều kiện vay vốn. Còn lại 15%, tương đương 8 dự án đang chờ các ngân hàng thương mại thẩm định.
Để tiếp tục thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ, trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội. Từ đó, ngân hàng thương mại có cơ sở xem xét, cho vay thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bên cạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án hiện có, các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng thêm số lượng các dự án, giúp các ngân hàng có thêm dưa địa cho vay. Bởi hiện nay, biên lợi nhuận đầu tư các dự án nhà ở xã hội chỉ có 10%, khiến nhiều chủ đầu tư dự án cũng không quá mặn mà tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội.