Tin bất động sản hôm nay: Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất tài trợ quy hoạch dự án Khu đô thị 800 ha tại Lâm Đồng
Thanh Hóa phát hiện 164 dự án chậm tiến độ; Cập nhật tình hình đất nền Quảng Ninh; Thu hồi 16 dự án khu dân cư tại Nhơn Trạch (Đồng Nai); Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất tài trợ quy hoạch dự án Khu đô thị 800 ha tại Lâm Đồng; Cần 100.000 tỷ đồng để thu hồi đất, tái định cư dọc tuyến Vành đai 3;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 13/7.
Thanh Hóa phát hiện 164 dự án chậm tiến độ
Chiều 12/7, ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề các đại biểu, cử tri Thanh Hóa quan tâm đến việc nhiều dự án được tỉnh giao đất nhưng nhà đầu tư không triển khai, mặc dù đã được nhiều lần gia hạn.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích là 7.863,82 ha, trong đó: 1.195 dự án được cho thuê đất, với diện tích 3.601,37ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76ha.
Sau khi được giao đất, cho thuê đất, các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án: 1.102 dự án (khoảng 68,15 %) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86 %) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28 %), thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013; 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71 %), đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai 2013.
Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án (trong đó, có 197 dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, chiếm 12,18 % tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn) đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay); UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.
Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất tài trợ quy hoạch dự án Khu đô thị 800 ha tại Lâm Đồng
Ngày 12/7/2022, UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) phát đi Báo cáo số 330/BC-UBND về phạm vi ranh giới đề xuất khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch Khu đô thị trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng của Tập đoàn Tân Á Đại Thành.
Theo đó, UBND huyện Đức Trọng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Thường trực huyện ủy Đức Trọng, UBND huyện đã kiểm tra, rà soát phạm vi ranh giới và ý tưởng nghiên cứu khảo sát, đề xuất lập dự án đầu tư Khu đô thị Trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng của Tập đoàn Tân Á Đại Thành.
Sau khi kiểm tra sự chồng lấn quy hoạch tại khu vực, sự phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh, kết luận của Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Đức Trọng báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, thống nhất các nội dung có liên quan.
Cụ thể, theo đề xuất của UBND huyện Đức Trọng, tên dự án được xác định là Khu đô thị Trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Phạm vi ranh giới khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch thuộc một phần thị trấn Liên Nghĩa. Theo đó, ranh giới khu vực quy hoạch có phía Đông giáp khu quy hoạch 200ha và dự án khu đô thị sinh thái du lịch Hồ Nam Sơn; phía Tây giáp quy hoạch đường cao tốc Liên Khương- Prenn; phía Nam giáp ranh giới hành chính thị trấn Liên Nghĩa; phía Bắc giáp đường ĐH1 và đất quy hoạch khu Công nghiệp công nghệ cao.
UBND huyện Đức Trọng cũng đề xuất quy mô diện tích tài trợ lập quy hoạch khoảng 710ha. Đây là phần diện tích sau khi đã trừ phần diện tích bị chồng lấn đối với các dự án theo chủ trương của UBND tỉnh và phần đất quy hoạch Công nghiệp công nghệ cao, logistics theo định hướng của đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Trọng đến năm 2035.
Trước đó, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã đề xuất khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án có tên Khu phức hợp đô thị và công nghiệp công nghệ cao – logistics, phi thuế quan Meyhomes Lâm Đồng 1, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Theo đề xuất của Tập đoàn này, quy mô khảo sát tài trợ lập quy hoạch có diện tích khoảng 800ha.
Tập đoàn Tân Á Đại Thành còn dự kiến cơ cấu sử dụng đất theo phương án đề xuất gồm: Khu phát triển đô thị; khu sân Golf cao cấp; khu công nghiệp công nghệ cao và logistics; đất quốc phòng – an ninh (Trại tạm giam Gia Chánh – Công an huyện) được cập nhật lại theo hiện trạng.
Đất nền Quảng Ninh đang “chững” lại?
Hai năm dịch bệnh, đất nền Quảng Ninh liên tục xuất hiện các cơn sốt nóng tại nhiều khu vực. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, một loạt điểm nóng đất nền Quảng Ninh trong năm 2021 đã rơi vào tình trạng đìu hiu, trầm lắng.
Theo đó, những điểm nóng đất nền của Quảng Ninh trong năm 2021 đã không còn “nhúc nhích” về giá trong nửa đầu năm 2022, khác hẳn với những cơn nhảy múa về giá của năm 2021. Điểm nóng “Quảng Yên” đã nguội lạnh từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại. Trong cơn sốt đất đầu năm 2021, đất nền khu Thống Nhất (phường Tân An, thị xã Quảng Yên) bị đẩy lên mức 18-21 triệu đồng/m2 thì từ cuối năm 2021 đến nay, giá bán chỉ còn dao động ở mức 12-15 triệu đồng/m2. Đất tại Tân Thành, đối diện khu phức hợp Hạ Long Xanh, giá bán thời điểm tháng 6/2022 là ở mức 14-15 triệu đồng/m2 – mức giá của năm 2021. Tương tự, đất tại Đồng Mát ở thời điểm hiện tại vẫn đang giữ nguyên mức giá 8-10 triệu đồng/m2 của năm 2021. Đất tại Tân Thành, đối diện khu phức hợp Hạ Long Xanh, có xu hướng nhích nhẹ, từ mức 14-15 triệu đồng/m2 của năm 2021, lên mức 14-16,5 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại.
Một trong những điểm nóng của bất động sản Quảng Ninh trong thời điểm đầu năm 2022 là Móng Cái thiện nay cũng đang khá im ắng. Thời điểm sau Tết, đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10-20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập trung bình là 23-28 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư trong dân là ở vị trí tương đối đẹp dao động từ 20-35 triệu đồng/m2. Hiện mặt bằng giá đất này vẫn đang giữ nguyên đến thời điểm hiện tại là tháng 7/2022.
Nhận định về thị trường đất nền Quảng Ninh, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Hải Phát cho biết các chính sách của nhà nước như siết tín dụng ngân hàng và một số chính sách liên quan đến các sai phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai khiến thị trường bất động sản Quảng Ninh bị ảnh hưởng nhất định, giao dịch trên thị trường chậm lại. Về loại hình đất nền, từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại của 2022, nguồn cung đất nền Quảng Ninh không có nhiều. Ông Duy cho biết tính thanh khoản của đất nền trong năm 2021 vẫn ổn định nhưng sang đến năm 2022, giá lên cao và bắt đầu đi ngang, tính thanh khoản yếu hơn. Tuy nhiên, theo ông Duy, thị trường chưa ghi nhận bất cứ dự án nào có yếu tố điều chỉnh giảm giá. Đáng chú ý, phần lớn các nhà đầu tư loại hình đất nền đều có tính toán kĩ lưỡng với bối cảnh thị trường sắp tới. Nhìn chung, họ đã có động thái cơ cấu tài chính để sẵn sàng chờ đợi thị trường hồi phục vào năm 2023-2024. Ông Duy nhấn mạnh, trong năm 2022, đất nền Quảng Ninh sẽ không có nhiều nguồn cung mới và giá sẽ không tăng trưởng quá nhanh mà có tính ổn định. Thanh khoản của thị trường cũng sẽ không được tốt như các năm trước.
Đồng Nai: Thu hồi 16 dự án khu dân cư tại Nhơn Trạch
Mới đây, UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai công bố danh mục sử dụng đất. Đáng chú ý, có 16 dự án khu dân cư, hạ tầng kĩ thuật tại xã Long Tân bị hủy quyết định thu hồi đất.
Nguyên nhân thu hồi là do các dự án đã quá 3 năm kể từ ngày cấp giấy phép nhưng chủ đầu tư không tiến hành triển khai thu hồi đất và thực hiện dự án theo quy định.
Đáng chú ý, trong danh sách thu hồi, có nhiều dự án khu dân cư quy mô lớn. Cụ thể, Khu dân cư Long Tân 1 có diện tích 95ha; Khu dân cư thương mại kết hợp với thương mại dịch vụ cấp vùng 88ha do Công ty CP Lắp máy điện nước và Xây dựng làm chủ đầu tư.
Khu dân cư Long Tân 46ha chủ đầu tư là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Khang Việt Hưng; Khu dân cư 34ha có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sao Mai; Khu dân cư đô thị The Lake 35ha chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu 3L Sài Gòn; Khu dân cư 29ha do Công ty CP Khu công nghiệp Miền Nam thực hiện…
Trước đó, vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định hủy bỏ thu hồi đất đối với dự án Khu dân cư Vĩnh Thanh có diện tích gần 120ha do Công ty CP Đầu tư Phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định hủy 12 dự án Khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành, do qua thời hạn 3 năm chưa triển khai. Trong đó có các dự án như: Khu đô thi dịch vụ cao cấp hơn 50 ha ở xã Tam An, Khu dân cư An Thuận mở rộng giai đoạn 2, 3 thuộc xã Long An có diện tích gần 100 ha…
Cần 100.000 tỷ đồng để thu hồi đất, tái định cư dọc tuyến Vành đai 3
Sáng 12/7, tại cuộc họp với Bộ trường Bộ Kế Hoạch & Đầu tư, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Võ Trung Trực đã nêu lên một số ý kiến liên quan đến dự án đường Vành đai 3.
Báo Người lao động dẫn lời ông Trực, cho biết, hiện khu lực liền kề dự án Vành đai 3 có khoảng 2.000 ha; trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít dân cư. Để thu hồi đất, bồi thường và tái định cư với 2.000 ha này, TP.HCM sẽ cần mức vốn lên tới 100.000 tỷ đồng. Con số này vượt qua mức kinh phí TP có thể bố trí.
Vì thế, Sở TN&MT đề xuất thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở.
Nếu làm theo phương án này, từ quỹ đất thu hồi, thành phố làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn, tái đầu tư phát triển. Dự kiến, đề án sẽ được Sở TN&MT trình UBND TP HCM trong tháng 7/2022.
Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND TP.HCM thí điểm một nội dung mới trong công tác bố trí tái định cư. Theo đó, công tác bố trí tái định cư sẽ được thực hiện trước khi bồi thường thay vì làm song song giữa bồi thường và tái định cư như hiện nay. Phương án này sẽ tiết kiệm được 6 tháng trong trường hợp thu hồi đất của người dân.
Theo báo Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra quan điểm về vấn đề này, nhìn nhận đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển TP, cả vùng và đất nước. Vấn đề quan trọng là quy hoạch sử dụng đất, tạo cơ chế, chính sách để đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công trình.
Ông Mãi cho biết đề án phát triển kinh tế xã hội gắn liền với các tuyến đường giao thông là sáng kiến của Sở TN&MT, thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất đưa vào nghị quyết làm cơ sở triển khai sau này.
Dự án vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng, dài 76 km đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, dự kiến thi công giữa năm 2023 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, thông xe toàn tuyến trong năm 2026.
Dự án Vành đai 3 có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư trong đó TP.HCM 741 hộ, tỉnh Đồng Nai 100 hộ, tỉnh Bình Dương 515 hộ và tỉnh Long An 120 hộ.