Tin bất động sản hôm nay: Nghệ An “khai tử” loạt dự án chậm tiến độ

Nghệ An “khai tử” loạt dự án chậm tiến độ; Quảng Nam cập nhật tiến độ 14 dự án bất động sản của Bách Đạt An; Thị trường văn phòng cho thuê ở TP HCM khởi sắc trở lại; Gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng;…là những thông tin đáng chú hôm nay 18/7.

Nghệ An “khai tử” loạt dự án chậm tiến độ

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án. Lũy kế đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 120.821ha.

Theo cơ quan này, các dự án treo, dự án chậm tiến độ đã và đang gây lãng phí tài nguyên, gây nợ đọng về thuế. Đặc biệt, thực trạng trên còn gây bức xúc trong dư luận và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, HĐND tỉnh cũng vừa có chương trình giám sát các dự án treo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm rõ thực trạng, nguyên nhân hạn chế, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các dự án treo. Tuy nhiên, tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn còn diễn ra; nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.

Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ.  
Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ.  

Trước đó, trên địa bàn TP Vinh và tỉnh Nghệ An liên tục được các “ông lớn” bất động sản tài trợ lập quy hoạch như: Khu đô thị mới phía Đông Nam xã Hưng Chính (Villa Garden Park) đã trình tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Crystal Bay tài trợ kinh phí lập quy hoạch; Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực chợ Vinh đã trình UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc D’Gold tài trợ lập quy hoạch; Khu đô thị mới ở phường Đông Vĩnh (khu vực phía Đông) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt Nghệ An tài trợ kinh phí lập quy hoạch…

Tuy nhiên, các ngành chức năng Nghệ An cho biết, hiện nay Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình tiếp nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch, dẫn đến quá trình triển khai tại các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc.

Quảng Nam cập nhật tiến độ 14 dự án bất động sản của Bách Đạt An

UBND thị xã Điện Bàn vừa có thông báo kết luận của ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã liên quan đến gia hạn tiến độ thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn do CTCP Bách Đạt An làm chủ đầu tư.

Trong đó có dự án khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng, Khu đô thị 7B.

Cụ thể, ông Hà cho biết, CTCP Bách Đạt An được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng 14 dự án.

Một dự án của Bách Đạt An tại Quảng Nam.  
Một dự án của Bách Đạt An tại Quảng Nam.  

Trong đó, một dự án đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao (Khu đô thị An Phú Quý), 4 dự án có quyết định thu hồi của UBND tỉnh (Khu đô thị Bách Đạt 3, Bách Đạt 4, Bách Đạt 5, Bách Đạt 6) và 9 dự án đang triển khai thực hiện (Khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị 7B, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng).

Đối với 6 dự án Khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị 7B, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng, đến nay đã quá thời hạn UBND tỉnh cho phép nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng.

Thị trường văn phòng cho thuê ở TP HCM khởi sắc trở lại

Dù nửa đầu năm 2022 nguồn cung mới còn hạn chế so với năm 2021, thị trường văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ghi nhận sự hồi phục với tổng diện tích hấp thụ thuần khoảng 21.000m2, tương đương 38% năm 2021.

Theo báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh quý 2/2022 của Công ty CBRE Việt Nam, tỷ lệ trống trung bình của hạng A giảm 1,6 điểm phần trăm theo quý và 2,1 điểm phần trăm theo năm xuống còn 10,1%, chủ yếu nhờ vào khả năng hấp thụ mạnh mẽ của khu vực văn phòng quận 7.

Trong khi đó, tỷ lệ trống trung bình của hạng B giữ nguyên ở mức 9,7%, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất 1 tòa nhà hạng B mới hoàn thành là tòa CMC Creative Space tại quận 7. Qua đó, nâng tổng diện tích văn phòng cho thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 1,5 triệu m2.

Cho thuê văn phòng tại TP HCM khởi sắc trở lại.  
Cho thuê văn phòng tại TP HCM khởi sắc trở lại.  

Về nguồn cung, theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến đón khoảng 30.000 m2 sàn vào nửa cuối năm 2022 từ 3 tòa nhà hạng B và 2 tòa nhà hạng A. Dọc bờ sông Sài Gòn, nhiều tòa văn phòng trước đây từng phải tạm dừng việc thi công do dịch bệnh nay đã xây dựng trở lại, tạo nên một khu vực tòa nhà văn phòng mới hiện đại, hoành tráng. Tổng nguồn cung cho thuê của khu vực này là 250.000m2.

Do phần lớn nguồn cung mới của nửa sau năm 2022 đến từ khu vực ngoài trung tâm, giá thuê của cả hai hạng được dự đoán sẽ không có nhiều sự điều chỉnh cho đến năm 2024. Tỷ lệ trống văn phòng hạng A sau một giai đoạn có sự cải thiện từ quý 3/2021 được dự đoán sẽ dần tăng lên, chạm mức hơn 25% trong năm 2024 khi xuất hiện một làn sóng văn phòng hạng A mới xuất hiện.

Gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỉ đồng (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) khởi công tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành tháng 4-2018. Đến nay, tổng khối lượng thi công đạt khoảng 93% nhưng do một số nguyên nhân, dự án vẫn chưa được triển khai trở lại.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp dự án), tính đến nay, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Một trong những nguyên nhân khiến dự án chưa thể tái khởi động là phát sinh một số vướng mắc dẫn đến phụ lục hợp đồng vẫn chưa được ký kết.

Để dự án sớm tái khởi động, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm tổ trưởng tổ đàm phán khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức đàm phán phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Trong đó, điều chỉnh thời gian giải ngân tái cấp vốn, gia hạn thời gian đến tháng 9-2023; điều chỉnh thời gian thanh toán đầu kỳ đến khi công trình hoàn thành (tháng 11-2023) kèm theo điều kiện giá trị thanh toán căn cứ vào giá trị được Kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Ðến ngày 19/4/2022, UBND TP HCM chấp thuận về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Ðầu tư về kết quả đàm phán đã được các thành viên thống nhất, thông qua; đồng thời giao Sở Nội vụ tham mưu chủ tịch UBND thành phố ủy quyền giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định trước ngày 23-4. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Tài chính tham mưu về nội dung xác nhận biểu báo cáo cho vay và thanh toán của dự án để chuẩn bị cho buổi làm việc giữa UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước (sau khi phụ lục hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án được ký kết).

Bãi bỏ khung giá đất, sửa luật định giá đất theo thị trường

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân đưa ra tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” mới đây.

Về định giá đất sẽ hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; hoàn thiện và bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất.

Cũng theo lãnh đạo Bộ TN&MT, sẽ quy định tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất.

HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.

Bên cạnh đó, quy định phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện

Quy định bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung phương pháp định giá đất (quy định tại Nghị định) và nội dung, điều kiện áp dụng, nguyên tắc ưu tiên khi áp dụng các phương pháp định giá đất cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các dự án đã được phê duyệt theo quy định để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất tại các địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất.

Minh Thu

Theo Kinh doanh & Phát triển