Tin bất động sản hôm nay: Tân Hoàng Minh đã tìm được đối tác để bán dự án 'đất vàng' ở TP Hồ Chí Minh
Tân Hoàng Minh đã tìm được đối tác để bán dự án ‘đất vàng’ ở quận 1, TP. HCM ; Becamex (BCM) đầu tư dự án KCN Cây Trường hơn 5.400 tỷ; Kiên quyết thu hồi ‘dự án treo’, ‘quy hoạch treo’; Bà Rịa Vũng Tàu thúc tiến độ dự án sân bay Hồ Tràm; Hà Nội dự kiến xây nhà hát 3.500 chỗ ngồi ngay sát hồ Tây;…là những thông tin đáng chú hôm nay ngày 14/7.
Tân Hoàng Minh đã tìm được đối tác để bán dự án ‘đất vàng’ ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Ông Vũ Đình Luyện, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh cho biết, đã tìm được đối tác nhận chuyển nhượng dự án Nguyễn Thị Minh Khai (dự án D’. Saint Raffles tại số 43 – 45 – 47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM). Hiện Tân Hoàng Minh đã trình đến cơ quan thẩm quyền để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Luyện cũng từ chối cung cấp thêm thông tin liên quan đến đối tác nhận chuyển nhượng cũng như lộ trình chuyển nhượng dự án này.
Đại diện Tân Hoàng Minh khẳng định doanh nghiệp vẫn đang giữ nguyên mục tiêu đến hết tháng 7/2022 sẽ thu xếp được khoảng 50-60% số tiền đã góp vốn mua trái phiếu của nhà đầu tư.
D’. Saint Raffles là dự án cao ốc văn phòng gồm 19 tầng nổi và 6 tầng hầm tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trung tâm quận 1 với diện tích lên đến 2.000m2. Đây là một trong những khu đất vàng hiếm hoi của khu trung tâm lõi thành phố được triển khai xây dựng văn phòng trong thời gian qua.
Trước đó, ông Đỗ Hoàng Minh (con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng – chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, đã có văn bản gửi tới khách hàng về việc Tân Hoàng Minh sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại các chi nhánh ở TP. HCM và các chi nhánh khác trên cả nước kể từ ngày 1/7/2022.
Becamex (BCM) phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Cây Trường hơn 5.400 tỷ
Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex, HoSE: BCM) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cây Trường.
Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 tại xã Cây Trường II và thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bảng, tỉnh Bình Dương, kế hoạch cho thuê cơ sở hạ tầng từ năm 2022 đến năm 2030.
Tổng vốn đầu tư của dự án khu công nghiệp này là 5.459,35 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có chiếm 15% (gần 819 tỷ đồng), vốn vay chiếm 85% (4.640 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2022, Becamex sẽ triển khai động thổ và khởi công các dự án trọng điểm đồng thời khánh thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án tạo lực về công nghiệp – đô thị và dịch vụ.
Cụ thể, công ty đã động thổ và đưa vào kinh doanh khu công nghiệp VSIP 3 với diện tích 1.000ha; động thổ các dự án nhà ở xã hội Becamex với 20.000 căn hộ; quý II/2022 động thổ và đưa vào kinh doanh khu công nghiệp Cây Trường 700ha; động thổ dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; khởi công khu phức hợp WTC Bình Dương New City; khánh thành xưởng thực nghiệm sinh viên.
Kiên quyết thu hồi ‘dự án treo’, ‘quy hoạch treo’
Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về vấn đề triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ.
Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Bao gồm: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng.
Các bộ cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra năng lực của chủ đầu tư; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch; hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 82/2019 của Quốc hội, phối hợp với địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông, cần xây dựng các cơ chế chính sách thu hút và đa dạng hóa hình thức đầu tư (xã hội hóa).
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý thực hiện quy hoạch tại các địa phương, nhằm kịp thời thu hồi các dự án chậm tiến độ, xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại đối với Nhà nước, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Bà Rịa Vũng Tàu thúc tiến độ dự án sân bay Hồ Tràm
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành văn bản số 7967 về báo cáo tiến độ triển khai dự án sân bay Hồ Tràm, huyện Đất Đỏ.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Đất Đỏ rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc được giao tại Thông báo số 123 (ngày 23/3/2022) về dự án sân bay Hồ Tràm (tên khác là sân bay Đất Đỏ). Bao gồm việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, kế hoạch triển khai dự án trong thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy (nếu có), báo cáo trình UBND tỉnh trước ngày 20/7/2022.
Trước đó, ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Thông báo số 123 về kết luận của đồng chí Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm về dự án sân bay Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
Được biết, vào năm 2016, Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đã đề xuất xin được đầu tư sân bay chuyên dụng tại huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Mục đích đầu tư sân bay để đón khách quốc tế cho tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strips do công ty này làm chủ đầu tư đang hoạt động tại huyện Xuyên Mộc.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 2 sân bay là Vũng Tàu và Côn Đảo, cho nên tỉnh muốn bổ sung Hồ Tràm vào quy hoạch để xây dựng sân bay chuyên dụng này.
Hà Nội dự kiến xây nhà hát 3.500 chỗ ngồi ngay sát hồ Tây
UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa công khai lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó có một nhà hát 3.500 chỗ ngồi nằm trên hồ Đầm Trị, sát Hồ Tây.
Phó chủ tịch quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng nói nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt nước, cũng không nằm trong diện tích mặt nước Hồ Tây.
Công trình dự kiến do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế, sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới của thủ đô, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật, tinh thần của người dân.
Để lấy ý kiến cộng đồng, quận đã tổ chức treo pano quy hoạch ở bốn địa điểm trong khu vực bán đảo Quảng An; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử. Dự kiến trong tuần này, quận tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, sau đó UBND phường nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân.
Đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500, có tổng diện tích nghiên cứu hơn 77 ha, trong đó quy mô lập quy hoạch trên 45 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.
Phạm vi ranh giới quy hoạch gồm: Phía đông bắc giáp đường Xuân Diệu; phía tây bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; phía tây nam giáp mặt nước Hồ Tây; phía đông nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.
Tây Ninh tích cực rà soát việc rao bán dự án bất động sản trên mạng
Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh vừa ra thông báo về việc tiếp tục ngăn chặn tình trạng tự ý rao bán các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị khi chưa thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định tại Công văn số 1706/SXD-QLN&VLXD.
Sở Xây dựng Tây Ninh cho biết qua rà soát trên internet, Facebook và phản ánh của người dân tiếp tục xuất hiện một số thông tin của tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nền, rao bán, chuyển nhượng bất động sản, nhà ở khi chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về nhà ở, kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 12, Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.
Thống kê của Sở cho biết đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ có 23 dự án nhà ở thương mại; 2 dự án nhà ở xã hội; 2 dự án thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân xây dựng nhà ở được UBND tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó chỉ có 8 dự án nhà ở thương mại và 1 nhà ở xã hội đủ điều kiện giao dịch, được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
UBND tỉnh đã có chủ trương thu hồi lại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 4 dự án gồm: Khu dân cư Cường Thịnh Goldenland, Khu dân cư IDC, Khu dân cư Hưng Vượng, Khu dân cư Trường Đạt.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần làm cho thị trường bất động sản của tỉnh phát triển lành mạnh, bền vững, giảm thiểu phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, đầu cơ thổi phồng giá bất động sản thu lợi bất chính, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công ty môi giới bất động sản, dự án rao bán trên các trang mạng xã hội, việc tập trung đông người tổ chức môi giới, mua bán bất động sản có đảm bảo đúng quy định của pháp luật và kịp thời xử lý, tránh tình trạng lừa đảo, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.