Tin bất động sản hôm nay ngày 12/8: Hải Phòng sắp có loạt khu đô thị ở khắp các quận, huyện

Hải Phòng sắp có loạt khu đô thị ở khắp các quận, huyện; Giá nhà đất có thể giảm tới 30%; Thanh Hóa rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai; Quảng Ngãi dành hơn 2.000ha xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; T&T và Đại Quang Minh đẩy nhanh kế hoạch đầu tư dự án tại Lâm Đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 12/8.

Hải Phòng sắp có loạt khu đô thị ở khắp các quận, huyện

UBND TP Hải Phòng vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn năm 2022. Theo kế hoạch, sẽ có 171 vị trí, khu vực dự kiến phát triển dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, KĐT với tổng diện tích đất khoảng 6.675,38 ha (khu vực đô thị là 3.373,78 ha và khu vực nông thôn là 3.301,99 ha).

Cụ thể, huyện An Dương có 34 dự án, với quy mô 437,58 ha, bao gồm: Mở rộng KĐT Tràng Duệ (giai đoạn 1) 150 ha; KĐT tại xã Đồng Thái 74 ha; KĐT phức hợp sinh thái, giải trí, thể thao, du lịch và nghỉ dưỡng tại xã Bắc Sơn và Nam Sơn 38 ha; khu nhà ở thương mại phục vụ chỉnh trang khu dân cư nông thôn mới tại xã Hồng Phong 15,7 ha;...

Huyện Thủy Nguyên có 21 dự án 1.100 ha, bao gồm KĐT 300 ha tại xã Hòa Bình; KĐT 210 ha tại xã Lưu Kiếm; KĐT mới tại xã Thủy Đường, Thủy Sơn và An Lư 160 ha; KĐT mới tại xã Hoa Động 96,5 ha; KĐT tại xã Lâm Động và Hoa Động 93 ha;...

Quận Hồng Bàng có 16 vị trí với tổng diện tích 234,29 ha. Điển hình là dự án KĐT sinh thái thông minh đa chức năng Nam sông Cấm 118,3 ha; khu nhà ở, khu trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại tại phường Hạ Lý quy mô 39,87 ha; dự án di chuyển các nhà máy sản xuất thép ra khỏi khu dân cư trên địa bàn quận để xây dựng khu phức hợp 33,6 ha; khu hồ điều hòa, biệt thự nhà vườn, vui chơi giải trí đầm Nam Giang 19,3 ha;...

Dự kiến sẽ có 171 vị trí, khu vực dự kiến phát triển dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích đất khoảng 6.675,38 ha ở Hải Phòng.  
Dự kiến sẽ có 171 vị trí, khu vực dự kiến phát triển dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích đất khoảng 6.675,38 ha ở Hải Phòng.  

Quận Kiến An có 10 khu vực quy mô 195,86 ha bao gồm: Nhà ở sinh thái tại đường Trần Phương, phường Văn Đẩu 82 ha; KĐT Dương Kinh - Kiến An 40 ha; dự án phát triển nhà ở dọc tuyến đường nối QL5 - QL10, vành đai 3 diện tích 34,31 ha;...

Quận Đồ Sơn có 6 dự án, quy mô 594,63 ha, gồm: KĐT Bàng La (giai đoạn 1) 520 ha; khu phức hợp du lịch, nhà ở, thương mại, vui chơi giải trí quốc tế 40,4 ha; khu hậu cần du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu 20,5 ha;...

Huyện Vĩnh Bảo có 7 dự án, quy mô 242,49 ha gồm: KĐT và dịch vụ Vinh Quang 148 ha; khu dân cư mới Nhân Hòa 47,25 ha;...

Huyện Kiến Thụy có 16 dự án tổng diện tích 382,08 ha như: KĐT Dương Kinh - Kiến Thụy 115 ha; KĐT xã Đông Phương 77,84 ha; KĐT thương mại, tại thôn Đồi Rồng, xã Ngũ Đoan 40 ha; khu đô thị Tân Trào - Đại Hà - Ngũ Đoan 27,07 ha;...

Huyện Tiên Lãng có 8 dự án, rộng 362,13 ha như KĐT và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe sử dụng khoáng nóng tại huyện Tiên Lãng tại Cấp Tiến, Đoàn Lập 225 ha; khu nhà ở tại xã Tiên Thanh 68,43 ha;...

Huyện An Lão có 4 dự án gồm KĐT Sakura cạnh sân golf An Lão (giai đoạn 1) 50 ha; khu nhà ở đô thị Hoàng Xá 34,9 ha; dự án phát triển đô thị mới tại thị trấn An Lão, xã An Tiến, xã An Thắng 34,7 ha; khu dân cư tại xã Quốc Tuấn 32,99 ha.

Quận Hải An có 14 dự án 179 ha; quận Ngô Quyền 10 dự án quy mô 128,66 ha Ngô Quyền; quận Lê Chân có 9 dự án quy mô 8,86 ha; 4 dự án 496 ha tại huyện Cát Hải và 12 dự án tại quận Dương Kinh.

Đáng chú ý, các dự án lớn tại 5 quận, huyện này là: KĐT Nam Hải Phòng 1.700 ha; KĐT tại phường Tràng Cát 157 ha; Khu đô thị Dương Kinh - Kiến Thụy 125 ha; KĐT, dịch vụ du lịch Cát Đồn tại xã Xuân Đám, xã Trân Châu 192,7 ha; KĐT, dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp Phù Long 170 ha; KĐT hỗn hợp đa chức năng ven sông Cấm 118 ha; KĐT dịch vụ du lịch khoáng nóng và công viên thể thao Xuân Đám 121 ha;...

Giá nhà đất có thể giảm tới 30%

Theo giới chuyên gia, giá bán bất động sản thị trường sơ cấp tăng, thứ cấp giảm do giới đầu tư, đầu cơ đang chịu sức ép kiểm soát tín dụng, các phản ứng đã chuyển từ tâm lý lo ngại sang hành vi xả hàng.

Ts Vũ Đình Ánh giải thích, giá bán thị trường sơ cấp tăng có cơ sở bởi chi phí đầu vào liên tục leo thang buộc các chủ đầu tư phải nâng giá bán để bù đắp rủi ro. Các yếu tố đi kèm cũng đẩy giá của sản phẩm sơ cấp lên cao đó là lạm phát, biến động tỷ giá, lãi suất tín dụng tăng cao và đặc biệt là nguồn cung ngày càng khan hiếm.

Trái lại, sức tăng giá của dòng sản phẩm thứ cấp lại phụ thuộc vào tính thanh khoản của thị trường và giá bán sơ cấp. Ông Ánh nhận định đây là hiện tượng “tăng giá ảo”.

“Do đây là mặt hàng mua để đầu tư nên chủ hàng sẽ thường quan sát biến động thị trường để điều chỉnh giá. Thời gian qua các nhà đầu cơ đẩy giá lên quá cao, vượt quá khả năng chỉ trả của phần lớn khách hàng nên thị trường chững lại, thanh khoản đi xuống. Nếu không giảm giá sẽ không bán được hàng”, ông Ánh cho hay.

Bên cạnh đó, việc siết tín dụng, tăng lãi suất cũng tạo áp lực để nhà đầu tư phải đẩy hàng. Vì khó có thể vay thêm để gồng lỗ trước gánh nặng lãi suất thị trường cao nên các nhà đầu cơ buộc phải thoát hàng để có nguồn vốn duy trì hoạt động đầu tư.

Theo chia sẻ của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, giá bất động sản dự báo sẽ giảm 30%.

Chuyên gia phân tích, phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn.

“Thị trường Bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp”, ông Nghĩa nói.

 “Năm 2008, giá Bất động sản giảm tới 60-70%. Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá Bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng”, ông Nghĩa nói.

Nếu dự báo của chuyên gia thành hiện thực thì đây là tin vui cho người lao động có nhu cầu ở thực, giá bất động sản giảm mạnh sẽ về mức vừa túi tiền với phần đông người dân.

Thanh Hóa rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai

Sở kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư để kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ.

Thanh Hóa đang có nhiều dự án chậm tiến độ.  
Thanh Hóa đang có nhiều dự án chậm tiến độ.  

Hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi, trường hợp điều chỉnh quy hoạch thì xác định loại hình điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem.

Đồng thời, tỉnh rà soát các dự án đầu tư được ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận và có phương án kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, Sở kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.

Quảng Ngãi dành hơn 2.000ha xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị

Giai đoạn 2021-2030, Quảng Ngãi sẽ giao 2.157ha cho nhà đầu tư để xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và 39,81ha để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đây là những nội dung chính của chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh này ký ban hành.

Theo chương trình trên, diện tích đất ở giao để thực hiện các dự án bố trí quỹ đất tái định cư của Quảng Ngãi trong giai đoạn 2021-2030 là 255ha; đầu tư xây dựng nhà ở công vụ là khoảng 1,63ha.

Diện tích đất dự kiến triển khai các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trong giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 6.163ha (bao gồm hơn 778 ha các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai và các dự án trong kế hoạch điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh chuyển sang trên 3.644ha để tiếp tục thực hiện).

Tổng nguồn vốn cần huy động để hoàn thiện xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 53.162 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là xấp xỉ 67.308 tỷ đồng.

T&T và Đại Quang Minh đẩy nhanh kế hoạch đầu tư dự án tại Lâm Đồng

UBND TP Đà Lạt vừa thông tin về cách giải quyết vấn đề chồng lấn phạm vi, ranh giới giữa các khu vực lập ý tưởng thiết kế quy hoạch trên địa bàn.

UBND TP Đà Lạt cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành ba văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch đối với đề xuất của ba doanh nghiệp gồm: CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Địa ốc Đại Quang Minh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Tuy nhiên, đến nay mới có hai doanh nghiệp đã tổ chức báo cáo ý tưởng quy hoạch. Cụ thể, Địa ốc Đại Quang Minh báo cáo ý tưởng quy hoạch có diện tích 530 ha, với tên gọi là quy hoạch phân khu khu đô thị mới phía Đông, phường 9, phường 11, phường 12, xã Xuân Thọ.

Tập đoàn T&T cũng đã báo cáo ý tưởng quy hoạch có diện tích 1.211,81 ha, với tên gọi là quy hoạch phân khu khu đô thị cao cấp phường 11, phường 12, xã Xuân Thọ.

Hiện tại, Tập đoàn T&T đã thống nhất bỏ diện tích chồng lấn nêu trên ra khỏi ranh giới lập ý tưởng thiết kế quy hoạch (diện tích còn lại hơn 1.157 ha).

Đối với ranh giới hai khu vực ý tưởng quy hoạch của Tập đoàn T&T và Tân Hoàng Minh còn có chồng lấn với diện tích hơn 934 ha.

Nhằm đảm bảo đúng tiến độ, thời gian trong thực hiện các ý tưởng quy hoạch trên địa bàn, kịp thời cập nhật song hành trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung 704, TP Đà Lạt đưa ra một số đề xuất.

Cụ thể, đối với ranh giới tài trợ ý tưởng của Đại Quang Minh vẫn giữ nguyên là khoảng 530 ha. Tập đoàn T&T đã thống nhất giảm khoảng 55 ha, nên diện tích nghiên cứu tài trợ quy hoạch còn lại khoảng 1.157 ha. Do phương án ý tưởng quy hoạch đã hoàn thiện và báo cáo tại UBND TP Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng, các nội dung quy hoạch trong ý tưởng được thống nhất, Tập đoàn T&T đang hoàn thiện ý tưởng hoàn chỉnh theo kết luận tại các buổi làm việc của UBND tỉnh.

Do đó, UBND TP Đà Lạt đề xuất ranh giới tài trợ ý tưởng quy hoạch của Tập đoàn T&T là khoảng 1.157 ha (sau khi đã trừ 55 ha diện tích trùng lấp với Đại Quang Minh).

Đối với trường hợp của Tân Hoàng Minh, hiện doanh nghiệp chưa hoàn thiện ý tưởng cũng như chưa báo cáo lần đầu cho UBND tỉnh. UBND TP Đà Lạt đề xuất giảm diện tích nghiên cứu ý tưởng của Tân Hoàng Minh từ khoảng 4.320 ha xuống còn khoảng 3.163 ha.

An Nhiên (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống