Tin bất động sản hôm nay ngày 2/8: Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội; Giá thuê đất công nghiệp miền Bắc được dự báo tăng 5%; Lâm Đồng lập Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình trên diện tích 246 ha; Him Lam sẵn sàng xây 75.000 căn nhà ở xã hội đến 2030;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 2/8.

Tin bất động sản hôm nay ngày 2/8: Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội - Ảnh 1

Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp được chuyển đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Bộ Xây dựng cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, để phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội. Cụ thể như: Miễn tiền sử dụng đất; Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội.  
Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội.  

Với các cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nêu trên, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ luôn có giá thấp hơn nhà ở thương mại tại cùng thời điểm trên cùng địa bàn.

Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ giảm giá thành nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Một là, các địa phương khẩn trương hướng dẫn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện đăng ký và tổng hợp danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gửi Bộ Xây dựng công bố, để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho chủ đầu tư vay vốn ưu đãi 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Hai là, dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân khi phê duyệt phải có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa).

Ba là, căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc thù riêng của các địa phương, ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà ở xã hội, nhà công nhân; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng nhà xã hội đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian thi công...

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đặc biệt xử lý nghiêm vi phạm trong việc xác định giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Giá thuê đất công nghiệp miền Bắc được dự báo tăng 5%

Trong báo cáo “Nhịp đập thị trường công nghiệp Việt Nam”, Cush & Wakefield đưa ra dự báo giá thuê đất công nghiệp ở cả hai miền Nam và Bắc sẽ tiếp tục tăng từ nửa sau năm 2022.

Cụ thể, đơn vị này dự báo trong 6 tháng cuối năm, nguồn cung đất công nghiệp ở miền Bắc có thể bị khan hiếm do nhu cầu tăng nhanh hơn so với việc phát triển cơ sở hạ tầng có thể bàn giao. Giá thuê trung bình được dự báo sẽ tăng thêm 5% so với quý 2 do nhiều cơ sở sản xuất FDI mới và mở rộng nhắm đến thị trường miền Bắc Việt Nam.

Nguồn:Cush & Wakefield.  
Nguồn:Cush & Wakefield.  

Tại thị trường miền Nam, Cush & Wakefield kỳ vọng có sự tăng vọt nguồn cung đất công nghiệp từ nửa sau 2022 đến 2025. Đặc biệt, khu vực này được dự báo sẽ có khoảng 23.000 ha đất mới, gấp đôi nguồn cung hiện tại. Mặc dù nguồn cung tăng trưởng mạnh, giá thuê cũng được dự báo tiếp tục tăng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn cung đất công nghiệp tại những tỉnh lân cận Hà Nội vẫn còn nhiều, với tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu vực vào khoảng 83%. Giá thuê trung bình cho đất công nghiệp ở các tỉnh được ghi nhận vào khoảng 108 USD/m2/chu kỳ thuê.

Him Lam sẵn sàng xây 75.000 căn nhà ở xã hội đến 2030

Tại Hội nghị phát triển nhà ở xã hội cho công nhân do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 1/8, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cho biết sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Theo ông Minh, Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

Ông cho rằng, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại; thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đề cập hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng chính là ở người dân, như ở TP HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân.

Ông Minh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có, khó huy động được nguồn lực. Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân.

Ông còn cho rằng quy định những dự án nhà ở thương mại phải có 20% nhà ở xã hội là rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Vì vậy, nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung; các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Các ki-ốt dọc bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) có 30 ngày để tháo dỡ

Theo Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, ngày 30/9, tới đây chính quyền sẽ thông báo cho các hộ kinh doanh dọc bãi biển này có 1 tháng tiến hành tháo dỡ, thu dọn đồ đạc. Đến ngày 30/10 sẽ lên phương án giải phóng, trả lại mặt bằng cho một dự án mới.

“Hiện đã có một đơn vị tài trợ cho việc quy hoạch bãi biển này và đã gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Sau khi thẩm định xong, sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi dự án", ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết.

Ngoài kế hoạch làm đẹp bãi biển, di dời 220 ki-ốt bám bờ biển thì Cửa Lò cũng tiến hành nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh chạy dọc bãi biển này.

Thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân kinh doanh ki ốt, bãi đậu xe tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho thị xã thực hiện dự án, triển khai thanh lý hợp đồng với các ki ốt, tháo dỡ, san ủi, vận chuyển toàn bộ rác thải và hoàn trả lại mặt bằng.

Sẽ di dời hàng trăm ki-ốt chắn lối xuống bãi tắm, nâng tầm biển Cửa Lò.  
Sẽ di dời hàng trăm ki-ốt chắn lối xuống bãi tắm, nâng tầm biển Cửa Lò.  

Đối với đất ở thì giải pháp là lập phương án tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện giải tỏa cùng với dự án mở rộng đường Bình Minh bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Còn với 4 khu đất của các tổ chức gồm nhà nghỉ dưỡng 382 Bộ Công an, Viễn thông Cửa Lò, khách sạn Bưu điện và Trung tâm nuôi giống tôm, phương án là lập phương án bồi thường; đồng thời vận động và phối hợp với các đơn vị chủ sử dụng đất lập, thực hiện các thủ tục để di dời, bố trí về vị trí mới.

Lâm Đồng lập Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình trên diện tích 246 ha

Ông Võ Văn Phương, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng vừa ký Tờ trình số 11/TTr-KCN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Xây dựng đề nghị thẩm định và trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu KCN Phú Bình, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ 1/2000

Theo đó, KCN Phú Bình theo Tờ trình này có phạm vi lập quy hoạch khoảng 246 ha, tại thôn Phú Bình, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Về ranh giới lập quy hoạch KCN Phú Bình, nội dung Tờ trình số 11/TTr-KCN cho biết, phía Bắc giáp đường nhựa vào thác Pongour; phía Nam giáp sông Đa Nhim; phía Đông giáp đất quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đất nông nghiệp và đất ở; phía Tây giáp sông Đa Nhim.

KCN Phú Bình có tính cất là khu công nghiệp đa ngành, được tập trung đầu tư xây dựng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, lâm sản, khoáng sản, phân bón, dệt, may, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ.

Theo định hướng ngành nghề đầu tư được nêu tại Tờ trình số 11/TTr-KCN của Ban quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, KCN Phú Bình là khu công nghiệp đa ngành, kết hợp dịch vụ vận tải kho vận, được tập trung đầu tư xây dựng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; bố trí các loại hình sản xuất công nghiệp hiện đại, tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường.

Các loại hình công nghiệp dự kiến bố trí trong KCN Phú Bình bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, sản xuất (khoảng 50%); ngành công nghiệp hỗ trợ (khoảng 30%); vận tải kho bãi (khoảng 20%).

An Nhiên (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống