Tin bất động sản hôm nay ngày 16/11: Hà Nội sắp kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện

Hà Nội sắp kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện; Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án gang thép hơn 53.000 tỷ đồng; Đồng Nai  muốn thêm khu công nghiệp hơn 1.100 ha; Bộ Giao thông Vận tải không ủng hộ xây dựng sân bay Ninh Bình; Quảng Trị sẽ xử lý các hiện tượng “sốt nóng”, “đóng băng” bất động sản là những thông tin đáng chú ý hôm nay.

Hà Nội sắp kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND về kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại UBND 11 quận, huyện gồm: Thanh Trì, Long Biên, Hoàng Mai, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Đồng thời, kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa tại UBND 5 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Kiểm tra các nội dung này tại UBND phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã nêu trên.

Thời gian kiểm tra trong quý I và II/2023. Thời kỳ kiểm tra lĩnh vực đất đai, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2022. Lĩnh vực văn hóa, tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2022.

Thông qua kiểm tra, cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại địa bàn một số đơn vị sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố;

Đồng thời, phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Đặc biệt là qua đây phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Để làm tốt công tác kiểm tra, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu, phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả.

Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của đơn vị được kiểm tra.

Tổng hợp các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án gang thép hơn 53.000 tỷ đồng

Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Dự kiến, dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn đầu tư hơn 53.000 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn), công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Ngoài dự án nêu trên, CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ cũng đang nghiên cứu đầu tư khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9ha mặt đất và mặt biển, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai.

Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.  
Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.  

Theo UBND tỉnh Bình Định, khi 2 dự án trên đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, đóng góp tăng trưởng kinh tế tỉnh và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Hai dự án cũng giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương: tạo việc làm cho khoảng 5.000 người và trong quá trình sản xuất, kinh doanh là khoảng 7.500 người.

Để giúp nhà đầu tư triển khai trình tự các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và các thủ tục liên quan, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan của tỉnh sớm xây dựng chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, nhất là tạo điều kiện về lao động, việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác liên quan.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển; không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường…

Trước đó, dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Phù Mỹ được tỉnh Bình Định cho khảo sát, nghiên cứu triển khai ở ven biển các xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ).

Đồng Nai muốn thêm khu công nghiệp hơn 1.100 ha

Khu công nghiệp Xuân Hòa thuộc huyện Xuân Lộc được đề xuất quy hoạch với diện tích 1.120 ha…

Theo UBND huyện Xuân Lộc, khu công nghiệp Xuân Hòa được quy hoạch với diện tích khoảng 1.120 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Hòa và Xuân Hưng, gần đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho quy hoạch hơn 18.760 ha làm khu công nghiệp (không bao gồm khu công nghiệp Biên Hòa 1). Như vậy, tỉnh sẽ có 39 khu công nghiệp, trong đó, 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 7 khu công nghiệp chưa được thành lập. 

Tuy nhiên, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030,  Đồng Nai có tới 23.300 ha để làm công nghiệp, cao hơn nhiều so với Chính phủ phân bổ.

Đối với việc quy hoạch thêm khu công nghiệp Xuân Hoà, ông Huỳnh Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho rằng người dân trên địa bàn xã vừa mừng vừa lo. Vì thương mại dịch vụ sẽ phát triển, người dân không phải đi xa làm việc, giá trị đất đai khu vực xung quanh sẽ tăng… Nhưng điều băn khoăn là nếu dự án được quy hoạch chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

Bộ Giao thông Vận tải không ủng hộ xây dựng sân bay Ninh Bình

Mới đây, Bộ GTVT cho hay, Bộ đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình về đề xuất bổ sung vào quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng tại Ninh Bình.

Tại công văn, Bộ GTVT cho biết: Để thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20501 Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được góp ý của UBND tỉnh Ninh Bình, trong đó đề xuất bổ sung cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình, dự kiến tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và không xung đột vùng hấp dẫn, Bộ GTVT đã phối hợp với tư vấn nước ngoài nghiên cứu quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), kinh nghiệm các nước trên thế giới để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự cần thiết và mức độ khả thi hình thành cảng hàng không mới.

Bộ tiêu chí này gồm: Nhu cầu sản lượng hàng hóa, hành khách; nhu cầu phát triển kinh tế xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly tiếp cận (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận).

Trên cơ sở bộ tiêu chí nói trên, các cơ quan chức năng đã thực hiện rà soát, đánh giá cho toàn bộ 63 địa phương trong cả nước, bảo đảm tính khách quan, khoa học.

Tại Ninh Bình, đơn vị tư vấn độc lập chưa đề xuất quy hoạch cảng hàng không mới do khoảng cách tiếp cận từ Ninh Bình tới các cảng hàng không lân cận tương đối tốt; đồng thời các phương thức vận tải khác đã đảm nhận tốt nhu cầu vận tải cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Trường hợp UBND tỉnh Ninh Bình có nhu cầu quy hoạch sân bay chuyên dùng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ GTVT ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình rà soát các quy hoạch có liên quan, phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xác định vị trí để bổ sung trong quy hoạch của tỉnh”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Giữa năm 2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay lưỡng dụng tại huyện Kim Sơn hoặc Yên Khánh. Quy mô cấp 4C, có thể đón các loại máy bay như A320, A321.

Nếu được đưa vào quy hoạch, sân bay này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến đón 8-9 triệu lượt khách vào năm 2025, trong đó khoảng 2,5 triệu khách quốc tế. Tỉnh Ninh Bình đề xuất tư nhân đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối.

Quảng Trị sẽ xử lý các hiện tượng “sốt nóng”, “đóng băng” bất động sản

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương khuyến khích việc giao dịch kinh doanh bất động sản qua các sàn giao dịch bất động sản để công khai, minh bạch. Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở, góp phần quản lý thông tin giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân.

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, trong đó có hoạt động môi giới kinh doanh nhà ở của các tổ chức, cá nhân theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản (chuẩn hóa về đào tạo, thị sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề); khuyến khích các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản đăng ký, tham gia hoạt động có tổ chức quản lý (hoạt động theo doanh nghiệp, văn phòng, hội…).

UBND tỉnh Quảng Trị sẽ theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản; triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thị trường bất động sản và nhà ở phát triển ổn định, lành mạnh, kịp thời xử lý các hiện tượng “sốt nóng”, “đóng băng”.

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhà ở; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản của các ngành và địa phương; hoàn thiện việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sẩn để đảm bảo tính công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và bất động sản.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống