Tin bất động sản hôm nay ngày 24/11: Dừng điều chỉnh dự án ‘Hạ Long trên cạn' của 'chúa đảo' Tuần Châu

Dừng điều chỉnh dự án ‘Hạ Long trên cạn' của 'chúa đảo' Tuần Châu; Bộ TNMT sẽ thanh tra 10 dự án bất động sản tại Đồng Nai; Cam Lâm (Khánh Hòa) dừng thực hiện đăng ký biến động đất đai 2.385 thửa đất có sai phạm; Chủ đầu tư KĐT Ciputra xin nâng tầng, tăng mật độ; Hơn 1.100 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng đủ điều kiện bán là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 24/11.

Dừng điều chỉnh dự án ‘Hạ Long trên cạn' của 'chúa đảo' Tuần Châu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội về việc dừng thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Trước đó, tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc sở hữu của ông Đào Hồng Tuyển) đã có văn bản đề xuất điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội theo hướng tăng diện tích đất xây nhà ở thương mại, tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 3.178 tỉ đồng lên 7.060 tỉ đồng.

Theo giấy phép dự án được cấp năm 2007, khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội xây dựng trên khu đất 199,27ha, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội đang thi công dở dang.  
Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội đang thi công dở dang.  

Dự án cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía tây, được thiết kế với bãi biển nhân tạo để mang tới trải nghiệm tắm biển cho người Hà Nội ngay giữa lòng thủ đô. Khi mới phê duyệt đầu tư, nhiều người kỳ vọng dự án sẽ trở thành một Hạ Long trên cạn của TP Hà Nội.

Nhưng đến năm 2021, sau hơn 10 năm xây dựng, ý tưởng biến vùng đất Sài Sơn trở thành Hạ Long trên cạn chưa thành hiện thực, buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh quy hoạch, đổi tên, mục tiêu đầu tư dự án theo hướng phát triển nhà ở thương mại.

Để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và TP Hà Nội trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cuối tháng 10/2022, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại bất ngờ có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận dừng điều chỉnh dự án theo đề nghị của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.

Việc dừng điều chỉnh dự án được thực hiện theo khoản 2 điều 5 Luật đầu tư năm 2020 - "Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Bộ TNMT sẽ thanh tra10 dự án bất động sản tại Đồng Nai

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quyết định lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có 10 dự án liên quan đến nhiều công ty bất động sản.

Theo đó, đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thị Phương Hoa làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để công bố quyết định của Bộ TNMT về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng thanh tra gồm: UBND tỉnh Đồng Nai và 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản trên địa bàn.

Theo quyết định thanh tra của Bộ TNMT, thành phố Biên Hòa sẽ có 6 dự án bị thanh tra đợt này, gồm: dự án tại phường Tam Phước của Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái; dự án tại xã Long Hưng của Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát và Công ty CP Southern Golden Land; dự án tại phường Tam Phước của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn, Công ty TNHH bất động sản Gia Đức và Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Đại Phát.

4 dự án còn lại cũng được Bộ TNMT công khai gồm: dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) của Công ty CP Long Thành Riverside; dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quang Vinh; dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) của Công ty CP Đầu tư LDG và dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành) của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (công ty thành viên Tập đoàn Đất Xanh).

Cam Lâm: Dừng thực hiện đăng ký biến động đất đai 2.385 thửa đất có sai phạm

UBND huyện Cam Lâm vừa có văn bản gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm, UBND các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 114 khu đất có sai phạm theo kết luận của UBND tỉnh.

UBND huyện yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn. Các thửa đất này thuộc 114 khu đất đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả. Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị trấn Cam Đức và các xã nói trên tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc 114 khu đất.

Trước đó, từ ngày 1-1-2018 đến 30-6-2021, huyện Cam Lâm đã cho phép 114 trường hợp hiến đất làm đường để tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.385 thửa với tổng diện tích đất hơn 57ha. Các hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho phép chưa đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định. Việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa với số lượng lớn, nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản, không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện việc lập doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các thửa đất được tách là không phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Những khuyết điểm, vi phạm của lãnh đạo, cán bộ huyện Cam Lâm đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hà Nội: Chủ đầu tư KĐT Ciputra xin nâng tầng, tăng mật độ

Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long) mới đây đề xuất cơ quan chức năng có thẩm quyền xin điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Nam Thăng Long (KĐT Ciputra) giai đoạn II và giai đoạn III tại loạt ô đất trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) và phường Phú Thượng (quận Tây Hồ).

Theo đó, Công ty TNHH Phát triển Nam Thăng Long xin điều chỉnh khu cao tầng dịch vụ thương mại ký hiệu (IV.G.51-NO và IV.G.52 – NO) thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) theo hướng giữ nguyên diện tích ô đất, quy mô dân số; tăng mật độ xây dựng khối đế, khối tháp từ 25,5% lên 50 % (khối đế) và tối đa 35% (khối tháp); tầng cao trung bình từ 15 tầng tăng lên khoảng 25 tầng; hệ số sử dụng đất từ 3,8 lần lên 7,03 lần.

Ô đất trường học ký hiệu IV.K.57, có mật độ xây dựng 27,8%, tầng cao trung bình 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 0,8 lần chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng lên 40%, tầng cao 3 tầng, hệ số sử dụng đất là 0,8 lần.

Ô đất trường học ký hiệu IV.K.58, Công ty Nam Thăng Long đề xuất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng từ 27,3% lên 40%, tầng cao trung bình từ 2,7 tầng lên 4 tầng, hệ số sử dụng đất từ 0,8 lần lên 1,6 lần.

KĐT Nam Thăng Long được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.  
KĐT Nam Thăng Long được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.  

Ô đất CT07 (phường Phú Thượng), chủ đầu tư xin điều chỉnh giảm từ 7 khối nhà cao 35 tầng xuống còn 2 khối nhà cao 35 tầng, chuyển công trình cao tầng thành công trình biệt thự thấp tầng, giữ nguyên diện tích ô đất đã được duyệt, giảm quy mô dân số (giảm 2.942 người).

Công ty Nam Thăng Long xin điều chỉnh quy hoạch sân golf thành công viên mở.

Trong quá trình tổ chức niêm yết công khai và lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Đồ án này, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân đang sinh sống tại KĐT Nam Thăng Long.

Đà Nẵng: Hơn 1.100 căn nhà ở xã hội đủ điều kiện bán

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, có 1.165 căn nhà ở xã hội đủ điều kiện được bán theo quy định và điều này sẽ góp phần giải tỏa “cơn khát” nhà ở cho người thu nhập thấp tại địa bàn.

Cụ thể, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa có Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai tại công trình Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside đủ điều kiện được bán. Theo đó, 1.513 căn hộ chung cư hình thành trong tương lai (gồm 1.165 căn nhà ở xã hội và 348 căn hộ nhà ở thương mại) tại dự án kể trên đủ điều kiện được bán theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Nhà ở 2014, khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Dự án Chung cư  nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside do Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng số 1.809 căn hộ, gồm 1.165 căn nhà ở xã hội để bán, 296 căn nhà ở xã hội cho thuê, 348 căn hộ thương mại. Dự án được thực hiện từ quý II/2022 đến quý II/2024.

Cùng với việc xác nhận dự án đã đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng lưu ý chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp đối với thông tin và hồ sơ đã cung cấp. Trường hợp sau khi Sở Xây dựng có văn bản thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán nhưng chủ đầu tư không bán mà thực hiện thế chấp nhà ở này thì việc bán nhà ở sau khi thế chấp chỉ được thực hiện khi đã giải chấp, trừ trường hợp được người mua và bên nhận thế chấp đồng ý và có văn bản thông báo của Sở Xây dựng.

 

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống