Tin bất động sản hôm nay ngày 21/11: Đề xuất 31.000 tỉ đồng để “nâng đời” sân bay Đà Nẵng

Đề xuất 31.000 tỉ đồng để “nâng đời” sân bay Đà Nẵng; Bình Định kêu gọi nhà đầu tư cho dự án khu đô thị hơn 5.000 tỷ đồng; Tập đoàn Đèo Cả ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Lâm Đồng; Đấu giá 'đất vàng' tại Đông Anh (Hà Nội), mức giá trúng cao nhất 168,5 triệu đồng/m2; Thanh Hóa xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 21/12.

Đề xuất 31.000 tỉ đồng để “nâng đời” sân bay Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề xuất của Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được nâng cấp thành sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1; sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050; sản lượng vận chuyển hàng hóa 200.000 tấn/năm; có 92 vị trí sân đỗ máy bay; khai thác các loại tàu bay code E trở xuống và máy bay quân sự cấp I.

Về kế hoạch cụ thể, trong thời kỳ 2021 – 2030, TP. Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía Đông đạt 73 vị trí; giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía Tây với 19 vị trí đỗ.

Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021 – 2030 giữ nguyên nhà ga T2 khai thác quốc tế; mở rộng nhà ga T1 về phía Đông Nam (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170 m). Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía Đông Nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475 m2; cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.

Xây dựng nhà ga hàng hóa phía Đông trong thời kỳ 2021 – 2030; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía Tây kết hợp với khu logistic hàng không.

Kế hoạch xây dựng mới đường cất hạ cánh sẽ triển khai sau năm 2030.

Bình Định kêu gọi nhà đầu tư cho dự án khu đô thị hơn 5.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai các bước tiếp theo, thực hiện việc công bố danh mục dự án.

Đồng thời đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án và báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án Khu đô thị và du lịch An Quang có tổng vốn đầu tư khoảng 5.228 tỷ đồng, tại thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng nhà ở, thương mại dịch vụ, hạ tầng hội, cơ sở giáo dục, hạ tầng giao thông... với diện tích 89,2 ha, gồm 2 tiểu khu.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Cụ thể, tiểu khu đô thị có diện tích 48,5 ha. Trong đó, đất xây dựng nhà ở là 214.540,64 m2; đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội là 6.732,92 m2; xây dựng cơ sở giáo dục là 14.584,53 m2; đất cây xanh là 41.885,03 m2; đất giao thông – hạ tầng kỹ thuật là 207.336,88 m2.

Tiểu khu dịch vụ du lịch có diện tích 40,69 ha. Trong đó, đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội là 2.140,4 m2; đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ là 9.135 m2; đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú là 163.810,3 m2; đất cây xanh là 86.065 m2; đất giao thông – hạ tầng kỹ thuật là 119.606,3 m2; bãi cát 26.212 m2.

Các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc tại tiểu khu này gồm khoảng 12.600 du khách lưu trú tiểu khu du lịch; đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú, với tầng cao xây dựng tối đa 15 tầng; đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ có tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng có tầng cao xây dựng tối đa là 5 tầng.

Tập đoàn Đèo Cả ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Lâm Đồng

Mới đây, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết 23), ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Trong khuôn khổ chương trình, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác "Nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" với tổng mức đầu tư dự kiến 20.000 tỷ đồng cho Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Vĩnh.

Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh hợp tác cùng với tỉnh Lâm Đồng để đầu tư phát triển trên các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản, khu đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… trong giai đoạn 2021-2030.

Theo nội dung biên bản ghi nhớ, tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát đề xuất các dự án đầu tư thuộc các lĩnh hợp tác trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, địa phương sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin trong lĩnh vực dự kiến hợp tác, đồng hành và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đấu giá 'đất vàng' tại Đông Anh (Hà Nội), mức giá trúng cao nhất 168,5 triệu đồng/m2

Huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa tổ chức  đấu giá quyền sử dụng đất khu X7, thuộc xã Uy Nỗ. Đây là khu đất “vàng” gần với thị trấn Đông Anh nằm trong dự án xây dựng hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất.

Khu đất dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh có tổng diện tích 10.846,2m2 (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đợt 1) được UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt tại Quyết định số 3875/QĐ-UBND  cho UBND huyện Đông Anh thực hiện.

UBND huyện Đông Anh phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 tại Văn bản 2085/2020/UBND-QLĐT và Văn bản số 1687/2022/UBND-QLĐT điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng.

Huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá đất thuộc khu "đất vàng".  
Huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá đất thuộc khu "đất vàng".  

Sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định số 12616/QĐ-UBND, ngày 17/10/2022 về việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng 27 lô đất ở tại khu dự án này với tổng diện tích 3364,06m2, trong đó diện tích được phép xây dựng là 2844,41m2. Mức giá khởi điểm từ 60 – 119 triệu đồng/m2.

Kết thúc phiên đấu giá ngày 19/11, thửa đất được trả mức cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2, lô đất có ký hiệu LK1-1.

Thanh Hóa xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp

Theo đó, Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 68,74 ha. Vị trí, phạm vi được xác định: phía Đông Bắc giáp đất nông nghiệp, kế tiếp là đường tỉnh lộ 516; phía Đông Nam giáp kênh thoát nước kế tiếp là đê sông Bưởi khoảng 80m; phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp và phía Tây Bắc giáp đất nông nghiệp.

Ngành nghề hoạt động trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 490 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH FDI Thạch Bình. Thời gian thực hiện được bắt đầu từ quý IV.2022 và đến trước ngày 1.4.2025 phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng cụm công nghiệp…

Tiếp đó, theo Quyết định số 3799/QĐ-UBND vừa được phê duyệt, Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có diện tích sử dụng đất khoảng 23,36 ha được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa.

Ranh giới được xác định cụ thể: Phía Bắc giáp hành lang đường quy hoạch và đất sản xuất nông nghiệp; phía Nam giáp hành lang đường - Cụm công nghiệp Vạn Hà, Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao Lam Sơn; phía Đông giáp hành lang đường quy hoạch; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng và đất sản xuất nông nghiệp.

Tổng mức đầu tư Cụm công nghiệp Vạn Hà là 189 tỉ đồng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh là đơn vị thực hiện xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật. Cụm công nghiệp Vạn Hà có ngành nghề hoạt động là sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ (không được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II theo quy định tại mục 2.5.1 của QCVN 01:2021/BXD; các dự án sản xuất giấy, bột giấy, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)…

 Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu từ tháng 11.2022 và đến tháng 3.2025 hoàn thành công trình mời nghiệm thu và đưa vào sử dụng …

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống