Tin bất động sản hôm nay ngày 26/7: Thu hồi dự án chậm tiến độ, hủy quy hoạch dự án không khả thi tại Lâm Đồng
Thu hồi dự án chậm tiến độ, hủy quy hoạch dự án không khả thi tại Lâm Đồng; Một doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng quy mô ở Bình Dương; Dự báo đất nền tiếp tục được săn đón ở miền Trung; Thanh Hóa có 406 dự án đã được giao đất chậm tiến độ;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 26/7.
Thu hồi dự án chậm tiến độ, hủy quy hoạch dự án không khả thi tại Lâm Đồng
Tối 25/7, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan tình trạng quy hoạch treo và dự án treo trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Đồng thời, Sở Xây dựng cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. Tổ chức thẩm định hoặc báo cáo Hội đồng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh) theo quy định khi các địa phương trình.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thành nội dung đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đảm bảo yêu cầu, quy định.
UBND các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, TP Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện) đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi cao; tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng và trật tự đô thị sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Một doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng quy mô ở Bình Dương
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, ngày 23/7, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn lãnh đạo Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) về kế hoạch mở rộng đầu tư tại tỉnh.
Lãnh đạo Tập đoàn Sharp cho biết, Sharp đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, trong đó có Bình Dương để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Sharp hiện đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam – Singapore (VSIP) I và VSIP II mở rộng, thời gian tới, Sharp sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô lớn.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Bình Dương đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.663 ha. Trong đó, có 2 KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư là VSIP III và KCN Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700 ha.
Ngoài ra, các KCN khác đang thực hiện các thủ tục mở rộng như KCN Rạch Bắp, KCN Nam Tân Uyên… Như vậy đến nay, các khu, cụm công nghiệp Bình Dương đã chuẩn bị khoảng 3.000 ha đất để sẵn sàng cho thu hút đầu tư.
Ngoài Tập đoàn Sharp, Bình Dương còn là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, có thể kể đến như Aeon, Tập đoàn Lego, Becamex IDC…
Mới đây, UBND thị xã đã phối hợp với Sở Công thương giới thiệu 2 địa điểm (tại khu đất công khu phố 7, phường Uyên Hưng với diện tích khoảng 4,8 ha và khu đất dân cư tại khu phố 3, phường Uyên Hưng với diện tích khoảng 4 ha) cho Tập đoàn Aeon nghiên cứu vị trí đầu tư trung tâm trung thương mại.
Hồi đầu năm, tỉnh cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Lego với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III – nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ hai ở châu Á.
Dự báo đất nền tiếp tục được săn đón ở miền Trung
Theo “Báo cáo thị trường BĐS Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022” do Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) công bố, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 6 tháng cuối năm dao động từ 2.000-2.500 nền, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam).
Sức cầu chung toàn thị trường dự báo tăng, tập trung vào các dự án có pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện và đặc biệt các dự án gần khu vực giáp sông sẽ có lợi thế cạnh tranh. Đà tăng giá sơ cấp có thể chững lại trong 6 tháng cuối năm do những khó khăn chung của thị trường.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự kiến tăng so với nửa đầu năm 2022 với khoảng 600-800 căn, tập trung tại thị trường Đà Nẵng, sự khan hiếm nguồn cung có thể tiếp tục diễn ra ở các thị trường còn lại.
Giá bán sơ cấp và thứ cấp duy trì ổn định, không có nhiều biến động. Sức cầu chung toàn thị trường có thể hồi phục, tuy nhiên khó có sự tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn.
Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự duy trì ở mức tương đương 6 tháng đầu năm, dao động khoảng 600-700 căn. Quảng Nam và Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu nguồn cung, riêng Thừa Thiên-Huế khan hiếm nguồn cung mới.
Sức cầu thị trường dự kiến tăng và tập trung chủ yếu ở những khu đô thị quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất, lạm phát tăng cao tiếp tục gây áp lực lên giá bán sơ cấp. Thị trường thứ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang.
Với BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel dự báo tăng so với 6 tháng đầu năm, cung cấp ra thị trường khoảng 500-600 căn. Dự báo nguồn cung phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có khoảng 400-500 căn được đưa ra thị trường.
Trong khi đó, nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm duy trì sự khan hiếm. Sức cầu chung thị trường có thể tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm nhưng khó có sự gia tăng đột biến.
Giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng tăng do áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất,… Những dự án được quản lý vận hành bởi thương hiệu quốc tế 4 – 5 sao tiếp tục được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Theo nhận định của DKRA Vietnam, thị trường BĐS Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận trong 6 tháng đầu năm ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về nguồn cung và tình hình tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc.
Thanh Hóa có 406 dự án đã được giao đất chậm tiến độ
UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Kết quả rà soát thấy 406 dự án chậm tiến độ.
Cụ thể, tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh thành lập theo Quyết định số 2019/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Phó chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang làm tổ trưởng. Các ông Nguyễn Thành Luân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Lưu Trọng Quang, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường, ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp làm tổ phó.
Sau khi thành lập, Tổ công tác đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo rà soát của tổ công tác, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 406 dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất triển khai chậm tiến độ. Trong đó, trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp là 110 dự án; ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp 296 dự án.
Cùng với đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 438 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được giao đất, cho thuê đất. Trong đó, trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp là 102 dự án; ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp là 336 dự án.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026, vấn đề các dự án chậm tiến độ đã được các đại biểu đưa ra chất vấn, tranh luận.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82ha.
Kết quả, có 1.102 dự án (khoảng 68,15%) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86%) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng.
Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án, đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.
Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.