Tin bất động sản hôm nay ngày 25/8: Hà Nội cho phân lô, tách thửa trở lại, thị trường đất nền có tái diễn tình trạng “sốt nóng”?
Lo ngại về tình trạng “sốt nóng” đất nền khi Hà Nội cho phân lô, tách thửa trở lại; Nha Trang đề xuất giữ lại resort chắn biển - Ana Mandara; Hơn 2.200 tỷ đồng cho Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2; Bắc Giang điều chỉnh quy hoạch loạt khu dân cư, đô thị theo hướng nâng tầng; Hòa Bình chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 500 tỉ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 25/8.
Hà Nội cho phân lô, tách thửa trở lại, thị trường đất nền có tái diễn tình trạng “sốt nóng”?
Hà Nội vừa đề xuất dự thảo quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại Thủ đô.
Theo đó, tại 4 quận lõi gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thì những lô đất đủ điều kiện để tách thửa sẽ không nhỏ hơn 30m2. Trong khi đó, tại thị xã Sơn Tây và 8 quận còn lại gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ) không được nhỏ hơn 40m2…
Có ý kiến lo ngại rằng, việc Hà Nội sắp cho phép phân lô, tách thửa trở lại sẽ khiến thị trường đất nền tái diễn tình trạng ‘sốt nóng’, giá các căn nhà có diện tích nhỏ 30-40m2 sẽ tăng giá.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: Những đề xuất về diện tích thửa đất theo từng quận được phân lô, tách thửa không nhỏ hơn 30m2 hay 40m2… thực ra là quy định nhằm tránh xuất hiện những căn nhà siêu nhỏ, làm nhếch nhách đô thị.
“Vấn đề ở đây phải xác định quy định đề xuất này nhằm giải quyết đất ở tồn tại trong các khu dân cư, ngõ hẻm ở đô thị; còn với các dự án đô thị cần kiên quyết, không thể cho phép phân lô, tách thửa diện tích nhỏ như thế được. Phải quy định rõ ràng từng loại hình nhà ở, là chỉnh trang hay chia tách theo kiểu hộ gia đình cho con cái thì áp dụng quy định đó. Còn dự án đầu tư mới thì không nên áp dụng phân lô, tách thửa diện tích nhỏ 30 hay 40m2.
Tránh không được cho chia tách đất ở nông thôn, cứ mang đất vườn ra chia lô, chia thửa… cấp ‘sổ’ loạn hết như thời gian trước đây. Tính chất phân tách, chia thửa có phù hợp không cần quy định cụ thể hơn để tránh lợi dụng chính sách tiếp tục tái diễn việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, đất vườn, đất rừng…”, ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, trong giai đoạn vừa qua, một số vùng ở Hà Nội đã xảy ra việc mua bán đất nền, gây sốt đất, lũng đoạn thị trường; Hà Nội muốn quản lý nên đã tạm thời ‘cấm’ và hiện lại ‘mở’ ra đề xuất cho phân lô, tách thửa bằng quy định giới hạn về diện tích. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn trường hợp nào được tách thửa, chia lô; trường hợp nào không được.
Nha Trang đề xuất giữ lại resort chắn biển - Ana Mandara
UBND TP.Nha Trang cho biết vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về giải quyết kiến nghị về phương án sau khi dừng đón khách lưu trú tại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang (Resort Ana Mandara).
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có chỉ đạo UBND TP.Nha Trang phối hợp với Sở Xây dựng xem xét giải quyết kiến nghị doanh nghiệp về phương án sau khi dừng đón khách lưu trú tại Resort Ana Mandara thuộc khu Bãi Dương, TP.Nha Trang.
Theo UBND TP.Nha Trang, căn cứ định hướng đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 đang triển khai thực hiện, Resort Ana Mandara thuộc khu vực công viên ven biển của phân khu 1 – Khu trung tâm ven biển và phía Nam sông Cái (từ cầu Trần Phú đến trục đường chính sân bay cũ).
Tại khu vực công viên ven biển, cho phép “tổ chức các điểm dịch vụ công cộng với mật độ xây dựng gộp tối đa là 5%, đan xen trong không gian công viên để cung cấp dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, sử dụng công viên, tăng sự sống động và tần suất sử dụng công viên, nhưng vẫn không chia cắt không gian, đảm bảo khả năng liên kết liên tục dọc theo công viên”.
Ngoài ra, căn cứ đồ án Quy hoạch phân khu phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng được phê duyệt năm 2014, Resort Ana Mandara có diện tích 20.166m2 thuộc một phần ô đất kí hiệu K4-CV1, diện tích đất quy hoạch 21.658m2 thuộc quy hoạch đất công viên chuyên đề; với các chỉ tiêu mật độ xây dựng 10-15%, tầng cao 1 tầng
"Việc tồn tại một số công trình theo hiện trạng tại Resort Ana Mandara để tổ chức các điểm cung cấp dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, sử dụng công viên là phù hợp với định hướng của đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung" - trích văn bản của UBND TP.Nha Trang.
Hơn 2.200 tỷ đồng cho Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2
Mới đây, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết đơn vị này vừa có thông báo mời các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ tham lực nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2.
Dự án này nằm trên địa bàn P. Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ) và xã Hòa Nhơn (H.Hòa Vang); có quy mô sử dụng đất hơn 120ha với tổng chi phí đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, tái định cư hơn 1.068 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án là 50 năm với mục đích là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Thời hạn chót nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án vào ngày 30-9.
Ngày 23-8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, UBND TP vừa có Công văn số 4480/UBND-ĐTĐT giao các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung rà soát, đôn đốc tình hình triển khai các dự án trọng điểm, mang tính động lực trên địa bàn TP. Theo đó, đối với 13 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư lớn từ nguồn vốn của nhà đầu tư, UBND TP giao các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án khẩn trương rà soát, báo cáo cụ thể tình hình triển khai thực hiện các dự án, nhất là các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân, báo cáo UBND TP trước ngày 25-8.
UBND TP giao Văn phòng UBND TP tổng hợp, đánh giá tiến độ các dự án so với các mốc thời gian hoàn thành mà các đơn vị đã cam kết, báo cáo đề xuất lãnh đạo UBND TP xem xét bố trí họp chuyên đề hoặc kiểm tra thực tế để kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bắc Giang: Điều chỉnh quy hoạch loạt khu dân cư, đô thị theo hướng nâng tầng
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu Khu số 2, TP Bắc Giang.
Theo đó, điều chỉnh 05 lô đất có ký hiệu HH-1 (6.504m2), HH-2 (6.420 m2), HH-3 (5.330 m2), HH-4 (5.267 m2), HH-5 (6.181 m2) từ quy hoạch đất hỗn hợp thành quy hoạch đất nhóm ở. Chỉ tiêu các lô đất sau điều chỉnh, mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao 3 tầng.
Điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất 02 lô đất ký hiệu I-HH-17, I-HH-18: Điều chỉnh quy mô dân số tối đa khoảng 5.600 người. Điều chỉnh tầng cao từ 25 tầng lên thấp hơn hoặc bằng 28 tầng. Điều chỉnh hệ số sử dụng đất từ 7,4 lần lên nhỏ hơn hoặc bằng 13 lần. Điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất 02 lô đất ký hiệu I-OXM-06, I-OXM-09: Điều chỉnh hệ số sử dụng đất từ 3,5 lần lên nhỏ hơn hoặc bằng 5 lần. Điều chỉnh mật độ xây dựng từ 70% thành 88%.
Tương tự, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu 6 và 7 Khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang) tỷ lệ 1/500.
Theo đó, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đối với 2 khu đất ký hiệu C-HH-01 và C-HH-02 gồm: Điều chỉnh quy mô dân số từ 3.520 người lên tối đa khoảng 5.600 người.
Điều chỉnh chiều cao từ 25 tầng xuống thấp hơn hoặc bằng 28 tầng. Điều chỉnh tầng hầm từ 2 tầng lên 1 tầng. Điều chỉnh hệ số sử dụng đất từ 8,4 lần xuống nhỏ hơn hoặc bằng 13 lần. Điều chỉnh mật độ xây dựng từ 40 – 61% thành mật độ xây dựng Khối đế nhỏ hơn hoặc bằng 53%. Mật độ xây dựng Khối tháp nhỏ hơn hoặc bằng 40%.
Điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của 3 lô đất ký hiệu C-LK-8, C-LK-9, C-LK-10 gồm: Điều chỉnh tầng cao từ 5 tầng lên tầng cao 4-5 tầng. Điều chỉnh hệ số sử dụng đất từ 4 – 5 lần xuống nhỏ hơn hoặc bằng 5 lần. Điều chỉnh mật độ xây dựng từ 80-100% thành mật độ xây dựng nhỏ hơn hoặc bằng 88%.
Hòa Bình chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 500 tỉ đồng
UBND tỉnh vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án khu đô thị Phúc Tiến.
Tại quyết định số 62 nêu rõ, UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội và Công ty Cổ phần Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C (đều có địa chỉ trụ sở tại Hà Nội) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Phúc Tiến tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình.
Vốn đầu tư của dự án (bao gồm chi phí dự kiến thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng) gần 550 tỉ đồng. Vốn góp của nhà đầu tư là 165 tỉ đồng chiếm khoảng 30,18% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay.
UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và luật kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan.
Làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Chỉ được chuyển nhượng nhà ở, đất ở cho khách hàng khi bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan...