Tin bất động sản hôm nay ngày 27/9: Vì sao Đồng Nai thu hồi 2 khu đất của IDICO và Sông Đà Đồng Nai?

Đồng Nai thu hồi 2 khu đất của IDICO và Sông Đà Đồng Nai; Vinasing Group đã nhận chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Đại Nam; Thông tin mới nhất về dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông; Lâm Đồng có chỉ đạo mới về phân lô, tách thửa đất; Bắc Ninh xây cầu 1.700 tỉ đồng kết nối với Hải Dương là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 27/9.

Vì sao Đồng Nai thu hồi 2 khu đất của IDICO và Sông Đà Đồng Nai?

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành hai quyết định về việc thu hồi đất của CTCP Sông Đà Đồng Nai và CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển vật liệu IDICO.

Cụ thể, quyết định số 2512 thu hồi 1.932m2 (chưa trừ hơn 170m2) nằm trong hàng lang an toàn lưới điện của CTCP Sông Đà Đồng Nai tại phường An Bình, TP Biên Hòa.

Quyết định số 2508 thu hồi 9.778m2 đất của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển vật liệu IDICO tại xã Long An, huyện Long Thành đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2014.

Lý do thu hồi, cả 2 khu đất của 2 doanh nghiệp này hết thời hạn thuê đất nhưng không được gia hạn theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2013.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên Môi trường công bố quyết định, thanh lý hợp đồng thuê đất, chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý chặt chẽ khu đất sau khi thu hồi đối với 2 khu đất. Đồng thời, yêu cầu 2 công ty khẩn trương di dời tài sản trên đất để bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan quản lý.

UBND TP Biên Hòa và UBND huyện Long Thành cũng như các đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc việc di dời tài sản của doanh nghiệp trong thời giạn cho phép. Trường hợp hai doanh nghiệp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế di dời theo quy định.

Vinasing Group đã nhận chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Đại Nam

Theo nguồn tin của VTC News, ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng "lò vôi"), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tân Khai đã chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho Công ty Cổ phần Vinasing Group (Vinasing Group; trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội).

Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Đây là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính về lĩnh vực môi trường.

Thương vụ chuyển nhượng này bao gồm: 219.999,9m2 đất ở (1.122 nền), 11.218,5m2 đất thương mại dịch vụ, 96.707,6m2 đất xây dựng nhà ở xã hội. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này hơn 2.434 tỷ đồng. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).

Khu dân cư Đại Nam tỉnh Bình Phước.  
Khu dân cư Đại Nam tỉnh Bình Phước.  

Được biết, , Khu dân cư Đại Nam do Công ty TNHH MTV Tân Khai làm chủ đầu tư, dự án tọa lạc tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).

Tháng 6/2018 dự án được UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Với quy mô 96,7ha (2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường PTTH), dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người.

Sau hơn 4 năm triển khai, hiện dự án bao trùm vẻ hiu hắt, không một bóng người. Một số đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống.

Dự kiến 2.459 căn nhà phố và biệt thự sau khi triển khai sẽ tạo sự sầm uất cho khu dân cư, song khung cảnh hoang vu, đầy cỏ khô, không một cư dân nào sinh sống khiến nhiều người thất vọng. Công trình duy nhất tại dự án (được dự định làm Trung tâm thương mại) được xây dựng đồ sộ, nhưng do không có dân cư nên công trình này cũng trong tình trạng "vườn không nhà trống".

Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa hoàn thành?

Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông báo kết luận cuộc họp của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy với Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; trong đó có việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án và kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án.

Dù tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác sau thời gian dài thi công, nhưng hiện dự án này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, đặc biệt liên quan tới thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ GTVT cho hay, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đưa ra một số kiến nghị liên quan tới thực hiện kết luận của kiểm toán, nhưng rất chung chung, nên chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết.

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này có báo cáo chi tiết, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện kết luận kiểm toán một cách rõ ràng. Báo cáo cần thể hiện rõ đối với từng nhóm vấn đề, lý do, nguyên nhân, trách nhiệm, chủ thể liên quan. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị xử lý cho từng vấn đề cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thông báo kết luận kiểm toán tháng 12/2018), dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội là chưa thực hiện đúng quy định.

Tổng số tiền cần giảm trừ, thu hồi tại dự án trên 874 tỷ đồng (khoảng 38 triệu USD), Nhà nước có thể tiết kiệm được khoản tiền này thông qua cơ chế thu hồi hoặc cắt giảm khi thanh quyết toán với Tổng thầu EPC (nhà thầu Trung Quốc), gồm các khoản: Giảm trừ thanh toán do tính sai khối lượng trên 175 tỷ đồng; chủ đầu tư thương thảo với tổng thầu để giảm trừ thêm trên 428 tỷ đồng; hạch toán giảm chi phí đầu tư, quản lý, nợ gốc, lãi vay... trên 269 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh công tác đầu tư, xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân có sai sót.

Lâm Đồng có chỉ đạo mới về phân lô, tách thửa đất

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký ban hành Công văn số 7163/UBND-ĐC về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2022/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo việc phân lô, tách thửa đất, chuyển nhượng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định về kinh doanh Bất động sản.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Nội dung công văn nêu rõ, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện có liên quan. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Mặt khác, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Đồng thời, việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành có liên quan và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.

Cũng theo công văn trên, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Trách nhiệm của Sở TN&MT là tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý việc phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Việc phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Trong khi đó, Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, chấp hành nghiêm quy định quản lý trong hoạt động công chứng văn bản liên quan đến hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản chưa có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm. Báo cáo Sở Xây dựng về nhu cầu phát triển dự án tại địa phương để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Bắc Ninh xây cầu 1.700 tỉ đồng kết nối với Hải Dương

Tỉnh Bắc Ninh mới đây đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Dự án gồm hạng mục chính là đầu tư xây dựng cầu vượt Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài tuyến khoảng 13,4km, trong đó điểm đầu tại Km0+00 giao với Quốc lộ 17 tại Km27+600 thuộc địa phận huyện Gia Bình, điểm cuối tại Km13+400 giao với Quốc lộ 37 tại Km77+400 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

Phần cầu Kênh Vàng có chiều dài khoảng 740m, bề rộng dự kiến 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng.

Trong tổng kinh phí trên, chi phí xây dựng 1.235 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 300 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác là 99 tỉ đồng và gần 72 tỉ đồng chi phí dự phòng.

Để thực hiện dự án, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 900 tỉ đồng.

Vốn ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hải Dương dự kiến 180 tỉ đồng.

Còn lại khoảng 627 tỉ đồng là vốn ngân sách tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu, kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương là từ năm 2022 - 2025. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, cầu Kênh Vàng là cầu đầu tiên qua sông Thái Bình nối với Hải Dương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 tỉnh.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống