Tin bất động sản hôm nay ngày 19/9: Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại Thanh Hóa và Bắc Giang

Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại Thanh Hóa và Bắc Giang; TP.HCM dành 20 khu đất rộng 38 ha để xây nhà ở xã hội; Giao dịch đất đai qua sàn hay không là do Luật Kinh doanh bất động sản; Thành viên của Kinh Bắc đầu tư hơn 1.000 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng; Nhiều quy định mới trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 19/9.

Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại Thanh Hóa và Bắc Giang

Tại Thanh Hóa, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa vừa thông báo đấu giá 20 lô đất ở tại Mặt bằng quy hoạch khu đô thị phía nam thị trấn Nông Cống và khu trung tâm Minh Thọ. Các lô đất có diện tích từ 92,4 m2 đến 310,9 m2, giá khởi điểm từ 1.000.000.000 đồng/lô đến 4.041.700.000 đồng/lô. .

Người tham gia đấu giá cần đặt trước từ 200.000.000 đồng đến 808.340.000 đồng. Thời gian nộp tiền đặt trước từ ngày 4/10 đến ngày 6/10.

Thời gian tham khảo hồ sơ, bán hồ sơ, thu hồ sơ tham gia đấu giá là trong giờ hành chính tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa  từ 19/9 đến 4/10 , tại UBND thị trấn Nông cống (19/9 - 30/9).

Cuộc đấu giá được tổ chức vào 8h ngày 7/10, tại Hội trường Trung tâm chính trị huyện Nông cống, tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi đó, tại Bắc Giang, Công ty đấu giá hợp danh Thành Phát vừa thông báo đấu giá 85 lô đất ở tại khu hạ tầng kỹ thuật thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng; khu dân cư mới xã Tư Mại (khu 1); khu dân cư mới xã Cảnh Thụy - Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tài sản này là của UBND huyện Yên Dũng.

Người tham gia đấu giá đặt trước thấp nhất từ 150.000.000 đồng/lô, thời gian nộp từ 28/9 - 30/9. Thời gian đăng ký tham gia đấu giá từ 16/9 - 29/9.

Cuộc đấu giá được tổ chức lúc 8h15 ngày 2/10 tại hội trường Trung Tâm Văn hóa huyện Yên Dũng.

TP.HCM dành 20 khu đất rộng 38 ha để xây nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại TP.HCM.

Đơn vị này xác định quận 12 là địa phương có nhiều đất nhà ở xã hội nhất và khu nhà ở xã hội phường Hiệp Thành đã có đất sạch, có cơ sở hạ tầng đầy đủ; quận Bình Tân có 3 khu và Gò Vấp có 2 khu.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP HCM.  
Một dự án nhà ở xã hội tại TP HCM.  

Ngoài ra, TP. HCM còn có quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp ở 25 khu đất để xây dự án nhà ở thương mại, với tổng diện tích 57 ha, gồm: 20 dự án ở TP Thủ Đức, 3 dự án ở quận Bình Tân, một ở Bình Chánh và một ở quận 7. Trong số này, 14 dự án đã có đất sạch, đang làm thủ tục đầu tư xây nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng, ở giai đoạn 2021-2025, toàn TP.HCM có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội, 5 năm tiếp theo có hơn 524.000 người có nhu cầu, kể cả công nhân.

Trong năm nay, toàn thành phố có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ, diện tích sàn hơn 32.600 m2 tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.

TP.HCM cũng khởi công 9 dự án nhà ở xã hội với quy mô 8.666 căn hộ, tổng diện tích sàn gần 627.000 m2; 2 nhà lưu trú công nhân có quy mô 1.400 phòng, diện tích sàn hơn 120.800 m2.

Bên cạnh đó, thành phố còn 70 dự án chưa triển khai xây dựng với quy mô hơn 12.400 phòng, diện tích sàn gần 597.000 m2.

Sở Xây dựng đề xuất Bộ hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại.

Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

"Giao dịch đất đai qua sàn hay không là do Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai không nên quy định"

Đó là phát biểu của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra sáng ngày 18/9.

Theo đó, ông Châu cho rằng có 3 vấn đề băn khoăn cần trình bày.

Thứ nhất, kiến nghị cho phép bổ sung vào khoản 1 điều 168 Luật Đất đai cho phép Doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án đô thị nhà ở thương mại được nghi nguyên văn trong Nghị quyết 18.

Thứ hai, kiến nghị không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Bộ xây dựng đề xuất 2 phương án và chọn phương án sở hữu nhà chung cư có loại có thời hạn. "Đề nghị Bộ Xây dựng gắng lắng nghe", ông Châu nói.

Thứ ba, đề nghị không quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn. Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai lại làm thay Bộ Xây dựng ghi luôn quy định chuyển nhượng bất động sản phải qua sàn giao dịch. Nội dung này có hay không thì phải chờ Luật Kinh doanh bất động sản quy định, còn Luật Đất đai chỉ nên quy định giao dịch quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai là đủ.

"Hiện nay, chúng ta thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương,  trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số Luật có liên quan đảm bảo tính đồng bộ thống nhất. Nếu nói rằng tính đồng bộ thống nhất thời gian qua ta chưa đảm bảo, hệ thống pháp luật nâng lên tốt hơn nhưng tính mâu thuẫn, xung đột pháp luật vẫn còn.

Tới đây đề nghị Quốc hội việc quản lý nhà nước về tài chính, định giá kể cả định giá đất xin giao về ngành tài chính. Hiện nay, ta tách làm đôi, giao tài nguyên môi trường nữa là không phù hợp. Thống nhất quản lý nhà nước là phải làm điều đó", ông Châu kiến nghị.

Công ty thành viên của Kinh Bắc đầu tư hơn 1.000 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng

Theo công văn gửi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng ngày 8/9, CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đã công bố kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Quy mô dự án gồm 6 block chung cư CT5, CT6, CT7, CT8, CT9, CT10, trong đó block CT5 và CT10 cao 21 tầng, 4 block còn lại cao 20 tầng. Tổng số căn hộ chung cư là 1.809 căn hộ, bao gồm 348 căn hộ thương mại với diện tích sàn sử dụng là khoảng 21.137 m2; 1.165 căn hộ nhà ở xã hội để bán với diện tích sàn sử dụng là khoảng 67.409 m2; 296 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê với diện tích sàn sử dụng là khoảng 16.889 m2.

Dự án dự kiến được thực hiện từ quý II đến quý II/2024. Về giá bán, giá cho thuê, chủ đầu tư đang trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Theo giới thiệu của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 3/8/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Ngành nghề chính của công ty là xây dựng khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng,… điển hình là Khu công nghiệp Liên Chiểu và Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng tại TP Đà Nẵng; Dự án biệt thự nghỉ dưỡng The Song – Danang Beach Villas 5 sao tọa lạc tại trung tâm thành phố.

Ngày 29/6, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 5,7 triệu cổ phiếu của Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% vốn điều lệ. Sau khi chuyển nhượng thành công, Kinh Bắc sẽ chuyển cách ghi nhận tại công ty Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng thành công ty liên kết.

Nhiều quy định mới trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi

Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở.

Tuy nhiên, quá trình thực thi quy định của Luật Nhà ở 2014 còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ Xây dựng với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ khó khăn cho người, doanh nghiệp trong công tác phát triển nhà ở.

Cụ thể, theo đại diện Bộ Xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 234 Điều. Trong đó, một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới liên quan đến các nội dung như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý nhà chung cư khi còn thời hạn và khi hết thời hạn.

Về quản lý, sử dụng nhà chung cư, dự thảo làm rõ thêm theo hướng luật hóa; đưa một số quy định từ các nghị định, thông tư vào luật, trong đó có nội dung về quyền, trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; quản lý vận hành chỗ để xe nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý vận hành...

Về chính sách mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì chuyển sang quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản để đảm bảo việc tra cứu, áp dụng pháp luật được thuận lợi, thực hiện thống nhất.

Chương 2 của dự thảo là những nội quy định về sở hữu nhà ở, dự thảo bổ sung mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư; thời hạn sở hữu nhà chung cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu; xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu.

Trong đó, điểm nhấn là quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, riêng nội dung này Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án, gồm: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhưng không đóng khung thời hạn từ 50 - 70 năm; đưa ra về thời hạn sở hữu nhà chung cư là theo quy định của pháp luật đất đai, giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là không quy định thời hạn. Người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Đồng thời, thời hạn sở hữu nhà của người dân sẽ không áp dụng hồi tố. Tức là, nếu người dân mua chung cư trước ngày Luật có hiệu lực được áp dụng quy định tại thời điểm mua đó; người mua nhà thuộc các công trình có giấy phép xây dựng cấp trước khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được áp dụng quy định cũ về sở hữu không thời hạn. Như vậy, nhà chung cư hiện đã mua bán áp dụng theo hiện hành, không áp dụng thời hạn.

Ngoài ra, những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở cũng được quy định tại Chương 6 về chính sách về nhà ở xã hội, giữ nguyên một số quy định như: Loại nhà, tiêu chuẩn diện tích; xác định giá thuê, giá thuê mua dự án do nhà nước đầu tư… bổ sung quy định mới về đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ; hình thức phát triển; ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển; bổ sung 2 mục mới về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Chương 7 bổ sung một số quy định như nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở; Chương 9 quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, có kế thừa, sắp xếp, bổ sung làm rõ thêm theo hướng luật hóa, đưa một số quy định từ các Nghị định, Thông tư còn phù hợp với tình hình lên nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời cũng quy định quyền, trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư; đơn vị quản lý vận hành nhà, chỗ để xe nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý vận hành...

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống