Tin bất động sản hôm nay ngày 7/12: Hà Nội cưỡng chế thu hồi khu đất gần 5.000m2 của Handico 41

Hà Nội cưỡng chế thu hồi khu đất gần 5.000m2 của Handico 41; Kiến nghị bổ sung loạt quy định mới về đấu giá đất; Thanh Hóa kêu gọi nhà đầu tư cho hai dự án khu dân cư với tổng vốn hơn 1.160 tỷ đồng; TPHCM vẫn còn hàng trăm dự án treo; Cụm công nghiệp Bình Nghi (Bình Định) thu hút dự án gần 1.000 tỉ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 7/12.

Hà Nội cưỡng chế thu hồi khu đất gần 5.000m2 của Handico 41

UBND quận Thanh Xuân mới đây đã ban hành Kế hoạch về tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định của UBND thành phố.

Theo đó, khu vực cưỡng chế thu hồi đất tại ô đất ký hiệu 11.4 ĐX tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (khu vực góc ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến) do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 41 (Handico 41) sử dụng.

Khối lượng cưỡng chế là ô đất diện tích 4.883 m2 (theo biên bản bàn giao mốc giới) trong đó có các công trình: Nhà số 1 quây tôn, mái tôn, diện tích khoảng 12m2, chiều cao khoảng 3m; nhà số 2 quây tôn, mái tôn, diện tích khoảng 35m2, cao khoảng 5,5m; nhà số 3 tường gạch, mái tôn, diện tích khoảng 20m2, chiều cao khoảng 2,5m; 1 nhà tạm lều lán cao trên 2m, diện tích khoảng 15m2 (buôn bán vật liệu xây dựng); 1 lều lán tạm diện tích khoảng 10m2 (đối diện nhà bảo vệ).

Toàn bộ mặt bằng diễn tích đất sau khi cưỡng chế sẽ được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận quản lý.

Theo kế hoạch, 8 giờ 30 phút sáng nay ngày 7/12, tất cả các lực lượng sẽ tham gia cưỡng chế, thu hồi đất tập trung tại địa điểm cưỡng chế.

Theo tìm hiểu, gần 10 năm trước, khu đất 1.14HH tuyến Láng Hạ - Thanh Xuân thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được UBND TP. Hà Nội giao cho 3 công ty nhằm thực hiện dự án văn phòng, nhà ở gồm: CTCP đầu tư - Thương mại và Dịch vụ (Lô A); Handico 7 (Lô B) và Công ty TNHH Hiền Đức (Lô C). Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn là những công trình ngổn ngang.

Kiến nghị bổ sung loạt quy định mới về đấu giá đất

Tổng Cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) vừa kiến nghị loạt biện pháp nhằm chấn chỉnh lại thị trường đất đấu giá.

Theo đó, Tổng Cục Quản lý Đất đai kiến nghị:

Tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá;

Bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá;

Bổ sung chế tài xử phạt trường đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, thổi giá. Người trúng đấu giá bỏ cọc không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian nhất định;

Tổng Cục Quản lý Đất đai kiến nghị bổ sung loạt quy định mới về đấu giá đất.  
Tổng Cục Quản lý Đất đai kiến nghị bổ sung loạt quy định mới về đấu giá đất.  

Bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực;

Bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất;

Bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của pháp luật về quản lý thuế;

Sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan để có chính sách tạo cơ chế thuận lợi cho việc thu hồi đất theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và làm nhiệm vụ bình ổn giá đất khi thị trường có dấu hiệu "sốt" đột biến.

Thanh Hóa kêu gọi nhà đầu tư cho hai dự án khu dân cư với tổng vốn hơn 1.160 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá vừa có thông báo kêu gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện 2 dự án khu dân cư với số vốn đầu tư hơn 1.160 tỷ đồng….

Trong đó, Dự án Khu dân cư mới tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá có quy mô diện tích đất khoảng 108.984,2m², với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là hơn 326 tỷ đồng.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội: nhà văn hóa, trường mầm non; đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 122 công trình nhà ở gồm: 115 nhà ở liền kề; 7 nhà ở biệt thự. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ đầu tư dự án không quá 3 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư (dự kiến từ quý 4/2022 đến quý 4/2025).

Trong khi đó, Dự án khu dân cư, tái định cư số 02 xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa có diện tích đất khoảng 282.850m2, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồ thường, hỗ trợ, tái định cư) là hơn 834 tỷ đồng;

Dự án sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội: nhà văn hóa, trường liên cấp; đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 171 công trình nhà ở thương mại, cụ thể là 149 nhà ở liền kề; 22 nhà ở biệt thự. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật về đất đai. Tiến độ đầu tư không quá 5 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư (dự kiến từ quý 1/2023 đến quý 4/2027).

TPHCM vẫn còn hàng trăm dự án treo

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường và Sở Xây dựng TPHCM trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của khu vực tư nhân và các dự án “đầu tư công”.

Trong đó, có 451 dự án đã hoàn thành (chỉ chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (chiếm 45,9%) và có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (“dự án treo”), mà phần lớn là các dự án “đầu tư công” do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng (da beo).

Trong đó chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định “hệ số điều chỉnh giá đất” cao hơn từ 4-35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các “dự án treo” này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Trong số 703 dự án thuộc diện “đang triển khai” (không thuộc trường hợp bị thu hồi dự án) thì đang có khoảng 143 dự án bị “vướng mắc pháp lý” nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án.

Cụm công nghiệp Bình Nghi (Bình Định) thu hút dự án gần 1.000 tỉ đồng

Theo thông tin từ ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (IPC) Bình Định, UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite. Dự án có diện tích 21,9 ha tại Cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Với vốn đầu tư 998,638 tỉ đồng, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất gạch ốp lát granite với công suất đạt 18.000.000 m3/năm khi đưa nhà máy vào hoạt động vào tháng 9-2024.

Theo ông Bay, dự án nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nên khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp; giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương. Đồng thời, dự án sẽ giúp nâng cao trình độ lao động công nghiệp, tạo thu nhập cho lao động địa phương; góp phần xử lý vấn đề chất thải bột đá của các nhà máy chế biến đá trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tây Sơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Cụm công nghiệp Bình Nghi là một trong bảy cụm công nghiệp với tổng diện tích 225 ha được mở rộng từ năm 2022. Các cụm công nghiệp còn lại là Ngọc Sơn – Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn), Gò Cầy, Gò Giữa, Tây Xuân và Hóc Bợm (huyện Tây Sơn) và Vân Canh (huyện Vân Canh).

 

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống