Tin bất động sản hôm nay: Đối tượng nào sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất mua nhà ở xã hội?
Đối tượng sẽ được áp dụng hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; Chủ đầu tư Khu du lịch Hồng Quang Long Hải huy động được gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu; Tìm mua căn hộ giá 500 triệu; Thanh tra hơn 21ha đất sân bay Nha Trang cũ; Điều chỉnh quy hoạch dự án Shiki Hải Lĩnh Park 1.400 tỉ đồng của Nghi Sơn Việt Nam ở Thanh Hoá;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 12/7.
Đối tượng nào được áp dụng hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ?
Bộ Xây dựng vừa có hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy định tại Nghị định số 31 của Chính phủ.
Theo đó, tại điểm c, khoản 1, Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời, cũng tại điểm a, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định đối tượng được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm doanh nghiệp và hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1, Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho mua, bán.
Theo Bộ Xây dựng, pháp luật về nhà ở đã quy định đối tượng được vay vốn ưu đãi là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và không có quy định nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi.
Bên cạnh đó, quy định khách hàng vay vốn để thực hiện dự án phá dỡ toàn bộ, xây dựng lại chung cư cũ tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP có quy định.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Trong đó, gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, thực hiện trong 2 năm. Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm.
Chủ đầu tư Khu du lịch Hồng Quang Long Hải huy động được gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục vừa công bố thông tin về việc hoàn tất đợt phát hành lô trái phiếu trị giá hơn 1.340 tỷ đồng vào ngày 29/6/2022. Trái phiếu do công ty phát hành vào ngày 4/4/2022, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 4/4/2027.
Trước đó, từ ngày 22/2 – 20/5/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục đã huy động được gần 622 tỷ đồng qua phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm.
Như vậy, Như vậy, trong vòng 4 tháng, doanh nghiệp này huy động được hơn 1.962 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Được thành lập vào tháng 11/2007, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục (Edu Infra Group) tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bộ Ba (Trinity Investment), hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, thi công các công trình biệt thự, chung cư, khách sạn, nhà phố, các chuỗi dịch vụ…
Doanh nghiệp này từng thi công nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục cho các thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) như: Apax English/Apax Leaders, Apax Franklin, STEAMe Garten… hay nhà thuốc Pharmacity, Long Châu.
Ngoài ra, theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục còn sở hữu Khu du lịch Hồng Quang Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với quy mô 5,3 ha, đã được cấp phép và xây dựng hoàn thành cơ bản phần hạ tầng. Đây là dự án nằm tại vị trí đắc địa của Trung tâm du lịch Long Hải, nơi có quần thể du lịch cao cấp đã hình thành.
Tìm mua căn hộ giá 500 triệu đồng ở đâu?
2 tháng trở lại đây, nhà ở xã hội bỗng nhiên nóng trở lại. Khi 1 số doanh nghiệp lớn cho biết sẽ xây dựng hàng loạt các dự án nhà ở xã hội. Vinhomes cho biết đã nộp đơn xin xây dựng 1 số dự án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Công ty Hòa Bình nộp hồ sơ xin xây dựng 2 dự án tại Lĩnh Nam và Vĩnh Hưng, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngoài ra, một số công ty như Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long… cũng tuyên bố trở lại đường đua xây dựng nhà ở xã hội. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội, giá 300-500 triệu đồng/căn đang rất lớn, nhưng nhiều năm qua, gần như bị biến mất.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình, cho biết: “”Ở Hà Nội, theo chúng tôi tìm hiểu, có 500 nghìn người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Từ năm 2014 đến giờ, chưa có căn nhà ở xã hội nào dành cho công chức viên chức, người lao động, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công an, bộ đội, ủng hộ đề án nhà ở xã hội, để có nhà ở bằng thu nhập của mình”.
Thực tế, các căn hộ có giá bán 300-500 triệu đồng đã xuất hiện tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành phát triển mạnh các khu công nghiệp.
Ngoài nhà ở xã hội, người mua nhà nhu cầu mua căn hộ ở tầm tiền đó thì có thể tìm hiểu thêm các căn hộ chung cư mini do cá nhân hoặc các tổ chức xây dựng, thường tại trung tâm các thành phố lớn. Nó giống như 1 căn phòng nhỏ khép kín. Nhưng nhược điểm là hầu hết các căn hộ chung cư mini đều chưa được cấp sổ đỏ, do chưa đạt nhiều tiêu chí về mặt pháp lý. Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, trước đây cũng đã có doanh nghiệp xây nhà ở thương mại với diện tích nhỏ khoảng 25m2 với mức giá vừa phải.
Thanh tra hơn 21ha đất sân bay Nha Trang cũ
Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, Thanh tra Bộ Quốc phòng thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất quốc phòng sử dụng với mục đích kinh tế và việc sắp xếp, chuyển giao hơn 21 ha đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang cũ và trường sĩ quan Không quân cho địa phương quản lý, sử dụng. Trong đó, có phần đất Công ty TNHH Tân Thành và Công ty CP Nam Khánh đang chiếm giữ trái phép.
Trường Sĩ quan Không quân đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND TP Nha Trang chuẩn bị các tài liệu để phối hợp xử lý việc chiếm giữ đất quốc phòng của Công ty TNHH Tân Thành và Công ty CP Nam Khánh.
Trước đó, Tiền Phong cũng có bài phản ánh khu đất quốc phòng hơn 6.000m2 nằm ở phía Đông sân bay Nha Trang cũ đã bị Công ty TNHH Tân Thành và Công ty CP Nam Khánh ngang nhiên chiếm dụng, xây dựng trái phép trong nhiều năm qua. Đơn vị chủ quản khu đất này là Trường Sĩ quan Không quân (đóng tại TP Nha Trang, trực thuộc Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân) không thu hồi được, liên tục phải “cầu cứu” UBND tỉnh Khánh Hòa.
Điều chỉnh quy hoạch dự án Shiki Hải Lĩnh Park 1.400 tỉ đồng của Nghi Sơn Việt Nam ở Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Shiki Hải Lĩnh Park phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn (Shiki Hải Lĩnh Park).
Theo đó, dự án này có quy mô khoảng 17,66ha, với diện tích đất dịch vụ du lịch là 8,6ha (chiếm tỉ lệ 48,8%), còn lại là đất quảng trường, đất công viên cây xanh, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Đây là khu du lịch ven biển với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình phục vụ bao gồm các khách sạn ven biển và các khu resort, thể thao, nghỉ dưỡng… Dự báo đáp ứng khách du lịch khoảng 18.000 lượt khách/năm.
dự án Shiki Hải Lĩnh Park ban đầu có tên gọi là Khu nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa (sau đó đổi thành Khu du lịch Tiên Sa), được chấp thuận chủ trương lần đầu vào tháng 9/2017 với tổng vốn đầu tư 360 tỉ đồng.
Theo đó, dự án này được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khởi công và hoàn thành từ quý 1/2018 – quý 1/2019. Giai đoạn 2 khởi công và xây dựng từ quý 3/2019 – quý 3/2020.
Đến cuối năm 2021, dự án tiếp tục được điều chỉnh tiến độ thực hiện. Theo đó, giai đoạn 1 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2022 – 4/2024 và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5/2024. Giai đoạn 2 khởi công xây dựng từ tháng 6/2024 – 6/2025 và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2025.
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ 4 do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 7/4/2022, tổng vốn đầu tư của dự án Shiki Hải Lĩnh Park đã được nâng lên mức 1.453,5 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 (diện tích xin thuê khoảng 15ha), bao gồm các hạng mục công trình: Đất du lịch nghỉ dưỡng cao tầng khoảng 1.551 m2, 2 công trình khách sạn 5 sao (mật độ tối đa 60%, tầng cao tối đa 12 tầng); đất khách sạn mini khoảng 2.943 m2, khoảng 24 căn minihotel (mật độ tối đa 90%, tầng cao tối đa 7 tầng); đất nghỉ dưỡng thấp tầng khoảng 60.000 m2, khoảng 250 căn Village (mật độ tối đa 55%, tầng cao tối đa 4 tầng); đất công trình dịch vụ khác khoảng 3.332 m2 (mật độ tối đa 40%, tầng cao tối đa 3 tầng); đất cây xanh, vườn hoa và đất công trình hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, đường giao thông… khoảng 87.174 m2.
Giai đoạn 2 (diện tích xin thuê khoảng 26.559 m2), để đầu tư xây dựng các công trình còn lại: Đất khách sạn mini khoảng 3.922 m2, khoảng 29 căn minihotel (mật độ tối đa 90%, tầng cao tối đa 7 tầng); đất nghỉ dưỡng thấp tầng khoảng 13.854,83 m2, khoảng 101 căn Village (mật độ tối đa 70%, tầng cao tối đa 4 tầng); đất cây xanh, vườn hoa và đất công trình hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, đường giao thông… khoảng 8.782,17 m2.
Giá đất nền ven Hà Nội giờ ra sao?
Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, đất nền có mức độ quan tâm giảm nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tiếp tục tăng.
Theo đó, những điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm đều rơi vào thực trạng này. Dẫn chứng như đất nền Thạch Thất giá rao bán tăng 17% nhưng mối quan tâm của người tìm kiếm giảm 2% so với năm 2021.
Tương tự, đất nền Quốc Oai giá tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Cụ thể, đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Tình trạng sụt giảm nhu cầu tìm kiếm không chỉ diễn ra với đất nền mà còn diễn ra với phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố Hà Nội.
Trong đó, nhà riêng có mức độ quan tâm giảm đều ở các quận huyện như quận Tây Hồ giảm 24%, quận Hoàn Kiếm giảm 28%, quận Long Biên giảm 25%, huyện Gia Lâm giảm 23%, quận Đống Đa giảm 11%, quận Hai Bà Trưng giảm 15%.
Với phân khúc nhà phố, các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên đều ghi nhận mức sụt giảm về mối quan tâm lần lượt là 33%, 1%, 56% và 5%.
Đáng nói, theo batdongsan.com, dù nhu cầu thị trường giảm nhưng giá rao bán nhà riêng tăng đều ở các quận huyện trong khi giá rao bán nhà phố tăng nhiều hơn ở khu ngoài trung tâm.
Biến động mặt bằng giá rao bán trung bình nhà riêng tại Hà Nội quý 2/2022 so với quý 2/2021 ở quận Tây Hồ tăng 15%, quận Hoàn Kiếm tăng 13%, quận Cầu Giấy tăng 15%, quận Long Biên tăng 14%, quận Hà Đông tăng 15%, quận Hai Bà Trưng tăng 18%.
Cùng biên độ thời gian, biến động mặt bằng giá rao bán trung bình nhà phố tại Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, trong đó quận Tây Hồ tăng 15%, quận Cầu Giấy tăng 14%, quận Hà Đông tăng 19%, quận Long Biên tăng 18%, quận Hoàn Kiếm tăng 4%, quận Hai Bà Trưng tăng 2%.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, nhìn chung mức độ quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều phân khúc, nhiều thị trường trong quý II năm nay. Bất chấp thực tế đó, giá bán vẫn đồng loạt tăng cao. Ông Quốc Anh cho rằng, trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm.