Tin bất động sản hôm nay: Những trường hợp nào giá đất được trừ để tính thuế GTGT từ ngày 12/9?

Những trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT từ ngày 12/9; Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3 từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2; Sóc Trăng ngăn chặn hoạt động mua bán đất không đúng quy định pháp luật; Hà Nội công bố quy hoạch ba khu dân cư hơn 200 ha tại huyện Đông Anh; Sơn la muốn muốn xây thêm sân bay Mộc Châu 6.500 tỷ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 12/9.

Từ 12/9, trường hợp nào giá đất được trừ để tính thuế GTGT?

Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.  

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.

Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau:

1- Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

2- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.

3- Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT là tiền thuê đất phải nộp ngân sách Nhà nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng nêu trên là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp (quy định mới). (Bỏ quy định “không bao gồm tiền thuê đất được miễn, giảm”).

4- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng (quy định trước đây bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng).

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có).

(Trước đây quy định cơ sở kinh doanh không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng đã tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế GTGT)

Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng...

Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

5- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Nếu giá chuyển nhượng thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng...

6- Trường hợp cơ sở kinh doanh Bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT.

Hà Nội: Công bố quy hoạch ba khu dân cư hơn 200 ha tại huyện Đông Anh

Mới đây, Phòng quản lý đô thị huyện Đông Anh, UBND xã Nam Hồng tổ chức hội nghị công bố, công khai và thông qua ba quyết định phê duyệt quy hoạch  chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư thôn Đoài, khu vực dân cư thôn Tằng My và khu vực dân cư thôn Vệ, thôn Đìa, thuộc xã Nam Hồng.

Theo đó, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư thôn Đoài có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 37,11 ha, quy mô dân số khoảng 4.600 người.

Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư thôn Tằng My, xã Nam Hồng quy mô 65,11 ha, dân số khoảng 2.700 người.

Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư thôn Vệ, thôn Đìa có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 106,8 ha dân số khoảng 14.112 người.

Tại ba khu vực sẽ hình thành điểm dân cư đô thị hóa trên nguyên tắc bảo tồn tối đa cấu trúc không gian làng truyền thống.

Ngoài ra, mục tiêu ba đồ án nhằm đề xuất giải pháp khai thác có hiệu quả quỹ đất hiện có để bổ sung các thiết chế văn hóa, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; bảo tồn các công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo có giá trị; khai thác quỹ đất để phục vụ mục đích giãn dân, tái định cư tại chỗ và đấu giá tạo nguồn lực cho địa phương;...

Các chức năng sử dụng đất  trong khu vực nghiên cứu bao gồm: Đất công cộng đơn vị ở, đất cây xanh đơn vị ở, đất trường mầm non, trường THCS, trường Tiểu học, đất cơ quan, đất nhóm nhà ở xây dựng mới, đất nhóm nhà ở hiện có, đất bãi đỗ xe, đất di tích tôn giáo tín ngưỡng và đất đường giao thông.

Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3 từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2

Hôm qua, ngày 11/9, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Trong đó, xuyên suốt chương trình là những thông tin xoay quanh việc BTHTTĐC cho dự án đường vành đai 3.

Theo đó, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT đã có những thông tin giá đất, thời hạn bàn giao ranh mốc, thời gian thực hiện BTHTTĐC đối với các loại đất, thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án.

Cụ thể, về giá đất để tính bồi thường đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở tại dự án đường Vành đai 3 sẽ nằm trong khoảng từ hơn 18 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2.

Đối với đất nông nghiệp (chiếm tới 90% diện tích dự án Vành đai 3) thì có hai loại: đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 - 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,5 triệu đồng/m2.

Theo ông Trực, giá để bồi thường nêu trên tùy vào từng từng địa phương và từng vị trí cụ thể. "Đây mới chỉ là giá tạm tính để TP Thủ Đức và các huyện lập phương án BTHTTĐC, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất. Hiện nay, các địa phương đang thuê đơn vị tư vấn để xác định giá bồi thường cụ thể trình TP xem xét", ông Trực nói.

Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc bồi thường dự án Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-12-2022. Tháng 4-2022 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 5-2023 (khoảng 300ha).

Tháng 7-2023 các địa phương sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước 30-12-2023 (khoảng hơn 400ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây lắp vào năm 2024.

Về vấn đề tái định cư, ông Trực cho biết, hiện nay TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho dự án. Riêng Hóc Môn và Củ Chi đang phối hợp với các sở ngành để lên phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho dân.

Sóc Trăng ngăn chặn hoạt động mua bán đất không đúng quy định pháp luật

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm soát về việc tăng giá đất và hoạt động môi giới trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, các cơ quan, đơn vị ở Sóc Trăng chưa kiểm soát, xử lý chặt chẽ tình trạng một số tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản lợi dụng việc quy hoạch công trình, dự án hoặc tự ý đăng tải thông tin đồn thổi trên các trang mạng xã hội nhằm đẩy giá lên cao, tạo ra giá đất ảo...

Ngoài ra, chưa kiểm tra chặt chẽ chứng chỉ, điều kiện hành nghề môi giới bất động sản, để xảy ra tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào việc đầu cơ đất đai, đón đầu quy hoạch, môi giới bất động sản; tình trạng phân lô, bán nền khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định...

Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu các văn bản về chấn chỉnh tình trạng tăng giá đất trên địa bàn tỉnh.

Quán triệt, thông báo và yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động môi giới bất động sản, đăng thông tin rao bán bất động trên các trang mạng xã hội chưa đúng quy định pháp luật; cung cấp thông tin quy hoạch công trình, dự án không đúng sự thật, làm thổi phồng giá đất hoặc làm giá đất biến động tăng cao.

Đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại những vị trí nắm bắt thông tin quy hoạch hoặc trực tiếp tham gia vào quy trình thực hiện quy hoạch công trình, dự án không sử dụng thông tin quy hoạch vì mục đích vụ lợi, không nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất đai, hưởng lợi.

Xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chấp hành các nội dung nêu trên.

Sơn La muốn xây thêm sân bay Mộc Châu 6.500 tỷ đồng

UBND tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký khẳng định: Việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo tỉnh này, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú) về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 23,2%/năm (tỷ lệ khách quốc tế là 31,84%; khách du lịch nội địa là 22,91%).

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (bao gồm 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ) nằm ở vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc, cũng như cả nước.

Với tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với sự hình thành và phát triển Khu công nghiệp Vân Hồ, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhà máy chế biến sữa Vinamilk trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ có tác động tích cực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.

Với vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế nêu trên và qua thống kê khảo sát cho thấy dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, trọng tâm là khách du lịch bằng đường hàng không trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và vùng phụ cận sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.

Dự kiến tổng mức đầu tư CHK Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...).

Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT, lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí của CHK Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.

Trước đó, hồi giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống