Tin bất động sản hôm nay ngày 9/9: Tập đoàn của Malaysia đề xuất làm khu đô thị công nghiệp 2.600 ha ở Long An
Tập đoàn của Malaysia đề xuất làm khu đô thị công nghiệp 2.600 ha ở Long An; Nhiều sai phạm tại dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại ở Thanh Hóa; Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của Quỹ phát triển đất; Stavian Địa ốc muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực 1.000 ha thuộc khu du lịch ven biển phía Nam; Kiến nghị chấm dứt, thanh lý hợp đồng 6 gói thầu do chậm tiến độ tại dự án Sân bay Long Thành là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 9/9.
Tập đoàn của Malaysia đề xuất làm khu đô thị công nghiệp 2.600 ha ở Long An
Tập đoàn ParkCity Property Holdings (Malaysia) vừa có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Long An, đề xuất ý tưởng quy hoạch một phần khu phức hợp đô thị và công nghiệp tại phía bắc huyện Bến Lức. Diện tích dự án khoảng 2.600 ha.
Chủ tịch Tập đoàn ParkCity Property Holdings, ông Datuk Seri Yaw Chee Siew cho biết, với vị trí địa lý giao thông thuận lợi kết nối TP HCM, đơn vị mong muốn quy hoạch tạo ra tổ hợp phát triển bền vững lâu dài.
Ý tưởng đề xuất cho khu phức hợp mang tính cộng đồng như hệ thống sân golf 36 lỗ phục vụ nhiều đối tượng; khu đô thị đại học; khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái liên kết với phát triển đô thị sinh thái; khu đô thị đồng bộ phục vụ mọi đối tượng. Đồng thời, khu đô thị kết hợp với khu công nghiệp tạo thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
ParkCity Property Holdings có trụ sở tại Malaysia và đầu tư tại nhiều nước, nhiều khu vực trong lĩnh vực phát triển bất động sản, dịch vụ thương mại, giáo dục…
Tại Việt Nam, tập đoàn này cũng đã đầu tư khu đô thị ParkCity Hà Đông, TP Hà Nội, diện tích 77 ha.
Nhiều sai phạm tại dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại ở Thanh Hóa
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận và yêu cầu xử lý nhiều sai phạm tại dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Xây dựng – Phát triển nhà 379.
Dự án nhà ở xã hội phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Thương mại – Xây dựng 379 (sau này là Công ty CP Xây dựng – Phát triển nhà 379).
Quy mô xây dựng khối nhà chung cư cao 20 tầng, khu nhà ở thương mại chia lô, nhà ở tái định cư, nhà để xe, cây xanh, vườn hoa, sân chơi, các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, vỉa hè… Tổng số nhà ở khoảng 569 căn, trong đó nhà ở xã hội chung cư khoảng 532 căn, nhà liền kề thương mại 30 căn, nhà ở tái định cư 07 căn.
Theo kết luận Thanh tra, về quy mô xây dựng, theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại quyết định số 668/QĐ UBND ngày 07/3/2011 của UBND tỉnh, khu đất trên là đất cây xanh - thể dục thể thao. Sở Xây dựng thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 nhưng không căn cứ vào quy hoạch phân khu 1/2000 đã được phê duyệt, là không đúng theo quy định.
Công ty CP Thương mại - Xây dựng 379 khi lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình Sở Xây dựng thẩm định không xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung.
UBND TP Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 với nội dung dự án được thiết kế nhà xe riêng biệt, là không phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 27/7/2017.
Ngoài ra, hệ tọa độ các mốc giới hạn xây dựng dự án (từ A1 đến A10) được phê duyệt trên tổng mặt bằng (quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500), không phù hợp với tọa độ các mốc khi giao đất ngoài thực tế.
Đội kiểm tra quy tắc đô thị TP Thanh Hóa ngày 14/7/2021 đã phát hiện mốc A1 dịch ra phía vỉa hè (đường Đông Hương 9) khoảng 45cm nên đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công hạng mục LK1 để xác định lại vị trí mốc A1.
Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của Quỹ phát triển đất
Để các địa phương cập nhật quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn được cấp, Bộ Tài chính vừa có các Công văn số 4507/BTC-QLCS và số 8114/BTC-QLCS gửi UBND các tỉnh, thành hướng dẫn về hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương.
Không sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để trích lập Quỹ
Theo quy định tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ thì hằng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trích từ 30% đến 50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, thành phố (sau khi trừ các khoản chi để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có liên quan khác) để thành lập Quỹ phát triển đất.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có sự thay đổi; theo đó, không sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất. Việc sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách nhà nước) để hỗ trợ vốn điều lệ, cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát thực tế việc hỗ trợ vốn điều lệ, cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất; nếu việc thực hiện đã triển khai theo đúng các quy định nêu trên thì báo cáo UBND tỉnh, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện; nếu chưa phù hợp thì báo cáo cấp có thẩm quyền của tỉnh, thành phố để điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định hiện hành.
Không sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ để chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Theo Bộ Tài chính, tại Điều 111 Luật Đất đai năm 2013, Điều 6 Nghị định số 43/2014/NĐCP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định các nội dung ứng vốn của Quỹ phát triển đất; trong đó đối với nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì Quỹ phát triển đất chỉ được ứng vốn cho tổ chức được nhận vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không sử dụng Quỹ phát triển đất để trực tiếp chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chỉ được thực hiện ứng vốn theo quy định.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát thực tế việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ phát triển đất; nếu việc thực hiện đã triển khai theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành thì báo cáo UBND tỉnh, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện; nếu chưa phù hợp thì báo cáo cấp có thẩm quyền của tỉnh, thành phố để điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định hiện hành.
Không sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả vốn ứng từ Quỹ phát triển đất
Theo quy định tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ thì vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch sau đó đấu giá quyền sử dụng đất được hoàn trả từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có sự thay đổi; theo đó, toàn bộ số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phải được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; không được sử dụng trực tiếp nguồn thu này để hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Việc hoàn trả vốn ứng (chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch) cho Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao).
Cũng theo Bộ Tài chính, nguồn vốn của Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước cấp, hỗ trợ hoặc thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; các khoản thu không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng.
Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát các khoản chi hoạt động bộ máy của Quỹ phát triển đất theo cơ chế tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách (nếu có); không bao gồm các nội dung chi ứng vốn và hoàn trả vốn ứng của Quỹ phát triển đất.
Stavian Địa ốc muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực 1.000 ha thuộc khu du lịch ven biển phía Nam
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận phát đi Thông báo số 2923/TB-SXD gửi Công ty Cổ phần Stavian Địa ốc về việc mời quan tâm tài trợ ý tưởng lập quy hoạch phân khu xây dựng khu vực số 9 thuộc quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh.
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết vừa nhận được phiếu chuyển số 953/PC-VPUB ngày 6/9/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về việc chuyển văn bản số 76/SLCPTDA của Công ty Cổ phần Stavian Địa ốc.
Qua xem xét, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận hoan nghênh tinh thần tích cực mong muốn đóng góp ý tưởng của Công ty góp phần tìm kiếm, lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu để làm cơ sở triển khai lập đồ án quy hoạch.
Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Cổ phần Stavian Địa ốc căn cứ các nội dung yêu cầu ý tưởng đồ án khu vực số 9 được nêu tại Thông báo số 2733/TB-SXD ngày 22/8/2022 để triển khai lập ý tưởng quy hoạch gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp chậm nhất ngày 30/9/2022.
Trong đó, đề nghị Công ty gửi kèm cam kết việc tài trợ ý tưởng quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện và cơ quan quản lý nhà nước toàn quyền sử dụng phương án ý tưởng do đơn vị tài trợ.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã phát đi Thông báo số 2733/TB-SXD về việc mời quan tâm tài trợ ý tưởng lập quy hoạch phân khu xây dựng khu vực số 9 thuộc quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh.
Theo đó, văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận được gởi đến hàng loạt doanh nghiệp có tên tuổi lớn, như Tập đoàn Hưng Thịnh, FLC, Sovico, Công ty cổ phần Bất động sản Bim,… để mời tham gia tài trợ ý tưởng lập quy hoạch.
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm tìm kiếm, lựa chọn phương án ý tưởng quy hoạch tối ưu để làm cơ sở triển khai lập đồ án quy hoạch, Sở Xây dựng thông báo đến các đơn vị được biết và tham gia nghiên cứu, tài trợ ý tưởng quy hoạch phân khu xây dựng khu vực số 9 thuộc quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh.
Cụ thể, khu vực lập quy hoạch có diện tích 1.079 ha, thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Tính chất khu vực lập quy hoạch xác định đây là khu vực phát triển dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái đặc thù và dịch vụ thể dục thể thao gắn với các khu vực du lịch cộng đồng, khu năng lượng tái tạo hiện trạng.
Cùng với đó là kết hợp hình thành khu đô thị du lịch ven biển với các chức năng ở sinh thái, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó là phát triển khu vực ven biển tại xã Phước Dinh thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao với nhiều hình thái nghỉ dưỡng khác nhau,…
Kiến nghị chấm dứt, thanh lý hợp đồng 6 gói thầu do chậm tiến độ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép chấm dứt, thanh lý hợp đồng đối với 6 gói thầu xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn phục vụ Dự án sân bay Long Thành. Nguyên nhân do các gói thầu chậm tiến độ trong thời gian dài.
Cụ thể, Đồng Nai đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai làm việc cụ thể với các nhà thầu, sau đó báo cáo tỉnh hướng xử lý. Nếu nhà thầu đưa ra cam kết có tính khả thi về thời hạn hoàn thành các gói thầu thì tiếp tục cho thực hiện hợp đồng. Nếu cam kết thiếu khả thi thì cương quyết cắt hợp đồng. Trường hợp cắt hợp đồng với các nhà thầu do thi công chậm tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm cấm các đơn vị này không được tham gia bất cứ gói thầu nào trên địa bàn Đồng Nai từ nay về sau.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280 ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai làm chủ đầu tư. Tại khu tái định cư có 11 công trình (gói thầu) xã hội gồm: 8 trường học (từ mầm non đến Trung học cơ sở),1 chợ, 1 trung tâm văn hóa và 1 trụ sở UBND xã.
Trong năm 2021, các công trình này lần lượt được khởi công, song đến nay, chỉ có 2 công trình (trường mầm non và trụ sở UBND xã) đã hoàn thành; 3 công trình khác thi công đạt hơn 80% khối lượng. Còn 6 gói thầu còn lại mới chỉ hoàn thành khoảng 15% phần việc. Đây là những gói thầu mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đề nghị tỉnh chấm dứt, thanh lý hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các gói thầu chậm tiến độ một phần vì dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do các nhà thầu triển khai thi công nhỏ giọt, không bố trí đủ nguồn lực, thiếu hợp tác cùng ngành chức năng. Với tình trạng như hiện nay, 6 công trình này khó có khả năng hoàn thành.