Tin bất động sản hôm nay ngày 11/9: Thanh Hoá tìm chủ cho khu dân cư phía Nam QL10 tại huyện Hậu Lộc

Thanh Hoá tìm chủ cho khu dân cư phía Nam QL10 tại huyện Hậu Lộc; Nhiều ông lớn bất động sản tìm về Bình Phước đầu tư dự án; Buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền; Phạt 110 triệu chủ đầu tư tự ý xây thêm tầng hầm tại dự án nhà ở xã hội; Bỏ cọc hàng loạt lô đất “vàng” ven biển là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày11/9.

Thanh Hoá tìm chủ cho khu dân cư phía Nam QL10 tại huyện Hậu Lộc

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hoá thông báo tìm chủ cho dự ánKhu dân cư mới phía Nam đường Quốc lộ 10, xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc.

Dự án có diện tích 11,3 ha với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 192,4 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án; công trình hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, bãi đỗ xe, công viên cây xanh - thể dục thể thao; công trình trung tâm thương mại; đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 15 căn nhà.

Thời hạn hoạt động của dự án trong 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất).

Tiến độ đầu tư dự án không quá ba năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.

Nhà đầu tư được lựa chọn phải huy động 100% nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định. Vốn đầu tư của dự án nêu trên chỉ là dự kiến, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; không sử dụng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án, việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Khu đất làm dự án chưa giải phóng mặt bằng. Trong đó đất nông nghiệp giao cho các hộ gia đình cá nhân, đất công ích do UBND xã quản lý, đất giao thông, thủy lợi do UBND xã quản lý. Hiện trạng, khu đất đang trồng lúa, trong phạm vi khu đất có mương thủy lợi, mồ mả và đường nội đồng đi qua.

Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng kí thực hiện dự án đến 9h ngày 11/10/2022.

Nhiều ông lớn bất động sản tìm về Bình Phước đầu tư dự án

Là một thị trường mới nổi so với TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… song các chuyên gia đánh giá, Bình Phước đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn về đầu tư địa ốc tại khu vực phía Nam nhờ sở hữu những lợi thế phát triển bền vững.

Nhằm phát huy tối đa những lợi thế để thu hút giới đầu tư công nghiệp và địa ốc đổ về, thời gian vừa qua, Bình Phước tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó chú trọng tới các dự án nâng cấp và xây dựng cao tốc, quốc lộ, đường liên kết vùng. Không chỉ vậy, tỉnh còn đưa ra những thay đổi tích cực trong cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút nguồn vốn và tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong mắt giới đầu tư địa ốc.

Thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” BĐS đã đổ về Bình Phước để tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển nhiều dự án BĐS tầm cỡ. Điển hình như tập đoàn Vingroup, Đất Xanh, HUD, Hoàng Cát Group, Lan Hưng,…

Cụ thể, Tập đoàn Đất Xanh đã công bố thông qua chủ trương đầu tư dự án 200ha tại Bình Phước. Vingroup cũng sự góp mặt tại đây với dự án có quy mô khủng, tổng vốn khoảng 2.500 tỷ đồng. HUD Nha Trang cũng triển khai xây dựng khu đô thị mới tại Đồng Xoài. Cùng đó là loạt dự án Khu đô thị tiềm năng tại trung tâm Chơn Thành và Đồng Phú trong thời gian tới.

Nhiều ông lớn tìm về đầu tư, bất động sản Bình Phước tăng nhiệt.  
Nhiều ông lớn tìm về đầu tư, bất động sản Bình Phước tăng nhiệt.  

Ngoài những “ông lớn” BĐS, các “đại gia” trong ngành công nghiệp cũng đang đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Bình Phước. Trong đó nổi bật là tập đoàn Becamex – một doanh nghiệp hàng đầu trong thúc đẩy công nghiệp, kinh tế tại Bình Dương cũng đã đặt chân tới Bình Phước và triển khai nhiều KCN hàng tỷ USD. Điển hình phải kể tới dự án KCN Becamex – Bình Phước có tổng diện tích 4.600ha với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Bình Phước cũng là điểm đến của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới như C.P Thái Lan, Hayat Thổ Nhĩ Kỳ, Samsung,…

Sự xuất hiện của đông đảo các “ông lớn” ngành địa ốc và công nghiệp là minh chứng rõ nét cho sức nóng của thị trường BĐS Bình Phước. Hứa hẹn trong thời gian tới đây, BĐS Bình Phước sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là trong các phân khúc BĐS công nghiệp và ven các KCN.

HoREA: Buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền

Trong văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Hiệp hội Bất động sản (HoREA) cho rằng việc bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho những đơn vị này, đồng thời thiếu công bằng với chủ đầu tư.

Theo HoREA yêu cầu bắt buộc giao dịch bất động sản qua các sàn giao dịch trước đây đã được quy định tại Điều 59 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006. Nhưng quy định này đã được bãi bỏ từ Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản có vị trí quan trọng và rất cần thiết trong thị trường bất động sản, giữ vai trò cầu nối để kết nối cung - cầu, kết nối bên bán - bên mua; bên mua - bên bán; bên cho thuê - bên thuê giúp bên mua tìm kiếm được sản phẩm nhà đất phù hợp hoặc giúp bên bán tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, về bản chất sàn giao dịch chỉ là đơn vị làm dịch vụ phục vụ cho bên bán, hoặc phục vụ cho bên mua, hoặc phục vụ cả bên bán và bên mua nhà đất và được trả tiền công là phí dịch vụ.

Hoạt động môi giới, sàn giao dịch bất động sản là hoạt động dịch vụ nên trường hợp cá nhân có nhu cầu tìm kiếm, mua nhà đất thì có thể thuê môi giới hoặc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản; hoặc chủ đầu tư dự án bất động sản nếu có nhu cầu thì có thể thuê môi giới hoặc sàn giao dịch bất động sản để bán sản phẩm của mình và trả phí dịch vụ.

Đồng thời, bản thân người môi giới, sàn giao dịch cũng phải tự chứng minh năng lực và uy tín để được người mua bán nhà, chủ đầu tư lựa chọn thực hiện dịch vụ môi giới, giao dịch nhà đất.

“Nếu bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn thì sàn giao dịch từ chuyên cung cấp dịch vụ cho bên bán và bên mua sẽ trở thành “ông vua” của thị trường bất động sản”, ông Châu lo ngại

Theo Chủ tịch HoREA sàn giao dịch không góp vốn với chủ đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng hay đầu tư xây dựng các công trình trong dự án, nên không thể hưởng đặc quyền bán sản phẩm. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cũng không thể bị tước bỏ quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh đã được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020. Hai bên đều là doanh nghiệp nên cần bình đẳng với nhau.

Ngoài ra, quy định giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải thông qua sàn giao dịch là không hợp lý vì dẫn đến việc sàn giao dịch được đặc lợi khi được hưởng phí dịch vụ bán hàng tối thiểu là 2% trên doanh số bán hàng, thậm chí có không ít trường hợp phí môi giới này cao hơn rất nhiều (có thể đến 7-8% hoặc cao hơn), mà tổng giá trị của thị trường bất động sản lên đến hàng triệu tỷ đồng, chỉ tính mức phí dịch vụ môi giới tối thiểu là 2% thì tổng chi phí môi giới có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Phạt 110 triệu chủ đầu tư tự ý xây thêm tầng hầm tại dự án nhà ở xã hội

UBND TP Thanh Hóa vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 110 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần phát triển AMC Toàn Cầu tự ý xây thêm tầng hầm tại dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, Công ty CP phát triển AMC Toàn Cầu (địa chỉ tại Hà Nội) đã tổ chức thi công tòa nhà số 1, công trình đã thi công tầng hầm kết cấu bê tông cốt thép, chiều cao từ đáy tầng hầm đến sàn mái tầng hầm từ 3,3 đến 4m, diện tích xây dựng là 3.385,5m2.

Giấy phép xây dựng không có tầng hầm, diện tích xây dựng được cấp là 1.485,5m2/nhà.

Mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này là 110 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc Công ty CP phát triển AMC Toàn Cầu dừng thi công công trình.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty CP phát triển AMC Toàn Cầu phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Nếu hết thời hạn trên, phía chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì Công ty CP phát triển AMC Toàn Cầu phải tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm.

Bỏ cọc hàng loạt lô đất “vàng” ven biển

Mới đây, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều khách hàng trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng sau đó bỏ cọc vì lý do không đủ khả năng tài chính.

Đặc biệt, có 50 lô đất nằm ở vị trí “vàng” ven biển, thuộc khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch, được tổ chức bán đấu giá vào ngày 12/3/2022, kết quả có 49 lô được đấu trúng với giá hơn 104 tỉ đồng, nhích hơn giá khởi điểm chỉ 3,2 tỉ đồng nhưng đến nay đã có 12 khách hàng với 12 lô đấu trúng đã bỏ cọc.

Hiện, UBND huyện Vĩnh đã ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá QSDĐ đối với 12 lô đất này, lý do người trúng đấu giá từ chối và không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Tìm hiểu được biết, từ cuối năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tình trạng bỏ cọc sau trúng đấu giá khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất hiện tình trạng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm để tạo “sốt đất” nhằm đẩy giá đất quanh khu vực đấu giá để thu lợi, sau đó đồng loạt từ chối và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định đối với những lô đất đã đấu trúng.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống