Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm tra vi phạm về phân lô, bán nền

Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm tra vi phạm về phân lô, bán nền; Đà Lạt đề xuất loạt dự án lớn cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; Bất động sản Phát Đạt muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực hơn 3.600 ha tại Quảng Ngãi; Thanh Hóa điều chỉnh tiến độ hàng loạt cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha; Lâm Đồng chưa chấp thuận xây dựng Dự án tổ hợp sân Golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar; Nhơn Trạch (Đồng Nai) kiến nghị thu hồi 27 dự án chậm tiến độ là những thông tin nổi bật tuần qua.

Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm tra vi phạm về phân lô, bán nền

UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Công văn gửi tới nhiều sở ngành, các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Rà soát, tham mưu UBND ban hành đầy đủ văn bản theo thẩm quyền để thực hiện các quy định của Luật Đất đai.

Đẩy mạnh và khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tập trung nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số; Tham mưu cho UBND đảm bảo dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai, trước mắt ưu tiên bố trí cho các hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.

Công văn cũng yêu cầu chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh các tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp Giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết các hồ sơ đã tiếp nhận.

Công văn cũng yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện và trình UBND thành phố phê duyệt, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai đảm bảo các quy định pháp luật có liên quan phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thàn TP Hà Nội.

Đặc biệt, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất, không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng dựng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tổ chức thanh tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Đà Lạt đề xuất loạt dự án lớn cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng

UBND thành phố Đà Lạt vừa phát đi Công văn số 6781/UBND-KT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc thông tin các dự án ngoài ngân sách cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, sau khi rà soát, UBND thành phố Đà Lạt đã cung cấp thông tin về 16 dự án ngoài ngân sách cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, quy hoạch phân khu khu đô thị Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp, quy mô 207 ha tại phường 7 và phường 8; quy hoạch khu vực Triệu Việt Vương – An Bình – Đống Đa (khu D2) quy mô 72 ha nằm trên địa bàn phường 3; quy hoạch khu dân cư – tái định cư 5B quy mô 87,87 ha, nằm trên địa bàn phường 3 và phường 4; quy hoạch đô thị phía Đông quy mô 530 ha tại phường 9, phường 11 và phường 12.

Bên cạnh đó còn có, quy hoạch khu dân cư mới Cam Ly quy mô 49,88 ha tại phường 5; quy hoạch khu di tích cảnh quan hồ Mê Linh tại phường 9; quy hoạch xây dựng khu chức năng + tuyến đường cảnh quan sinh thái Prenn – Xuân Thọ quy mô 2.189 ha tại phường 10, phường 11 và xã Xuân Thọ; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 diện tích 625 ha tại phường 7 và phường 8; quy hoạch tại khu vực phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ quy mô 1.211 ha; quy hoạch phân khu dọc tuyến đường vành đai (khu vực 1) quy mô 250 ha; quy hoạch phân khu dọc tuyến đường vành đai (khu vực 2) quy mô 150 ha.

Ngoài ra còn có quy hoạch phân khu khu vực Đất Mới quy mô 126 ha tại phường 7; quy hoạch phân khu khu vực đường Đankia quy mô 145 ha; quy hoạch phân khu khu vực Cam Ly – Măng Linh quy mô 84 ha; quy hoạch phân khu khu vực quốc lộ 20 – Lâm Văn Thạnh quy mô 39,23 ha; quy hoạch phân khu khu vực Quảng Thừa quy mô 35,21 ha.

Bất động sản Phát Đạt muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực hơn 3.600 ha tại Quảng Ngãi

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi Công văn số 2142/SXD-QHKT gửi UBND tỉnh về việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt có văn bản đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh với quy mô 3.687 ha.

Việc tài trợ kinh phí là hoàn toàn tự nguyện, không kèm bất kỳ điều kiện gì và Công ty Phát Đạt không yêu cầu hoàn lại kinh phí dưới mọi hình thức.

Trên cơ sở danh mục mời gọi tài trợ lập quy hoạch phân khu cho các khu chức năng dọc đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, để có cơ sở tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt được tài trợ kinh phí để phục vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh với quy mô 3.687 ha.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với phân khu II (phân khu trung tâm) thuộc quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Trước đó, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Quyết định số 994/QĐ-UBND phê duyệt danh mục mời gọi tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu cho các khu chức năng dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi mời tài trợ 7 quy hoạch phân khu quy mô 7.699ha. Trong đó, phân khu có diện tích nhỏ nhất là 587ha và phân khu có diện tích lớn nhất là 1.960ha.

Bảy phân khu này có tính chất, chức năng là khu vực du lịch - dịch vụ - đô thị và nông lâm nghiệp ven biển. Trong đó phát triển du lịch là chức năng chủ đạo, làm động lực thúc đẩy và phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến ven biển, góp phần tạo động lực phát triển cho khu vực ven biển phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

UBND tỉnh Quảng Ngãi quy định, việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được thực hiện theo đúng quy định quy định của pháp luật; đơn vị tài trợ kinh phí lập quy hoạch không được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Thanh Hóa điều chỉnh tiến độ hàng loạt cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3394/QĐ-UBND và Quyết định số 3395/QĐ-UBND điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà và Cụm công nghiệp Phúc Thịnh.

Theo đó, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và xây dựng 36 làm chủ đầu tư (theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 30/8/2018 của UBND tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Phối cảnh Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà.  
Phối cảnh Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà.  

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu đất 15,98ha, tháng 3/2022: Hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, đền bù GPMB, thuê đất giai đoạn 1; tháng 4/2022: San lấp mặt bằng và xây dựng các công trình phụ trợ; tháng 8/2022: Triển khai xây dựng các công trình chính của dự án.

Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu đất còn lại 1,66ha. Trước tháng 10/2022: Bố trí vốn nộp HĐ GPMB huyện để đền bù, GPMB phần diện tích còn lại... Từ tháng 10/2023: Nghiệm thu, hoàn thành toàn bộ dự án đi vào hoạt động.

Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) do Công ty Cổ phần 1268 làm chủ đầu tư (theo Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 5/4/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, GPMB, giao đất giai đoạn 1 dự án trước ngày 30/6/2023. Khởi công xây dựng giai đoạn 1 chậm nhất tháng 7/2023. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 1 (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp) trước tháng 9/2024.

Giai đoạn 2: Hoàn thành công tác GPMB, giao đất giai đoạn 2 (diện tích còn lại dự án) trước ngày 31/12/2024... Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp toàn bộ dự án (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp) trước tháng 3/2025.

Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn vừa ký quyết định số 3042 về việc Phê duyệt danh mục dự án khu đô thị, khu dân cư cần thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Ngạn. Theo đó, Bắc Giang kêu gọi thu hút đầu tư cho 13 dự án, tổng quy mô 427,16ha.

Cụ thể, huyện Tân Yên có 2 dự án, quy mô 17.71ha bao gồm: Khu dân cư Đồng Điều, xã Tân Trung, huyện Tân Yên; Khu dân cư Đình Tế - Đồng Đình, thôn Ngo, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên.

Huyện Yên Thế có 2 dự án, quy mô 14.80ha, bao gồm: Khu dân cư Trung tâm cụm xã Mỏ Trạng, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế; Khu dân cư phía Nam xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế.

Huyện Lục Nam có 3 dự án, quy mô 58.85ha, bao gồm: Khu đô thị xã Chu Điện giai đoạn 1, huyện Lục Nam; Khu dân cư số 5, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam; Khu dân cư số 3 xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam

Huyện Yên Dũng có 4 dự án, quy mô 259.09ha, bao gồm: Khu đô thị số 15 và dải cây xanh mặt nước thuộc Quy hoạch phân khu số 2, thành phố Bắc Giang; Khu 2, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang; Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn và xã Tân Liễu, Tiền Phong, huyện Yên Dũng; Khu đô thị số 5, thị trấn Tân An, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng

Huyện Lạng Giang có 1 dự án, quy mô 5.77, đó là Khu số 3 thuộc Khu dân cư trung tâm xã An Hà, huyện Lạng Giang

Huyện Lục Ngạn có 1 dự án, quy mô 70.94, đó là Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn.

Lâm Đồng chưa chấp thuận xây dựng Dự án tổ hợp sân Golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo trình UBND tỉnh kết quả thẩm định về đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp sân gôn và du lịch nghỉ dưỡng của CTCP Golden City.

Dự án thuộc trị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar huyện Lạc Dương. Tổng diện tích đất thực hiện khoảng 90,29 ha, trong đó 40,54 ha đất thuộc thị trấn Lạc Dương, 49,75 ha đất thuộc xã Đạ Sar. Khu sân golf chiếm 71,6 ha, gồm khu đất xây dựng hố golf (58,3ha), khu sân tập đánh golf (3,6 ha), khu nhà điều hành (1,2 ha), khu phụ trợ dịch vụ nghỉ dưỡng (1,5 ha), đất hạ tầng kỹ thuật (0,7 ha)…

Khu nghỉ dưỡng chiếm khoảng 18,6 ha, bao gồm đất biệt thự nghỉ dưỡng (6,7 ha), khu đất giao thông (5,3 ha), khu cây xanh (5,1 ha), khách sạn (0, 9 ha), khu hạ tầng kỹ thuật (0,6 ha).

Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.594,5 tỷ đồng, trong đó 389,1 tỷ đồng là vốn của chủ đầu tư, 2.205,3 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự tính khoảng 373,4 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ quý IV/2022 đến hết quý IV/2028, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Lâm Đồng chưa chấp thuận xây dựng Dự án tổ hợp sân Golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar.  
Lâm Đồng chưa chấp thuận xây dựng Dự án tổ hợp sân Golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar.  

Theo ý kiến của Sở, CTCP Golden City không có tài liệu chứng mình khả năng huy động vốn theo đề xuất của công ty, không nêu phương pháp xác định chi phí đền bù, các chi phí tư vấn, lập, thẩm định. Đồng thời dự án không phù hợp với quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2023, và không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar. Do vậy, Sở đề nghị UBND tỉnh chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tự dự án này của chủ đầu tư.

Thông tin về doanh nghiệp, Golden City được thành lập năm 2007 tại TP Vinh, Nghệ An, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Ông Hồ Văn Giang là Người đại diện pháp luật.

Qua xem xét hồ sơ có liên quan, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo quy định, Công ty CP Golden City phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng với vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án khoảng 389 tỷ đồng.

Theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư ngày 8/8/2022, công ty đề xuất nguồn vốn đầu tư từ vốn huy động khoảng 2.205,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ nhận được không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn theo để xuất của công ty, do đó, Sở Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến.

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở KH&ĐT yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ chứng minh gồm ít nhất một trong các tài liệu như: Văn bản cam kết cho vay, cấp tín dụng, cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng… Trong đó, yêu cầu các văn bản phải có nội dung ghi rõ cam kết hoặc chấp thuận cấp tín dụng cho công ty để thực hiện dự án.

Nhơn Trạch (Đồng Nai) kiến nghị thu hồi 27 dự án chậm tiến độ

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Nhơn Trạch được định hướng trở thành đô thị.

Số liệu thống kê của UBND huyện Nhơn Trạch cho thấy hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng cộng 129 dự án đầu tư (chưa tính các dự án hoạt động ổn định trước năm 2014).

Trong đó có nhiều dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các quy hoạch và quá trình phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Nhơn Trạch đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng các dự án đầu tư trên địa bàn và kiến nghị UBND tỉnh thực hiện thu hồi các dự án chậm triển khai.

Cụ thể trong năm 2021, huyện Nhơn Trạch đã kiến nghị UBND thu hồi và xử lý 13 dự án chậm triển khai. Tiếp đó, trong 9 tháng của năm 2022, địa phương tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh thu hồi và xử lý đối với 14 dự án chậm triển khai khác. Hầu hết các dự án chậm triển khai được kiến nghị thu hồi, xử lý là các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, thương mại dịch vụ.

Việc có nhiều dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ chậm triển khai trên địa bàn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút dân cư đến sinh sống tại đô thị mới Nhơn Trạch. Theo định hướng, đến năm 2025, dân số của huyện Nhơn Trạch phải đạt khoảng 460.000 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quy mô dân số của địa phương mới chỉ đạt khoảng 270.000 người.

Từ thực tế trên, thời gian tới, huyện Nhơn Trạch sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để có cơ sở đề xuất các ngành chức năng và UBND tỉnh tiếp tục thu hồi, xử lý các dự án chậm tiến độ. Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ làm việc với các chủ đầu tư các dự án đã triển khai thực hiện nhưng chậm đưa vào khai thác, vận hành.

Trên địa bàn có 3 dự án được triển khai thực hiện từ các năm 2006, 2007, đủ điều kiện phân lô, bán nền nhưng sau một thời gian dài, cho đến nay, các dự án này vẫn chưa đưa vào sử dụng. Những dự án chậm đưa vào sử dụng, hay bị bỏ hoang trong một thời gian dài đã từng khiến Nhơn Trạch được mệnh danh là "thành phố bỏ hoang".

Bảo Châu (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống