Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tập đoàn LEGO chính thức khởi công dự án nhà máy hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương

Tập đoàn LEGO chính thức khởi công dự án nhà máy hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương; Bắc Ninh công khai 52 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán; Hodeco điều chỉnh tiến độ dự án The Light City; Khánh Hòa đề xuất xây dựng Cảng hàng không Vân Phong; VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội; Hải Dương đình chỉ nghiên cứu hàng loạt dự án của Tập đoàn FLC; Quảng Bình thu hồi hơn 63ha “đất vàng” ven biển của Tập đoàn Vĩnh Hưng,…là những thông nổi bật tuần qua.

Tập đoàn LEGO chính thức khởi công dự án nhà máy hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương

Sáng 3/11, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đây nhà máy thứ 6 của Tập đoàn Lego trên toàn cầu, thứ 2 tại châu Á, và là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3/2022, Tập đoàn Lego được tỉnh Bình Dương cấp giấy phép đầu tư dự án nhà máy trên diện tích 44ha, với giá trị đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Tháng 6/2022, Công ty TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam chính thức được thành lập.

Ông Prebel Elnef – Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết, sau 1 năm khảo sát, Tập đoàn đã lựa chọn Khu công nghiệp VSIP 3 tại TX.Tân Uyên. Đây là địa điểm thích hợp để Lego chọn thực hiện dự án đầu tư chiến lược của mình.

Tỉnh Bình Dương cũng cam kết hỗ trợ cho các nhà đầu tư phát triển bền vững. Điều này cho phép Tập đoàn Lego vận hành một nhà máy trung hòa carbon.

Hodeco điều chỉnh tiến độ dự án The Light City

Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) vừa thông báo Quyết định của HĐQT về việc điều chỉnh tiến độ dự án The Light City.

Cụ thể, Hodeco dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phần xây dựng nhà ở công trình tại dự án The Light City, phường 12, thành phố Vũng Tàu.

Dự án The Light City giai đoạn 1 với diện tích hơn 27 ha được phát triển đa dạng các loại hình nhà ở bao gồm 490 nhà liên kế, 213 biệt thự và 1 bock chung cư đi kèm với các tiện ích như trường tiểu học – trung học cơ sở, nhà văn hóa, trung tâm chuẩn đoán y khoa, công viên cây xanh….

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 2.402 tỷ đồng và được khởi công năm 2019. Sau khi hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cơ bản vào tháng 1/2021, Hodeco chính thức khai trương nhà mẫu dự án trong tháng 4/2021.

Phối cảnh dự án The Light City.  
Phối cảnh dự án The Light City.  

Trong báo cáo thường niên năm 2021, công ty cho biết, dự án đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần đất thuộc quyền sở hữu của công ty. Công ty cũng đã thực hiện đóng hơn 545 tỷ tiền sử dụng đất, hoàn thành thi công phần thô và hoàn thiện mặt tiền đến 70% các lô LK7 và 90% đối với liền kế 9. Doanh số bán háng của dự án ước đạt gần 1.600 tỷ đồng.

Trong năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành thi công phần thô và hoàn thiện phần còn lại của các lô liên kế 7,9 và thi công hoàn 02 lô liền kề 4,5. Đưa các công viên vào hoạt động. Hoàn thành thi công san nền và một phần hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2, đảm bảo đủ điều kiện bán thêm 100 căn liền kế (giai đoạn 1) và 71 biệt thự giai đoạn 2. Tiếp tục thỏa thuận với các hộ dân để giải phóng mặt bằng phần còn lại của giai đoạn 1 và khoảng 3,2ha cho giai đoạn 2.

Bắc Ninh công khai 52 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa công bố danh mục các dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai…

Trong đó, có các dự án đáng chú ý gồm: Tòa nhà CT3 tại Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, do Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng là chủ đầu tư; Khu tổ hợp thương mại, văn phòng và căn hộ Vigalcera Ngã 6, TP.Bắc Ninh, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Viglacera là chủ đầu tư; Tòa nhà thương mại, dịch vụ, văn phòng và chung cư để bán tại đường Huyền Quang, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam là chủ đầu tư.

Khu nhà ở Belhomes do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh là chủ đầu tư; Khu nhà ở, thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (phần dự án mà Công ty cổ phần Đệ Tam nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh), do Công ty cổ phần Đệ Tam là chủ đầu tư; Khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ, công nhân viên Khu công nghiệp Yên Phong (lô đất BT10, lô đất BT2, BT3) do Tổng công ty Viglacera – CTCP là chủ đầu tư.

Ngoài ra còn 3 dự án: Khu dân cư Hoa Đất 3 thuộc Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh và Khu dân cư Việt Nhân 3 thuộc Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh cùng tại phường Phù Chẩn, TP.Từ Sơn; Khu đô thị và dịch vụ VSIP bắc Ninh (phần chuyển nhượng) đều do Công ty TNHH Bất động sản Hoa Đất là chủ đầu tư.

Khánh Hòa đề xuất xây dựng Cảng hàng không Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo số 271/BC-UBND về tình hình triển khai và tiến độ thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để có cơ sở xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay của các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch sân bay trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến chấp thuận về việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Vân Phong trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó là báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Cảng hàng không Vân Phong tại Khu kinh tế Vân Phong vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2-2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội

Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) vừa có đề xuất lên Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.

Theo đó, VICEM đưa ra lý do trụ sở đang sử dụng tại 228 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội là toà nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần và lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của VICEM tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông. Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Tổng công ty và các đơn vị thành viên là cần thiết.

Theo VICEM, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có quy mô gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng hơn 78.000m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 2.000 tỷ đồng, sau đó đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành dự án trong 3 năm và được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực.

Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép xây dựng vào năm 2011 thì đến nay dự án này mới hoàn thiện phần thô và hiện trong tình trạng "đắp chiếu", bỏ hoang bên toà nhà Keangnam cạnh đường vành đai 3. Nhiều hạng mục của dự án xây dựng đã xuống cấp, bê tông bong tróc, rêu mốc, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Liên quan đến dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, hồi tháng 7/2020, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Vicem trong việc đầu tư dự án này.

Hải Dương đình chỉ nghiên cứu hàng loạt dự án của Tập đoàn FLC

Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương giao UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá những nội dung đã và đang thực hiện liên quan đến Tập đoàn FLC, từ đó đề ra giải pháp khắc phục.

Trước đó, năm 2018, Tập đoàn FLC đã đề xuất tỉnh Hải Dương cho phép hỗ trợ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tại cù lao Vĩnh Trụ, thuộc địa phận xã Đông. Lạc (TP. Chí Linh). Dự án có quy mô hơn 300 ha, bao gồm: khu nhà ở, khu vui chơi giải trí, công viên.

Dự án sẽ được xây dựng theo mô hình thành phố thông minh với không gian kiến ​​trúc cảnh quan đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý đô thị, giao thông và hạ tầng.

Sau đó, Tập đoàn FLC tiếp tục đề xuất nghiên cứu quy hoạch 4 dự án khác gồm: Khu đô thị (KĐT) du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Bến Tắm (TP. Chí Linh) với quy mô hơn 500 ha; Khu đô thị mới Bắc cầu Hàn (TP Hải Dương) quy mô gần 450ha; Khu đô thị trung tâm TP Hải Dương có quy mô 10 ha và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven sông Thái Bình (TP Hải Dương) quy mô khoảng 1.800 ha.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu tháng 11/2020, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc để các dự án của Tập đoàn FLC khởi công đúng tiến độ. gợi ý.

Thường trực Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Sau đó, các địa phương, sở, ngành của tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Tập đoàn FLC cung cấp hồ sơ, khảo sát, đề xuất ranh giới, định hướng quy hoạch.

Tuy nhiên, Tập đoàn FLC chưa chủ động phối hợp thực hiện, nhất là với việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu phức hợp trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, khách sạn và nhà phố tại trung tâm TP Hải Dương. Doanh nghiệp này cũng chậm thực hiện các thủ tục tiếp theo tại các dự án còn lại trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Hải Dương đã dừng nhận vốn lập dự án khu trung tâm TP Hải Dương.

Tháng 8/2022, UBND thành phố Chí Linh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương làm thủ tục chấm dứt đề nghị nghiên cứu các dự án của Tập đoàn FLC do không đảm bảo tiến độ. như đã cam kết. Đến giữa tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định dừng nhận tài trợ lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh từ Tập đoàn FLC.

Quảng Bình thu hồi hơn 63ha “đất vàng” ven biển của Tập đoàn Vĩnh Hưng

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã ban hành văn bản thu hồi hơn 63ha đất ven biển tại 2 xã Đại Trạch và Trung Trạch, huyện Bố Trạch, từng được giao cho Tập đoàn Vĩnh Hưng. Việc thu hồi nhằm điều chỉnh đúng với Luật Đất đai, phải thông qua đấu giá.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp của Tập đoàn Vĩnh Hưng bao gồm: Khu biệt thự bungalow, khu nhà phố nghỉ dưỡng, khu spa, câu lạc bộ bãi biển, khu vui chơi giải trí, nhà hàng ẩm thực... được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 11/3/2020.

Đến ngày 11/8/2022, tỉnh đã có quyết định số 2175/QĐ-UBND giao cho Tập đoàn Vĩnh Hưng thuê 77ha đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại dịch vụ nhưng không thông qua đấu giá sử dụng đất.

Sau một thời gian rà soát, tỉnh lại ban hành quyết định số 2749/QĐ-UBND ngày 10/10/2022, thu hồi 63,4ha đất ven biển nhằm tránh thất thoát tài sản công.

Trong đó, tại quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình ban hành, có nội dung: Chuyển mục đích sử dụng 671.576,6m2 đất nông nghiệp (đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản) tại xã Đại Trạch và Trung Trạch, huyện Bố Trạch sang đất phi nông nghiệp (đất thương mại, dịch vụ) theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên sau 2 tháng, UBND tỉnh này đã “sửa sai” tại quyết định số 2749/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quyết định số 2175/ QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng thuê đất để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp Vĩnh Hưng tại xã Đại Trạch và Trung Trạch, huyện Bố Trạch (đợt 1).

Chuyển mục đích sử dụng 136.467,7m2 đất nông nghiệp (đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản) tại xã Đại Trạch và Trung Trạch, huyện Bố Trạch sang đất phi nông nghiệp (đất thương mại, dịch vụ) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, thu hồi hơn 63,5ha.

Lý do thu hồi được đưa ra trong quyết định này là diện tích đất có nguồn gốc do UBND xã Đại Trạch, UBND xã Trung Trạch quản lý không thuộc trường hợp UBND tỉnh thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định tại khoản 13, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

CEO Group lại muốn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu

Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HNX: CEO) về việc giới thiệu địa điểm để nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giới thiệu địa điểm để nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trao đổi, làm việc với công ty để hướng dẫn, giải quyết kiến nghị của công ty theo quy định.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị Tập đoàn C.E.O liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện.

Được biết, trước đó Tập đoàn C.E.O cũng đề xuất được khảo sát lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Nam.

Trong văn bản, Tập đoàn C.E.O cho hay doanh nghiệp đang tiến hành nghiên cứu, đầu tư các dự án khu đô thị, dự án khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp tại những địa điểm phù hợp trên địa bàn cả nước; đánh giá cao và mong muốn đầu tư tại Quảng Nam.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống