Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại khu “đất vàng” của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại khu “đất vàng” của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; HoREA đề nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất với dự án 'đắp chiếu'; Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM; 8 KCN mới có tổng diện tích hơn 8.200ha chưa được triển khai tại Đồng Nai; VSIP Group đầu tư dự án khu công nghiệp gần 300ha ở Cần Thơ; Đề xuất xử lý hơn 1.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp “bỏ chạy” trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm; Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp 12.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính;...là những thông tin nổi bật tuần qua.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại khu “đất vàng” của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTTCP) mới có Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (thời kỳ thanh tra 2013-2017).

Theo đó, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (TCT) và các đơn vị thành viên cơ bản đã chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản. Tuy nhiên trong quá trình tố chức thực hiện nhiệm vụ, còn một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót, sai phạm.

Đáng chú ý, trong đầu tư xây dựng, TCT Thuốc lá Việt Nam đã có sai phạm trong việc thực hiện góp vốn Dự án tại 152 Trần Phú, TP.HCM.

Khu đất 152 Trần Phú được coi là đất "vàng", có diện tích lớn, vị trí đẹp tại trung tâm quận 5. Khu đất trước là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (100% vốn thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba). Sau khi nhà máy rời đi thì khu đất được mang ra góp vốn thực hiện dự án thương mại.

Cụ thể, không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp Nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng 30.927,7m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.

Một số dự án đầu tư chậm tiến độ, thủ tục phải phê duyệt điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM

Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) TP.HCM (Ban quản lý) vừa có báo cáo về kết quả hoạt động chín tháng đầu năm và kế hoạch đến cuối năm 2022.

Theo đó, trong chín tháng đầu năm, báo cáo cho biết ở các KCN - KCX TP.HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án (17 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 61,4 triệu USD; 20 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 2.625 tỉ đồng).

Trong chín tháng đầu năm, tại các KCN - KCX TP.HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án.  
Trong chín tháng đầu năm, tại các KCN - KCX TP.HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án.  

Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc với các nhà đầu tư vi phạm về lĩnh vực đầu tư, chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý 15 trường hợp vi phạm, trong đó Sở KH&ĐT đã ban hành quyết định xử phạt hai trường hợp.

Nhằm xây dựng và triển khai Kế hoạch 759 ngày 30-3 về kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCX - KCN, cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra các doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.

Theo đó, trong chín tháng đầu năm, Ban quản lý đã kiểm tra 26 DN. Ban quản lý đang xem xét, lập hồ sơ để chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Ban quản lý cho biết tổng vốn đầu tư thu hút được trong chín tháng đầu năm nay đạt hơn 422 triệu USD (đạt 84,47% kế hoạch), tăng 3,05% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, quỹ đất thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu quỹ đất phục vụ cho thu hút đầu tư do các KCN hiện hữu dần lắp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất với Nhà nước, hoặc chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Đồng Nai: 8 KCN mới có tổng diện tích hơn 8.200ha chưa được triển khai

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai mới đây đã có buổi làm việc với các sở ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai của 8 KCN trên địa bàn.

Theo đó, 8 KCN này bao gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn- Tân Hiệp, Xuân Quế- Sông Nhạn.

Được biết, những KCN trên đều năm trong quy hoạch KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay chưa triển khai. Nguyên nhân, do vướng mắc các thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, 8 KCN trên với tổng quy mô diện tích hơn 8.200ha cần sớm được Chính Phủ, Bộ ngành tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai. Hiện nay, tỉ lệ lấp đầy của các KCN ở Đồng Nai đã đạt 86%, phần diện tích còn lại không nhiều, trong khi nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn rất lớn.

Được biết, trong số 40 KCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện có 32 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,2 ngàn ha, bao gồm: 31 KCN đi vào hoạt động và 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất, chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN công nghệ cao Long Thành). Hiện nay, trong 32 KCN đã thành lập, tổng diện tích đất cho thuê là hơn 5,4 ngàn ha, chiếm tỷ lệ hơn 81% diện tích đất dành cho thuê.

VSIP Group đầu tư dự án khu công nghiệp gần 300ha ở Cần Thơ

Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Group) vừa nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để phát triển dự án khu công nghiệp (giai đoạn 1) tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có quy mô gần 300ha.

Được biết, theo quy hoạch khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có tổng quy mô khoảng 900ha, tuy nhiên giai đoạn đầu chỉ giao chủ đầu tư 293,7ha. Đây sẽ là khu công nghiệp đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển và vận hành bởi VSIP Group - tập đoàn phát triển khu công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Dự án khi đi vào hoạt động tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần thủ đẩy sự phát triển của TP. Cần Thơ, đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ của khu vực ĐBSCL vào năm 2030.

Tập đoàn khu công nghiệp Việt Nam – Singapore là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam). Khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP đầu tiên được thành lập ở Bình Dương vào năm 1996.

Đến nay, VSIP trở thành thương hiệu phát triển hàng đầu khu công nghiệp ở Việt Nam với 11 dự án tại nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi….

Các khu công nghiệp VSIP thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, tạo ra khoảng gần 300.000 việc làm cho người lao động.

Phú Yên công khai hàng loạt dự án chưa đủ điều kiện mở bán

Sở Xây dựng Phú Yên vừa thông tin về tiến độ và tình hình triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn đến thời điểm ngày 15/10/2022.

Theo đó, qua rà soát, Sở Xây dựng công bố có 4 dự án đã và đang triển khai nhưng chưa đủ điều kiện mở bán hay huy động vốn; 4 dự án trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện huy động vốn. Cụ thể:

Dự án Khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu - Khu A (tên thương mại là khu đô thị Vịnh Xuân Đài, địa chỉ tại phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu) do Công ty TNHH MTV Việt Long Phú Yên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 16,9 ha gồm 466 lô đất nền nhà phố, biệt thự. Dự án này chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án.

Dự án Khu dân cư Phố chợ Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa). Dự án này được xây dựng tại khu phố 3, thị trấn Hòa Vinh, với diện tích gần 13 ha, tổng mức đầu tư trên 162,5 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư xây dựng 72 (trụ sở tại Đà Nẵng) đầu tư, xây dựng.

Dự án Khu công trình hỗn hợp 77-79 Nguyễn Du (Tp.Tuy Hòa) do Công ty CP Biển Phú Yên làm chủ đầu tư. Theo đó, quy mô dự án xây dựng căn hộ ở chung cư 594 căn; 1.523 phòng khách sạn trên khu đất có tổng diện tích 16.508,5m2, trong đó đất ở đô thị 4.950m2, đất thương mại dịch vụ 11.558,5m2; tổng mức đầu tư của dự án là 1.320 tỷ đồng. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án 24 tháng kể từ ngày đủ điều kiện khởi công xây dựng theo quy định.

Phú Yên có 8 dự án chưa đủ điều kiện mở bán.  
Phú Yên có 8 dự án chưa đủ điều kiện mở bán.  

Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu số 3, phía đông đường Hùng Vương (xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa) do Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương do Công ty TNHH Bích Hợp làm chủ đầu tư (tại phường Phú Đông, Tp.Tuy Hòa) với quy mô lên đến 393 căn nhà ở liền kề, gồm: Khu A 176 căn, Khu B 217 căn. Trong đó, Khu B còn 107 căn chưa có thông báo cho phép khai thác kinh doanh  (29 căn để bán và 78 căn để cho thuê mua theo quy định).

Dự án Khu đô thị mới Ánh Dương (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) do Liên danh Công ty Cổ Phần xây dựng My Hoàng Dương và Công ty TNHH MTV xây dựng Tân Hưng làm chủ đầu tư với quy mô 11,5 ha.

Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Bắc đường N3, đường Hùng Vương (phường 9) do Công ty Cổ Phần Bất động sản An Phước làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại số 296 Trần Hưng Đạo (phường 6) do Công ty Cổ Phần đầu tư Number 1 Land làm chủ đầu tư.

Dự án Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn (xã An Phú, Tp.Tuy Hòa) của Liên danh Công ty Cổ Phần Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 8, Công ty Cổ Phần Đầu tư Phát triển nhà An Phát, Công ty Cổ Phần Đầu tư và Xây dựng HUD 1 làm chủ đầu tư.

Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp 12.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính

Ngày 19-10, tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp gần 12.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính tại dự án sử dụng đất sân bay Nha Trang.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, dự án này liên quan đến các sai phạm trước đây theo kết luận của Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. "Việc giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan của dự án này phải có chủ trương chung của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ và cần rất nhiều thời gian", ông Hà nói.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc thu hồi gần 12.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính của Tập đoàn Phúc Sơn nằm trong số các hạn chế, chậm khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông Hoàng cho biết UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tỉnh Khánh Hòa cũng báo cáo cho tổ công tác của Thanh tra Chính phủ tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn, có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc) khẩn trương nộp gần 12.000 tỉ đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án khu trung tâm đô thị - thương mại - tài chính - du lịch Nha Trang (gọi tắt là dự án Trung tâm Đô thị).

Sau đó, Tập đoàn Phúc Sơn có văn bản cho rằng gần 12.000 tỉ đồng phải nộp theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Thuế tỉnh là chưa đầy đủ căn cứ pháp lý.

Theo hồ sơ, đầu năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa giao dự án Trung tâm Đô thị tại khu vực sân bay Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn làm vốn đối ứng để thực hiện dự án hạ tầng trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT.

Đến tháng 11-2015, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xây trung tâm hành chính mới tại các tỉnh thì dự án Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa cũng buộc phải tạm dừng.

Thế nhưng tháng 10-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ban hành quyết định giao 62,3 ha đất sân bay Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Trung tâm Đô thị mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Hơn 10 ngày sau, Bộ Quốc phòng mới có công văn đồng ý bàn giao 62,8 ha đất sân bay Nha Trang cũ cho UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau đó Trường Sĩ quan Không quân mới thực hiện hai đợt bàn giao đất sân bay Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó đợt 1 với diện tích 18,8 ha, đợt 2 với hơn 44 ha.

Sau khi giao đất nhưng không có dự án để hoàn vốn, giữa năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển hơn 62,3 ha đất đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn trước đó một năm để hoàn vốn cho ba dự án BT về giao thông.

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có công văn xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định thầu ba dự án BT về giao thông.

Đến nay cả ba dự án BT đều chưa hoàn thành, chưa được quyết toán nhưng phần lớn đất sân bay Nha Trang cũ đã bị Tập đoàn Phúc Sơn công khai phân lô, bán nền từ lâu. Doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh phạt 275 triệu đồng do vi phạm về kinh doanh bất động sản.

Đề xuất xử lý hơn 1.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp “bỏ chạy” trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Mới đây, trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM về vấn đề xử lý tài chính sau cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, Cục Thuế TP cho biết việc xử lý số tiền đặt cọc tương đương 20% giá khởi điểm không thuộc chức năng xử lý của cơ quan này.

"Vì vậy, Cục Thuế TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản nghiên cứu, đề xuất cụ thể về việc xử lý số tiền đặt cọc theo đúng chức năng", văn bản nêu rõ.

Trước đó, ngày 9/9 UBND TP đã ban hành Quyết định về việc hủy các Quyết định về công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Căn cứ Quyết định này, ngày 6/10, Cục Thuế TP ban hành các Thông báo thu hồi, hủy bỏ các Thông báo nghĩa vụ tài chính cho các tổ chức trúng đấu giá.

Theo đó, tiền đặt trước được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tính chung cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá ngày 10/12/2021, tổng số tiền cọc là hơn 1.051 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Sheen Mega đặt cọc gần 204 tỷ đồng. Công ty CP Dream Republic mất cọc hơn 115 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt mất cọc hơn 588 tỷ đồng và Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh mất cọc hơn 145 tỷ đồng.

Trong khi đó, về số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, do Cục Thuế đã có các Thông báo thu hồi, hủy bỏ nghĩa vụ tài chính, nên khoản này sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng với số tiền thuế nợ bị hủy.

Đối với số tiền thu được từ cưỡng chế nợ thuế đối với nợ quá hạn 90 ngày, Cục Thuế TP cho biết sẽ rà soát, bù trừ số tiền thuế trích thu được. Trường hợp người nộp thuế có khoản nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ theo quy định mà vẫn còn khoản nộp thừa hoặc không có khoản nợ, người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn trả hoặc hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước theo quy định. Cục Thuế sẽ xử lý trên cơ sở hồ sơ này.

Hiện tài khoản của Cục Thuế TP giữ gần 40,5 triệu đồng trích từ tài khoản ngân hàng của Công ty CP Sheen Mega và gần 821.000 đồng trích từ tài khoản ngân hàng của Công ty CP Dream Republic để nộp theo Quyết định cưỡng chế nợ thuế.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống