Tin nóng BĐS tuần qua (19/7 – 24/7/2021)

Giá nhà đất vẫn tăng dù dịch bệnh phức tạp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án của Tập đoàn Khải Vy ở Lâm Đồng, sai phạm tại dự án gần 500 tỷ ở Thái Nguyên của Tập đoàn Kosy, Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga muốn làm loạt dự án tại Thái Nguyên, BĐS Phát Đạt “rót” 3.000 tỷ làm hai dự án mới, Chuyển động mới tại các dự án của Sun Group ở Hải Phòng là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

Covid – 19 diễn biến ngày càng phức tạp, vì sao giá nhà vẫn tăng?

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, có 2 nguyên nhân chính khiến giá BĐS không giảm, thậm chí vẫn tăng bất chấp dịch Covid. Thứ nhất, so với trước dịch bệnh, sự quan tâm đến thị trường BĐS gần như không thay đổi. Chính nhu cầu của người mua nhà đã giúp giá BĐS giữ được xu hướng tích cực, đây cũng là quy luật cung – cầu của thị trường. Thứ hai, thành công trong việc kiểm dịch của Việt Nam giúp tạo tâm lý ổn định cho người mua, nhà đầu tư. Trong giai đoạn dịch vẫn có những BĐS có giao dịch và giá tốt hơn so với trước dịch, chẳng hạn phân khúc chung cư tại TP Hồ Chí Minh hay BĐS thổ cư cũng có thanh khoản rất tốt so với trước. Điều này phản ánh nhu cầu, kỳ vọng của người mua với BĐS vẫn rất cao, khi dịch bệnh được đẩy lùi thậm chí giá sẽ tiếp tục tăng lên.

Ông Ngô Văn – Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi cũng xác nhận việc không thấy sự suy giảm của giá BĐS dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Theo nghiên cứu về dịch Covid-19 thì trong cả năm 2020, giá BĐS tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Mỹ, Châu Âu đều tăng, thậm chí tăng 2 con số. Lý giải về mặt khoa học nghiên cứu thì trong đại dịch, nhu cầu work from home (làm việc tại nhà) rất lớn. Trước đây, khi làm việc ở các công sở nhiều chuyên gia có thể thuê văn phòng, căn hộ nhỏ thì dịch bệnh bắt buộc họ phải quay về nhà, đảm bảo nhu cầu vừa làm việc vừa sinh sống. Điều này góp phần làm nhu cầu tìm kiếm BĐS tăng cao hơn. Chưa kể nhu cầu nhà ở vốn dĩ vẫn là nhu cầu cấp thiết, nhất là khi dịch bệnh.

Ngoài ra, trong dịch, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn so với chứng khoán, vàng hay USD… Với tầng lớp giàu có, BĐS luôn là kênh lưu trú tiền được ưa chuộng, đặc biệt là với những tài sản có pháp lý, vị trí tốt. Khảo sát thị trường tại TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Đà Nẵng… của Danh Khôi cũng ghi nhận niềm tin, kỳ vọng vào thị trường BĐS của nhà đầu tư vẫn rất tốt, không suy giảm.

Dự án tại Lâm Đồng của Tập đoàn Khải Vy được phép xây dựng trên đất nông nghiệp?

Quyết định về việc cho phép Tập đoàn Khải Vy chuyển mục đích sử dụng đất tại phường 10, TP Đà Lạt. (Nguồn: UBND tỉnh Lâm Đồng).  
Quyết định về việc cho phép Tập đoàn Khải Vy chuyển mục đích sử dụng đất tại phường 10, TP Đà Lạt. (Nguồn: UBND tỉnh Lâm Đồng).  

Cụ thể, theo văn bản được ban hành có gần 1.500 m2 đất nông nghiệp sẽ được chuyển mục đích để doanh nghiệp thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel tại phường 10, TP Đà Lạt. Doanh nghiệp sẽ thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn sử dụng đến 30/3/2059.

Theo tìm hiểu, Dự án Merperle Dalat Hotel tiền thân là khách sạn Sài Gòn mới do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư vào năm 2009. Được biết, dự án này được Tập đoàn Khải Vy nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn vào năm 2018, diện tích 1,18 ha với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Sai phạm tại dự án gần 500 tỷ ở Thái Nguyên của Tập đoàn Kosy

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại dự án KĐT Kosy Sông Công do Kosy Group làm chủ đầu tư. (Nguồn Thanh tra Chính phủ).  
Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại dự án KĐT Kosy Sông Công do Kosy Group làm chủ đầu tư. (Nguồn Thanh tra Chính phủ).  

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2003 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của chính phủ về ban hành quy chế quản lý Khu đô thị mới.

Phía Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên. “Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.Sông Công, UBND tỉnh Thái Nguyên”, kết luận của Thanh Tra Chính phủ chỉ rõ.

Theo tìm hiểu, dự án KĐT Kosy Sông Công tọa lạc tại phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Có tổng mức đầu tư gần 481 tỉ đồng, nguồn vốn do chủ đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh. Về vị trí dự án, phía Bắc cách tim đường Thắng Lợi 40m và giáp khu dân cư lô 1 đường Thắng Lợi; phía Nam giáp khu dân cư hiện có; phía Đông giáp khu đường phân khu phía Tây trường PTTH Sông Công và khu dân cư; phía Tây giáp khu dân cư hiện có và đất hoa màu.

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga muốn làm loạt dự án tại Thái Nguyên

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn BRG về việc đề xuất thực hiện một số dự án tại TP Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này cho biết, Tập đoàn BRG hiện là Tập đoàn đa ngành nghề, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực như: Golf, bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sản xuất công, nông nghiệp công nghệ cao.

Qua nghiên cứu thực địa tại một số địa phương, Tập đoàn đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, phía Tập đoàn thống nhất đề xuất thực hiện một số dự án liên quan đến xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng và sân golf, khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, khu nhà ở hỗn hợp, khu đô thị sinh thái trên địa bàn TP. Thái Nguyên và TX. Phổ Yên. Tập đoàn mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch đô thị đối với tỉnh Thái Nguyên…

Với những ý kiến, kiến nghị của Tập đoàn BRG, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao các sở, ngành và các địa phương liên quan phối hợp cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, bảo đảm việc hợp tác hai bên đạt được hiệu quả cao nhất. Tỉnh cam kết tạo mọi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Tồn kho BĐS Phát Đạt tăng mạnh, tiếp tục “rót” gần 3.000 tỷ làm hai dự án mới

Theo BCTC hợp nhất Quý 2/2021 đạt gần 538 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ (hơn 552 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng đất nền trên 242 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Đồng thời doanh thu chuyển nhượng hàng hóa BĐS cũng giảm mạnh xuống còn gần 3,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này là hơn 9,9 tỷ đồng (tức giảm khoảng 65%).

Tính riêng Quý 2 năm nay, Phát Đạt ghi nhận lãi ròng gần 252 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ). Còn lũy kế 6 tháng đầu năm Phát Đạt đạt gần 1.124 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 503 tỷ đồng lãi ròng, giảm 5% về doanh thu nhưng tăng hơn 80% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin nóng BĐS tuần qua (19/7 – 24/7/2021) - Ảnh 1

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Phát Đạt tăng 20% so với đầu năm lên hơn 18.717 tỷ đồng. Hơn 64% tài sản của doanh nghiệp tập trung ở hàng tồn kho với hơn 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp và một số chi phí đầu tư khác.

Tin nóng BĐS tuần qua (19/7 – 24/7/2021) - Ảnh 2

Có thể nhận thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Phát Đạt ghi nhận thêm hàng tồn kho tại hai dự án là Bình Dương Tower và dự án Phước Hải. Tổng tồn kho của hai dự án này là gần 3.000 tỷ đồng. Được biết, tại các dự án là The EverRich 2 và The EverRich 3, Phát Đạt đang trong quá trình hoàn thành các yêu cầu theo quy định của Nhà nước để đủ điều kiện chuyển nhượng phần còn lại của dự án theo HĐHTĐT với hai công ty là Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (dự án The EverRich 2) và Công ty TNHH Dynamic Innovation (dự án The EverRich 3).

FLC được chấp thuận nghiên cứu quy hoạch KĐT gần 490 ha tại Hậu Giang

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc điều chỉnh chủ trương lập đồ án Quy hoạch phân Khu quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành (huyện Châu Thành).

Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất điều chỉnh chủ trương lập đồ án Quy hoạch phân khu Quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành tại khoản 1 Công văn số 510 ngày 19/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Thời gian thực hiện lập đồ án quy hoạch là 6 tháng kể từ ngày 21/7/2021. Nguồn vốn thực hiện việc lập đồ án quy hoạch từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng thống nhất cho CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) nghiên cứu, tiếp cận đồ án quy hoạch nêu trên.

Theo đồ án quy hoạch phân khu xây dựng mà FLC đề xuất, Khu đô thị mới 927C có cơ cấu sử dụng đất như sau: Đất ở (hơn 213 ha); đất khu du lịch sinh thái miệt vườn (gần 20 ha); đất khách sạn – resort (gần 13 ha); đất thương mại dịch vụ, chợ ẩm thực, chợ nổi (gần 21 ha); đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao (gần 160 ha); đất giao thông (gần 59 ha) và đất công cộng (gần 4 ha).

Chuyển động mới tại các dự án của Sun Group ở Hải Phòng

Vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) về hoạt động đầu tư các dự án tại địa phương này.

Tin nóng BĐS tuần qua (19/7 – 24/7/2021) - Ảnh 3

Được biết, tại Hải Phòng, Tập đoàn Sun Group đang đầu tư một số dự án lớn tại như tuyến cáp treo Phù Long – Cát Bà, Tổ hợp khu du lịch sinh thái biển cao cấp gắn với hệ thống cáp treo Cát Hải – Cát Bà,…

Nhằm thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án du lịch trên địa bàn thành phố, ngày 17/7 vừa qua UBND thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group về kế hoạch đầu tư các dự án của Tập đoàn này trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đại diện Sun Group đã báo cáo tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm như tuyến cáp treo Phù Long – Cát Bà, Tổ hợp khu du lịch sinh thái biển cao cấp gắn với hệ thống cáp treo Cát Hải – Cát Bà,… phía doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn TP Hải Phòng bảo đảm tiến độ xử lý các thủ tục, quy trình để các dự án được triển khai nhanh chóng.

Trước những mong muốn của Sun Group, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã công bố quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết trình tự thủ tục các dự án phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh & Phát triển