TNR Holdings phát triển dự án đến đâu, cư dân "xuống đường" phản đối ở đó
Cực chẳng đã, cư dân mới phải tập trung đông người, căng băng rôn phản đối sự "vô trách nhiệm" của chủ đầu tư. Đó là những gì đang diễn ra tại các dự án TNR Goldsilk Complex, TNR Goldmark City, TNR Gold Season do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings (thành viên của Công ty CP Đầu tư TNG Holdings) phát triển độc quyền.
Quá ế ẩm, dự án TNR Kenton Node ra chính sách bán hàng khuyến mại "khủng"
Theo đó, 3 dự án nêu trên đều được chủ đầu tư bàn giao, đưa vào khai thác. Điều đáng nói là cả 3 dự án này, đơn vị trực tiếp vận hành khai thác quản lý là TNS Property cũng lại là một thành viên của TNG Holdings.
Thế nhưng, cách quản lý và vận hành tại đây đang vấp phải sự phản đối rất gay gắt đến từ các cư dân.
TNR Goldsilk Complex (số 430 Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) được chủ đầu tư quảng cáo với hàng loạt lời có cánh như "Không gian châu Âu trong lòng Hà Nội", nào là "Một biểu tượng mới của Hà Đông", hay chung cư cao cấp 5 sao, đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp Savills Việt Nam...
Tuy nhiên, khi khách hàng nhận bàn giao căn hộ về ở mới "té ngửa" vì những quảng cáo của chủ đầu tư chỉ để... "làm màu". Nước sinh hoạt thì bẩn không khác gì nước ở những vùng sình lầy.
Khi các hộ dân nhận bàn giao căn hộ thì phát hiện hàng loạt các lỗi hư hỏng trong quá trình xây dựng.
Theo đó, các cư dân nơi đây đã nhiều lần có phiếu yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục, nhưng cho tới nay vẫn không được bảo hành, thay thế và sửa chữa.
Trong khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ từ tháng 8/2017, nhưng mãi đến tháng 7/2018, Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất mới được tổ chức thành công, bầu ra Ban quản trị tòa nhà và được UBND quận Hà Đông công nhận.
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao toàn bộ quỹ bảo trì (bao gồm cả lãi suất), hồ sơ pháp lý cùng các hồ sơ thiết kế, kỹ thuật toà nhà, hạ tầng cho Ban quản trị tòa nhà.
Mặc dù, Ban quản trị đã có rất nhiều văn bản đề nghị chủ đầu tư bàn giao, nhưng chủ đầu tư lại tìm mọi lý do để trì hoãn.
Thậm chí, chính quyền quận Hà Đông, phường Vạn Phúc cũng nhiều lần ra văn bản, tổ chức các cuộc họp giữa các bên, lập biên bản các cuộc họp, kết luận yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, hạ tầng cho Ban quản trị theo quy định của pháp luật. Nhưng chủ đầu tư vẫn nhất quyết chây ì không chịu bàn giao.
Đến tháng 3/2019, vì quá bức xúc, Ban quản trị tòa nhà buộc phải gửi đơn "kêu cứu" lên Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Sau đó, thành phố và quận Hà Đông đã ra các văn bản, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật thì số tiền gần 30 tỉ đồng mới được bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà.
Tuy nhiên, số tiền quỹ bảo trì thuộc diện tích riêng của chủ đầu tư vẫn không được bàn giao (khoảng 10 tỉ đồng) cùng số tiền lãi theo quy định.
Còn về đơn vị quản lý vận hành là TNS Property, chủ đầu tư và Ban quản trị chưa hề thông qua mức phí dịch vụ; Ban quản trị tòa nhà chưa hề ký hợp đồng thuê đơn vị TNS Property vận hành, nhưng đơn vị này không hiểu vì sao lại nghiễm nhiên ngồi ghế quản lý, ra các yêu sách như những ông chủ yêu cầu kẻ làm thuê.
Dịch vụ mà đơn vị này vận hành tại dự án có rất nhiều điểm bất cập, như: An ninh trật tự không được đảm bảo, phí dịch vụ các bên chưa hề có biên bản thống nhất nhưng bản quản lý đưa ra mức "tạm thu" 7.700 đồng/m2, rồi 6.600 đồng/m2.
Cư dân không đồng ý đóng phí dịch vụ, thì đơn vị vận hành cắt điện, cắt nước của dân.
Cùng với đó, cư dân tại Goldsilk còn nghi ngờ đơn vị vận hành TNS Property đã có những tác động tới cả hệ thống thang máy, khiến thang máy hư hỏng, nóng bức và bí khí, có thời điểm nhiệt độ trong buồng thang máy lên tới gần 38°C.
Trên đây là những bức xúc của cư dân TNR Goldsilk Complex, còn về phía cư dân TNR Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) họ cũng có những bức xúc không kém, đơn cử như ngày 18/8, hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại các tòa Sapphire đã xuống sân căng băng rôn, xếp ôtô phản đối những bất cập trong chính sách của chủ đầu tư.
Cư dân sống tại TNR Goldmark City cũng đã tập trung xuống sân và treo băng rôn phản đối các chính sách của chủ đầu tư cũng như đơn vị vận hành.
Ban đại diện cư dân khu chung cư này cho rằng, chủ đầu tư không đối thoại với cư dân nhưng liên tục cắt điện, nước sinh hoạt, làm nhiều hộ dân hoang mang.
Lý do Ban quản lý tòa nhà đưa ra là do các hộ dân chưa chịu đóng phí dịch vụ, nên họ phải dùng biện pháp tạm ngừng cung cấp điện, nước để gây sức ép lên các hộ dân.
Tuy nhiên, theo người dân sinh sống tại đây, nguyên nhân họ không đóng phí dịch vụ là do phía chủ đầu tư đã đơn phương đưa ra phí dịch vụ lên tới 12.688 đồng/m2 (giai đoạn trước 9.900 đồng/m2), trong khi chưa có sự thống nhất của cư dân và đặc biệt là chất lượng dịch vụ chưa tương xứng.
Cùng với đó là việc Công ty TNHH Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư) "giữ sổ hồng" và "không chịu trả tiền chênh lệch diện tích căn hộ" cho cư dân để ép người dân phải đóng phí dịch vụ.
Trong khi đó, hợp đồng mua bán căn hộ, không có điều khoản nào quy định phải nộp phí dịch vụ mới được nhận sổ hoặc phải nộp phí dịch vụ mới nhận lại được tiền chênh lệch diện tích. Việc làm của chủ đầu tư là vi phạm quyền lợi của cư dân.
Ngoài ra, tại khu đô thị này còn xảy ra việc hầm bể phốt của tòa nhà liên tục bị vỡ, mùi hôi thối bốc lên đến tận tầng 17 khiến cuộc sống bị của cư dân bị đảo lộn.
Theo các hộ dân sinh sống nơi đây, họ đã nhiều lần gửi yêu cầu được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư, song hết lần này đến lần khác, chủ đầu tư đều tránh né, phớt lờ không đối thoại trực tiếp với cư dân. Bất đắc dĩ, gần 500 hộ dân ở 2 tòa S1, S4 phải ký đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.
Nhưng mãi đến ngày 25/7, UBND phường Phú Diễn mới tổ chức cuộc họp 3 bên giữa: Chính quyền - cư dân - chủ đầu tư. Song, chủ đầu tư vẫn cố tình không cử người có thẩm quyền đến dự họp.
Cuộc họp kết thúc, UBND phường đã lập biên bản yêu cầu Công ty TNHH Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân phải tổ chức đối thoại với cư dân trước ngày 15/8.
Quá thời hạn, chủ đầu tư vẫn không có động thái phản hồi gì, khiến hàng trăm cư dân buộc phải xuống sân tổ chức treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư đối thoại với cư dân để giải quyết.
Dự án TNR Stars Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có diện tích 46 ha gồm 66 lô biệt thự và 1.570 lô liền kề có giá bán từ 7-12 triệu/m2 (tổng giá trị từ 500 triệu - 2 tỉ đồng/lô) do Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam (HNC) làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) là đơn vị triển khai dự án. Đến nay hạ tầng của dự án đã cơ bản được hoàn thiện.
Dự án TNR Stars Đồng Văn cũng không nằm ngoài "danh sách" bị khách hàng căng băng rôn phản đối. Thậm chí, khách hàng còn "tố" chủ đầu tư có hành vi lừa đảo
Theo Đức Trọng/ Công Nghiệp Môi Trường