Toàn cảnh thị trường bất động sản Quý III/2021: Nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, nhà đầu tư vẫn giữ được ‘sức khỏe’
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam Quý III/2021. Nhìn chung tại thị trường Hà Nội, nhà đầu tư vẫn giữ được “sức khỏe” mặc dù lực tiêu dùng giảm sút nhưng lực đầu tư vẫn duy trì.
Đó là nhận định của Ông Nguyễn Chí Nghĩa – Phó Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc tại cuộc họp trực tuyến Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam Quý III của cả nước với sự tham gia của nhiều điểm cầu.
Theo báo cáo tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 40,9%.
Trước đó, trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng, với bối cảnh giãn cách, nhiều nơi sẽ dẫn đến “đóng băng” giao dịch nhưng số liệu cho thấy thị trường BĐS vẫn có dấu hiệu ‘sống tốt’ giữ đại dịch.
Nguồn cung nhà ở thấp nhất trong 5 năm
Riêng về thị trường nhà ở, ảnh hưởng Covid – 19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề. Ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.
Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện .
Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các Sàn giao dịch nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.
Toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các Quý trước trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện. Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh dịch bệnh, bất động sản vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đâu tư. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao.
Khách hàng, nhà đầu tư bắt đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm qua hình thức Online, tuy tỷ lệ đăng ký đặt mua qua hình thức Online chưa cao nhưng cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Nhà đầu tư bất động sản Hà Nội vẫn giữ được ‘sức khỏe’
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam Quý III/2021, nguồn cung ở Hà Nội tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các kỳ trước trong đó chủ yếu là sản phẩm chung cư, chiếm đến 87,3% tổng cung. Trong đó, sản phẩm căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm tại thị trường Hà Nội Quý III chỉ đạt có 3,5 % tổng lượng cung và nằm ở xa khu trung tâm.
Trong Quý III/2021 nguồn cung chủ yếu nằm ở Hoàng Mai, Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Mặc dù giãn cách theo chỉ thị 16 Chính phủ nhưng vẫn ghi nhận số lượng giao dịch ấn tượng và đưa tỷ lệ hấp thụ đạt gần 30%. Thành tích này có được là nhờ sự nỗ lực của lực lượng môi giới bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội.
Theo đó giá bất động sản không thay đổi so với quý trước. Nhưng lưu ý giá đất nền tại một số dự án tại Hà Nội vẫn ở ngưỡng cao thậm chí có hướng tăng so với Quý II. Nguyên nhân chủ yếu là khan hiếm dòng sản phẩm này tại Hà Nội, trong khi nhu cầu lại rất mạnh.
Nói về thị trường bất động sản Hà Nội vị Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc đã có những chia sẻ thực tế về cung, cầu; biến động giá cả, tình trạng các dự án BĐS và “sức khỏe” các nhà đầu tư tại thị trường này.
Theo ông Nghĩa, thị trường Hà Nội có sự đa dạng về chủng loại từ chung cư, thấp tầng và đất nền. Lượng hàng của các phân khúc chung và cao cấp của chung cư tương đương nhau. Lượng hàng hóa của chung cư, thấp tầng và đất nền vẫn có sự sụt giảm đáng kể do nguồn cung từ các dự án mới được phê duyệt khan hiếm.
Đặc biệt, một xu hướng rõ rệt là dù thời gian “lockdown” của thành phố chiếm phần lớn Quý III nhưng nhờ việc chăm sóc tốt khách hàng, thực hiện giao dịch online nên lượng giao dịch tại Hà Nội không bị giảm mạnh như mọi người từng dự đoán mà vẫn giữ ở mức 65% so với khi chưa “lockdown”.
Các hoạt động tìm kiếm, chăm sóc, chốt giao dịch với khách hàng được sử dụng công nghệ và trở thành sức mạnh của các công ty môi giới. Đặc biệt, công nghệ giữ cho công ty môi giới có thể quản trị tốt và giữ vị thế trên thị trường. Quan hệ của khách hàng và môi giới được nâng lên một tầm mới, thậm chí chốt khách ngay trên các giao dịch online.
Đối với phân khúc căn hộ, có khoảng 1.000 giao dịch diễn ra trong Quý III; trong đó có hơn 500 giao dịch thuộc phân khúc cao cấp và 1/3 lượng hàng bình dân được thanh khoản. Còn tại phân khúc đất nền và liền kề, lượng hàng bán chiếm khoảng 50% lượng cung ra thị trường cho thấy nhu cầu đầu tư khá cao.
Ông Nghĩa cho rằng, điều này cho thấy nhu cầu đầu tư vẫn khá là cao, các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn lựa chọn BĐS là kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn của mình. Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế nhưng các nhà đầu tư không ngồi yên và dòng vốn tiếp tục đổ vào BĐS như ưu tiên số 1.
Đánh giá chung về thị trường Hà Nội trong Quý III, ông Nghĩa khẳng định: “Nhìn chung tại thị trường Hà Nội, nhà đầu tư vẫn giữ được “sức khỏe” mặc dù lực tiêu dùng giảm sút nhưng lực đầu tư vẫn duy trì. Đặc biệt, các sàn giao dịch BĐS vẫn hoạt động tốt, tỉ lệ các sàn phải rời khỏi thị trường chiếm 30%”.