TP. HCM dự báo thị trường BĐS tiếp tục khó khăn trong năm 2023
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP, HCM vừa họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn tuần qua.
Thông tin về tình hình nhà ở, bất động sản trên địa bàn TP. HCM, ông Vũ Anh Dũng, Phó Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, năm 2022, thành phố có 23 dự án bất động sản được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng số căn hộ là 13.086.
Nhìn chung, thị trường bất động sản TP. HCM trong năm 2022 có phát triển nhưng chưa ổn định, nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng giảm không đều; cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, việc nền kinh tế xuất hiện nhiều diễn biến khó lường khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại.
Năm 2023, Sở Xây dựng dự báo thị trường bất động sản tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh để giải quyết vấn đề lệch pha cung cầu.
Từ dự báo trên, Sở đưa ra một số giải pháp triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở.
Sở này cũng tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý; dự án chưa nộp tiền sử dụng đất; dự án bị các chủ đầu tư chậm trễ làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sở Xây dựng TP. HCM cũng sẽ hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM và TP. Thủ Đức; tập trung phát triển các công trình hạ tầng giao thông kết nối với vành đai 2, 3, kết nối TP. HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh, xây dựng, sử dụng, giao dịch bất động sản.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã nhận định thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất và năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO, thu hẹp quy mô sản xuất.
Thậm chí, doanh nghiệp phải chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương 30% - 50%, không lo được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết.
Hiệp hội nhận định nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45% - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua.
HoREA nhận định, khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Khó khăn trực tiếp kế đến là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn. Các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành "nợ xấu" hoặc "nhảy nhóm nợ xấu hơn". Người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.