Trảm công trình phá vịnh Bái Tử Long: Nghiêm, rất mừng...
Ngoài việc xử lý nghiêm công trình vi phạm, Quảng Ninh cần phải xét thêm trách nhiệm quản lý của địa phương và cán bộ liên quan.
Hiện tại trên vịnh Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. có nhiều công trình trái phép, thậm chí có những công trình cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều lần nhưng chủ công trình vẫn cố tình vi phạm, không những không chịu phá dỡ mà còn cho xây dựng ngày một lớn hơn.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản chỉ đạo, công trình nào sai phép trên vịnh Bái Tử Long không tự phá dỡ sẽ bị cưỡng chế.
Ngày 24/2/2020, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, việc tỉnh Quảng Ninh cương quyết xử lý công trình sai phạm là điều rất tốt, cần phải xử lý nghiêm, triệt để những công trình sai phạm, thi công không có giấy phép để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và cho các địa phương khác noi theo.
Tuy nhiên, ông Nhưỡng cũng đặt ra câu hỏi, tại sao những công trình sai phạm tại vịnh Bái Từ Long xảy ra trong suốt nhiều năm qua mà đến bây giờ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh mới kiên quyết xử lý?
Theo ông Nhưỡng, điều đó cho thấy có thể có biểu hiện bao che của cán bộ quản lý hay buông lỏng của chính quyền địa phương. Chính vì thế, ngoài việc cương quyết xử lý công trình vì phạm thì UBND tỉnh Quảng Ninh cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, chính quyền quản lý địa bàn để xảy ra sai phạm.
"Nếu như chỉ chăm chăm phá bỏ, cưỡng chế những công trình sai phạm thì sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn. Phần gốc của vấn đề vẫn nằm ở sự quản lý của chính quyền, tính thượng tôn của pháp luật khi mà những người thực thi đã không thực hiện nghiêm, có sự xuê xoa, bỏ qua vi phạm hoặc phạt rồi lại cho công trình tồn tại..." - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cho rằng, cơ quan chức năng khi tiến hành cưỡng chế những công trình sai phạm cần cân nhắc kỹ, tính toán phương án cụ thể. Bởi dù là công trình vi phạm, do doanh nghiệp tư nhân, cá nhân xây dựng nhưng cũng là tài sản chung của xã hội.
"Như tòa nhà 8B Lê Trực hay hàng loạt công trình khác, nếu việc cưỡng chế phá dỡ ảnh hưởng tới đời sống của quá nhiều người thì cần phải cân nhắc, tính toán cụ thể. Sau khi phá dỡ thì ai phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho những người liên quan chứ không thể cứ phá trước rồi giải quyết các hệ quả đi kèm phía sau thì sẽ khó nhận được sự đồng tình của xã hội" - ông Nhưỡng nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, nếu cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xử lý nghiêm được các công trình sai phạm thì sẽ tạo ra tiền lệ tốt. "Đó không chỉ là bài học cho các chủ công trình về sâu mà còn là tấm gương cho cả nước làm theo" - ông Phượng nhìn nhận.
Trên vịnh Bái Tử Long mọc lên nhiều nhà chòi kiên cố không phép trong suốt thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Theo vị luật sư này, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây công trình trái phép hiện đang diễn ra ở nhiều nơi. Những khu vực mà công trình trái phép tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của sinh vật biển thì càng phải lên án, xử nghiêm.
"Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có tốc độ xây dựng nhanh nhất cả nước, nhiều công trình nhà cao tầng mọc lên, đất rừng bị thu hẹp lại. Nếu không quản lý chặt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, không còn bãi biển xanh, sạch... từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy đất phát triển kinh tế sau này" - ông Phượng nhận định.
Được biết, một trong những trường hợp xây dựng trái phép điển hình trên vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh là của ông Trần Quốc Dũng ở khu vực giáp ranh Đền Vạ Giếng, xã Thắng Lợi với gần 8.000m2 đất rừng bị ảnh hưởng.
Tiếp đến là công trình của ông Phạm Thế Duy tại hòn Soi Dâu, xã Thắng Lợi. Ông Duy đã lợi dụng việc xin xây dựng khuôn viên nhà sắp lễ đền Soi Dâu để tự ý xây dựng một số hạng mục công trình gồm: một nhà sàn gỗ hai tầng, cột gỗ, sàn gỗ, mái ngói… với diện tích gần 100 m2 ngay tại khu vực trên. Điều đáng nói là những hạng mục này hoàn toàn không phù hợp với với mục đích nhà sắp lễ.
Bên cạnh đó, ông Duy còn tự ý xây dựng một tuyến kè đá hoành tráng phục vụ cho việc tàu bè cập vào với chiều dài hơn 100 m, rộng hơn hai mét… cùng các công trình làm chỗ ở tạm cho công nhân.
Theo Ngọc Khánh/Báo Đất Việt