Trầy trật không thuê nổi nhà trọ, phòng trọ ở Hà Nội vì giá tăng cao

Trên mạng xã hội thời gian này, không khó để có thể tìm kiếm và tham gia vào các hội nhóm tìm phòng trọ sinh viên. Tuy nhiên, có không ít những môi giới lợi dụng đăng thông tin cho thuê sai lệch để lừa khách thuê.

Nắm bắt được nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên, thời gian này, trên các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài đăng tìm phòng trọ với các thông tin cho thuê phòng trọ, chung cư giá rẻ, chung cư mini dành cho sinh viên tại Hà Nội. Tuy nhiên, do nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên tăng cao nên rất khó để tìm được phòng trọ có giá rẻ, chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo. Hơn nữa, chủ nhà hét giá quá cao, do đó, nhiều sinh viên cảm thấy ái ngại khi tìm kiếm thông tin thuê nhà trên các diễn đàn này.

Hầu hết các nhà cho thuê ở khu vực gần các trường đại học đều tăng giá.
Hầu hết các nhà cho thuê ở khu vực gần các trường đại học đều tăng giá.

Thực tế, nhiều môi giới cho thuê nhà trọ đã đăng các bức hình chụp phòng rộng rãi, đẹp đẽ, sạch sẽ với nhiều lời có cánh. Tuy nhiên, khi đến xem, một số căn phòng rất tồi tàn, ẩm mốc và không được rộng rãi như ảnh. Thậm chí, cộng đồng sinh viên còn truyền tay nhau “danh sách đen” các khu nhà trọ các group tìm trọ để các bạn trẻ tránh “rước họa vào thân”, đặc biệt là với tân sinh viên.

Khác với giai đoạn dịch bệnh, khi giá thuê giảm mạnh nhưng thị trường nhà trọ vẫn “đìu hiu” khách thuê. Hồi đầu năm ghi nhận tỉ lệ lấp đầy ở nhiều khu trọ hiện chỉ đạt cao nhất khoảng 80% so với cùng kỳ những năm 2019 trở về trước. Có những khu trọ ở Cầu Giấy, Thanh Xuân – nơi tập trung nhiều trường đại học, tỉ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 40-50%.

Ông Hân, chủ khu trọ 18 phòng tại quận Thanh Xuân, cho biết, hồi đầu năm khu trọ của ông có 7 phòng đang trống. Khu nhà trọ của ông chủ yếu là sinh viên, vợ chồng trẻ, người trẻ mới đi làm thuê ở với mức giá 1,5-1,9 triệu đồng/phòng/tháng.

Trước khi có dịch, với lợi thế giá thuê mềm, gần nhiều trường đại học ở Thanh Xuân, những căn phòng này chỉ trống nhiều nhất là 1 tuần rồi nhanh chóng có người đến thuê. Thế nhưng lúc đó, thời gian tìm khách thuê kéo dài lên tới vài tháng, đồng nghĩa với khoảng thời gian phòng bị để trống. Chưa khi nào các “thiên đường nhà trọ” lại ngập tràn các biển treo cho thuê nhà. Dù vậy, khách hỏi thuê gần như không có. Những xóm trọ đang đìu hiu, vắng lặng hơn bao giờ hết.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm các sinh viên năm nhất của các trường đại học, cao đẳng sẽ nhập học. Do đó, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà cho thuê ở khu vực gần các trường đại học đều tăng giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng phòng.

Khi năm học mới bắt đầu, nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có con đỗ đại học lại chạy đôn đáo khắp Hà Nội tìm phòng trọ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, để tìm được một phòng trọ vừa “tươm tất”, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế một chút là không dễ, bởi do nhu cầu thuê nhà cao nên giá thuê nhà cũng bị đội lên so với trước.

Nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có con đỗ đại học lại chạy đôn đáo tìm phòng trọ.
Nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có con đỗ đại học lại chạy đôn đáo tìm phòng trọ.

Theo khảo sát, phòng trọ có diện tích từ 15-17m2 có giá từ 2,5 triệu đồng/tháng. Với các căn phòng khép kín ở chung cư mini, giá thuê từ 3,5-4 triệu đồng. 

Phân khúc nhà ở phổ biến nhất có giá thuê từ 2,5-3,2 triệu đồng/tháng, có thể ở ghép 2-3 người. Phòng được trang bị nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo, bếp, điều hòa, nóng lạnh… Do nhu cầu thuê tăng cao nên tất cả các phân khúc nhà trọ đang trong tình trạng “cháy phòng”.

Hầu hết chủ trọ cho biết, không còn phòng trọ hoặc nếu còn thì chỉ là những phòng trọ không khép kín được cho thuê với giá rẻ, từ 1,2 triệu-1,5 triệu đồng/tháng, không đủ đồ dùng thiết yếu, phòng xuống cấp và ẩm thấp.

Phụ huynh tìm phòng cho con tại Cầu Giấy cho biết, đã hơn tuần nay chị đi tìm phòng trọ cho con, tuy nhiên, đi đến đâu cũng được trả lời là hết phòng trọ. Trước đây cũng đã nhiều lần đi tìm nhà trọ cháu từ quê xuống học nhưng chưa bao giờ chị thấy việc đi tìm nhà trọ lại khó như năm nay.

Trước tình trạng “cháy phòng” thuê trọ, nhiều tân sinh viên cho biết, do việc tìm nhà quá khó nên trong năm học mới này, đã cùng một nhóm bạn thuê 1 căn nhà với giá hơn 7 triệu đồng ở Mai Động, cách trường học từ 2-3 km. Tính ra, mỗi người chỉ phải trả từ 1-1,2 triệu/người/tháng (bao gồm cả điện, cả nước).

Em Công (Nam Định) cũng cho hay, do khó tìm nhà trọ và để giảm bớt chi phí, em cùng 2 bạn nữa phải thuê trọ 1 căn phòng trọ với giá rẻ, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là giải pháp tạm thời vừa giảm thời gian tìm nhà trọ, vừa giảm bớt chi phí hàng tháng.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phòng cho thuê, kể cả khi đã thuê được phòng sinh viên cũng gặp khó khăn trong việc chi trả. Công cho biết, e đã hỏi nhiều nơi, đa phần chủ nhà sẽ yêu cầu đóng tiền 3 hoặc 6 tháng/lần và cọc ít nhất 1 tháng tiền phòng. Ngoài ra còn các phí vệ sinh, phí gửi xe, tiền mạng wifi, điện hơn 4.000đ - 4.700đ/số và nước 30.000đ/khối hoặc 100.000đ/người/tháng.

Lý giải về sự khan hiếm phòng trọ, chủ một dãy nhà trọ tại Lê Đức Thọ cho biết, nhiều tân sinh viên ở ngoại tỉnh, ngay từ khi biết kết quả đỗ đại học, gia đình đã nhờ anh em ở Hà Nội hoặc trực tiếp lên Hà Nội đi tìm chỗ trọ và đặt cọc trước tiền nhà cho con em mình. Hiện, 100% phòng trọ của anh đã được đặt cọc, trong số này có cả sinh viên năm 2, 3 và cả tân sinh viên đang chuẩn bị nhập học. Ngày nào anh cũng phải nghe hàng chục cuộc điện thoại hỏi thuê nhà, nhưng rất tiếc không còn nhà cho thuê.

Số lượng sinh viên đến học tập và người lao động đến làm việc tại Hà Nội ngày càng tăng, nguồn cung nhà ở cho thuê hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của hàng triệu người dân có nhu cầu. Do đó, các trường học cần có những giải pháp hỗ trợ việc tìm kiếm phòng trọ trong đợt cao điểm. Cùng với đó, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ nhằm tăng số lượng nhà ở dịch vụ, phòng trọ, ký túc xá… cho sinh viên tại Hà Nội để các em có chỗ ở ổn định và yên tâm học tập, nghiên cứu.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống