TS Cấn Văn Lực: “Thời điểm này chỉ thích hợp đầu tư bất động sản dài hạn, khó lướt sóng”
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, hiện tại lạm phát sẽ tác động mạnh đến diễn biến của thị trường bất động sản. Do đó, bất động sẽ là kênh trú ẩn an toàn, tuy nhiên chỉ thuận lợi đầu tư dài hạn, khó lướt sóng.
Bất động sản là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát tăng cao
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện thị trường bất động sản có 5 vấn đề nổi bật; trong đó có việc lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế khiến dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại và thị trường bất động sản cũng chịu tác động.
Tuy nhiên, khảo sát của VARS với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động lại cho thấy, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát. Trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán, 90% nhà môi giới được hỏi cũng cho rằng, giá căn hộ sẽ tiếp đà tăng; 53% số tham gia khảo sát tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.
Mặc dù trước lo ngại lạm phát tăng cao, nhiều nhà đầu tư chọn bất động sản làm đích ngắm nhưng thanh khoản vẫn giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Cùng đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân và giá nhà tăng liên tục, chưa có tín hiệu dừng.
Thực tế, lạm phát tăng cao sẽ làm hao mòn lợi nhuận thu được từ các khoản tiết kiệm, cho dù đó là tiền mặt hoặc tiết kiệm có lãi suất cố định như trái phiếu. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, vàng và bất động sản sẽ là 2 kênh trú ẩn đáng tin cậy, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần chú ý đến tính thanh khoản tốt và dư địa tăng giá lớn theo phát triển kinh tế để bảo toàn dòng tiền và thu về lợi nhuận trong dài hạn.
Nói cách khác, bất động sản sẽ là lựa chọn an toàn cho những cá nhân đang sở hữu dòng tiền mạnh, tiền nhàn rỗi nhiều. Với nhận định đó, năm 2022, thị trường bất động sản dự kiến đón dòng tiền khổng lồ chạy theo hướng mua tích trữ tài sản, đầu tư dài hạn. Đặc biệt, đất nền sẽ là kênh đầu tư được “ưu ái” hơn so với nhiều sản phẩm bất động sản khác như căn hộ, nhà liền thổ… vì tính có giá trị, có thể mua bán ngay và nắm giữ ngay.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại khi cân nhắc nên chọn bất động sản ra sao để tránh khỏi bẫy thị trường. Theo các chuyên gia, người mua nên chọn những thị trường có sức bật kinh tế lớn trong dài hạn, đồng thời tính thanh khoản tốt.
Chia sẻ về xu hướng này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nếu xuất hiện biến động rất lớn về tài chính, giá trị đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng khi dự báo lạm phát tăng cao. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát cao, các nhà đầu tư có nhu cầu lớn tìm một kênh neo giữ tài sản, mà bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến.
“Bất động sản là lựa chọn phù hợp làm kênh trú ẩn, vì nếu để tiền ở ngân hàng hay ở nhà có thể sẽ mất giá trị và nếu mua vàng thì vàng có thể bị biến động. Nhưng, nếu mua bất động sản thì hầu như giá trị được giữ ổn định và thậm chí sẽ còn gia tăng theo thời gian”, ông Kiệt cho biết.
Thời điểm này chỉ nên đầu bất động sản tư dài hạn
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh thì về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi vì khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Hiện nay, có tới 80 nước trên thế giới đã và đang tăng lãi suất. Và khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng theo, tỷ giá cũng tăng theo, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá,… Do đó, những người đi vay ngoại tệ sẽ bị thiệt hai lần, một là lãi suất tăng, hai là tỷ giá tăng.
Ngoài ra, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi. Hiện nay cũng có không ít lo ngại nền kinh tế bị suy thoái. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sẽ không xảy ra suy thoái toàn cầu mà sẽ suy thoái cục bộ ở một vài quốc gia nếu như họ ứng xử không tốt.
Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư.
“Tuy nhiên, điểm tích cực là giá bất động sản đang trở về giá trị thực và đây là cơ hội của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Bất động sản cũng là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro để chờ thời. Lúc này là lúc thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn, không có chuyện dễ dàng lướt sóng kiếm lời trong giai đoạn này”, ông Lực nhận định.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Đính chỉ rõ, quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm cùng với một số chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản khiến thị trường có thể lâm vào tình trạng hụt nguồn cung. Nỗi lo lạm phát khiến nhu cầu tích lũy tài sản gia tăng; trong đó có tài sản bất động sản khiến nhu cầu bất động sản đầu tư tăng trưởng, thúc đẩy mặt bằng giá tại một số phân khúc.
Trên thực tế, đối với thị trường nhà ở, quá nửa nguồn cung thuộc phân khúc căn hộ thấp tầng, đất nền trong khi căn hộ bình dân gần như vắng bóng. Bởi vậy, bất động sản căn hộ có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới những tháng cuối năm.
Lạm phát tiếp tục thúc đẩy người dân mua bất động sản để nắm giữ giá trị; trong đó đất nền và các căn hộ thấp tầng được ưu tiên. Bên cạnh đó là sự hồi phục kinh tế rõ rệt sau đợt càn quét của Covid-19 khiến tốc độ đô thị hóa bị gián đoạn suốt hai năm qua được phục hồi trở lại. Lượng dân cư đổ lên thành phố khiến nhu cầu c tăng lên một cách tự nhiên...
Trong khi đó, với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản thì khi đối mặt với nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu lại khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.