TS Đinh Thế Hiển: Cảnh báo thâm dụng vốn ngày càng nặng
TS Đinh Thế Hiển lo ngại ngân hàng thương mại sẽ thiếu tiền cho vay, nợ xấu tăng và thâm dụng vốn ngày càng nặng.
Tạp chí Đầu tư Tài chính dẫn lời chuyên gia tài chính-bất động sản - TS Đinh Thế Hiển chi ra 3 điểm đáng lo ngại của thị trường tài chính-ngân hàng hiện nay.
Thứ nhất, là vốn cho vay cao hơn vốn huy động.
Điều đáng nói là tỷ lệ cho vay có xu thế tăng cao hơn huy động ngay cả trong giai đoạn kinh doanh khó khăn hiện nay, chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đang kẹt vốn cần phải vay bù đắp dòng tiền. Tình trạng kẹt vốn của nhiều doanh nghiệp (nhất là trong ngành bất động sản còn thể hiện ở việc nở rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp "khủng".
"Nếu cứ đà này, các ngân hàng thương mại sẽ thiếu tiền cho vay, trong khi tiền thu hồi nợ đang xin Ngân hàng Nhà nước cho hoãn thu 6 tháng, càng làm thiếu tiền cho vay mới", TS Hiển lo ngại.
Thứ hai là nợ xấu đang tăng và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh cuối năm.
Theo TS Hiển, báo cáo quý I và quý II năm 2021 của các ngân hàng thương mại cho thấy hoạt động rất khá, giúp cổ phiếu tăng cao. Tuy nhiên điều đáng nói là dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép giảm chuẩn Basel II trong việc xác định nhóm nợ xấu thì các ngân hàng thương mại cũng không thể cản được nợ xấu nội bảng gia tăng.
"Tháng 4/2021, nợ xấu đã là 1,78% thì chắc chắn nếu tính đúng, tính đủ trong tháng 9/2021 phải tầm 3 - 4%", TS Hiển nhìn nhận.
Thứ ba là tình trạng thâm dụng vốn ngày càng nặng. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2016 tới nay, dư nợ tín dụng luôn tăng mạnh hơn GDP. Điều này cho thấy thâm dụng vốn đã trở lại và nó có thể nằm trong các đại doanh nghiệp lớn với số vay hàng chục ngàn tỷ đồng trở lên.
"Ba điểm lo ngại này làm tôi nhớ lại năm 2012, thời điểm rất khó khăn của thị trường tài chính ngân hàng và bất động sản. Điều an ủi duy nhất có lẽ là hiện tại, lạm phát vẫn còn ở mức thấp", TS Đinh Thế Hiển nói.
Những lo ngại của TS Hiển phần nào cũng được Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021.
Theo WB, mặc dù ổn định tài chính chung đã được duy trì đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng, như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản.
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong danh mục của các ngân hàng chỉ tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020, nhưng đúng là việc NHNN chưa công bố số liệu gần đây cũng làm dấy lên quan ngại. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu đang thấp do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021.
"Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II", báo cáo của WB nêu rõ.
Viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn (2021-2023), WB khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.