Vì sao khách hàng vẫn chưa “mặn mà” với việc mua nhà?
Mặc dù thực tế, lãi suất cho vay mua nhà đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh trong suốt thời gian qua cùng với đó là các chủ đầu tư cũng đã tung nhiều chính sách ưu đãi nhưng đa số người có nhu cầu mua nhà vẫn “chùn tay” chưa quyết định xuống tiền.
Người mua nhà vẫn chưa “xuống tiền”
So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất của nhiều ngân hàng đã giảm sâu tuy nhiên, người dân vẫn không mặn mà với việc vay vốn. Nguyên nhân được cho là thời gian ưu đãi quá ngắn và giá nhà vẫn cao so với thực tế.
Lấy đơn cử với nhóm Big4, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước đó. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, tại các ngân hàng khác như VietinBank, Agribank và BIDV lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng hiện ở mức 2,6%/năm; từ 3 đến dưới 6 tháng lãi suất 3%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12 đến dưới 24 tháng áp dụng lãi suất 5%/năm và từ 24 tháng trở lên là 5,3%/năm.
Có thể thấy, lãi suất cho vay mua nhà đất tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 1%-3%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2020-2021, lãi suất cho vay mua nhà vẫn cao hơn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người có ý định mua nhà vẫn đắn đo vì cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà hiện còn cao so với khả năng trả nợ và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm.
Hơn nữa hiện nay, giá nhà đang ở mức cao hơn so với thu nhập bình quân của người dân, do đó, việc chưa đủ tự tin về nguồn thu nhập hiện tại và tương lai đang khiến các nhà đầu tư, khách hàng tạm hoãn việc mua nhà.
Theo các chuyên gia của Dat Xanh Services (DSX – FERI), nhu cầu mua bất động sản vẫn luôn ở mức cao. Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm từ khóa “bất động sản” duy trì ổn định theo thời gian, gần như không có biến động nhiều theo năm.
Ước tính đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng từ 40% - 45%, kéo theo nhu cầu nhà ở đô thị mỗi năm tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị (tương đương 1 triệu căn nhà, mỗi căn bình quân 70m2 – theo Bộ Xây dựng). Hiện nay, khách hàng bắt đầu chủ động liên hệ nhân viên môi giới, và chủ động hơn trong việc tham gia các sự kiện tư vấn bán hàng, thăm quan nhà mẫu, thăm quan dự án.
Theo chia sẻ của bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services, mặc dù sự quan tâm đối với bất động sản duy trì ổn định theo năm. Tuy nhiên, khả năng chi trả thực tế của người mua đang gặp hạn chế. Khách chưa mua bất động sản không phải vì không thích mua bất động sản hoặc không muốn mua bất động sản, mà là do chưa đủ tài chính, chưa đủ tự tin về nguồn thu nhập hiện tại và tương lai để mua ngay, hoặc chưa đủ tự tin để vay mua bất động sản dù lãi suất cho vay mua bất động sản đang hạ nhiệt.
Theo một khảo sát của Dat Xanh Services về lý do chưa mua nhà, 63% ý kiến cho biết lý do liên quan đến tài chính; Các lý do khác như pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư, sản phẩm chưa đúng nhu cầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Khảo sát sâu các ý kiến cho biết, nguyên nhân của việc chưa mua bất động sản liên quan đến yếu tố tài chính, 72% số người được hỏi cho biết vì thu nhập giảm nên không dám vay ngân hàng; 64% đưa ra lý do vì không đủ tiền thanh toán phần vốn tự có; 53% đang chờ giá giảm thêm; 36% muốn giữ tiền mặt để dự phòng; 14% vì phát sinh nợ xấu chưa vay được.
Giá nhà vẫn chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm cuối năm 2023, tại Hà Nội, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, tăng gần 7% theo quý (khoảng 3,6 triệu đồng/m2), 14% theo năm (khoảng 7 triệu đồng/m2).
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (khoảng 800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (250.000 đồng/m2) theo năm.
Khảo sát thực tế tại thị trường Hà Nội, trong 4 năm qua, nhiều khu chung cư đã tăng giá gần gấp đôi.
Cũng theo báo cáo của Savills Việt Nam, chỉ trong 4 năm gần đây, giá chung cư ở Hà Nội đã tăng tới 77%. Riêng quý III/2023, giá sơ cấp của căn hộ chung cư đạt 54 triệu đồng/m2, tăng hơn 77% so với quý I/2019, đánh dấu quý tăng giá thứ 19 liên tục. Nói cách khác, giá một căn chung cư hiện tại đã đắt gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019.
Trong khi đó, theo Cushman & Wakefield, 10 năm qua (2012 - 2022) giá bán căn hộ tại TP HCM đã tăng 3 lần. Theo đó, giá bắt đầu tăng mạnh từ năm 2017 ở mức dưới 2.000 USD/m2 (45 triệu đồng/m2) lên nhanh trong giai đoạn 2020 - 2021, đạt mức 3.200 USD/m2 (76 triệu đồng/m2) và đi ngang từ năm 2022 đến 9 tháng đầu năm 2023.
Lý giải về việc giá nhà liên tục tăng cao, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nguyên nhân giá chung cư cao ngất ngưởng là do giá đất và chi phí xây dựng tăng cao.
Ngoài ra, việc phải đầu tư nâng cao chất lượng của sản phẩm và các hạ tầng tiện ích xung quanh, dự án nội khu cũng dẫn đến giá thị trường sơ cấp hay giá của những dự án mới tung ra luôn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng việc tìm kiếm một căn hộ bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại Hà Nội hay TP HCM lúc này thực sự không dễ dàng.
“Ở thời điểm năm 2017 - 2018, với tài chính trên dưới 2 tỉ đồng, người mua có thể sở hữu được một căn hộ 55 - 60 m2 ở các quận của Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng nhưng thời điểm hiện tại, mặt bằng giá chung cư đã tăng lên rất nhiều lần. Vì vậy, với số tiền 2 tỷ đồng, người mua nhà “đỏ mắt” cũng khó tìm căn hộ mới ở vị trí các quận trung tâm thành phố”, ông Đính nói thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, dù giá chung cư đã cao nhưng khả năng sẽ còn tăng nữa vì nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu ở thật tăng không ngừng. Điều này đã dẫn đến việc mua căn hộ chung cư ngày càng khó đối với người dân khi nhu cầu ở ngày một cao, dự án mới không có và mức thu nhập của người dân hạn hẹp.