Vingroup đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ, tập trung làm đại dự án 9 tỷ USD trong năm 2021

Sáng ngày 24/6, Tập đoàn Vingroup (Mã:VIC) đã tổ chức kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 với nhiều nội dung quan trọng được thông qua. Ngoài việc đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 4.500 tỷ đồng thì công ty cũng sẽ tập chung phát triển siêu dự án Cần Giờ trong năm 2021.

Vingroup đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ, tập trung làm đại dự án 9 tỷ USD trong năm 2021 - Ảnh 1

Kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 4.500 tỷ đồng trong năm nay

Thông tin này cũng đã được Vingroup công bố tại tài liệu đại hội đồng cổ đông 2021. Theo đó, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup trình đại hội thông qua kế hoạch doanh thu thuần 170.000 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế tương đương năm ngoái khoảng 4.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vingroup cho biết, trong năm 2021, Vingroup sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động, mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.

Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ – công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VF e34, VF35 và VF36. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế.

Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm 3 mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh. Mới đây, Vingroup cho biết VinSmart sẽ đóng mảng điện thoại di động và tivi để tập trung cho các tính năng hỗ trợ VinFast.

Ngoài ra, Vingroup cũng sẽ tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%. Cụ thể, năm 2020, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 110.490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.546 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, HĐQT trình phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 125 cổ phiếu mới). Với hơn 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn có kế hoạch phát hành tổng cộng 422,8 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên thành 38.052 tỷ đồng.

Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2020. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV/2021. Con số trên BCTC hợp nhất tại cuối năm 2020 của Vingroup là 4.360 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam đã dùng gần như toàn bộ lợi nhuận tích lũy để chia cổ tức.

Còn về tình hình kinh doanh quý 1/2021, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 23.294 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 867,7 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 51,5% và 71,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.094 tỉ đồng, gấp 4,77 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản Vingroup đạt 419.833 tỉ đồng, tương đương đầu năm và vốn chủ sở hữu đạt 139.744 tỉ đồng, tăng 3% so với đầu năm.

Tập trung làm siêu dự án Cần Giờ trong năm 2021

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ về lĩnh vực bất động sản Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng cho biết, hiện Vingroup chưa có kế hoạch gì ở Vũng Tàu, nhưng doanh nghiệp đang có một đại dự án rất lớn ở cạnh địa phương này là dự án Cần Giờ và công việc hiện nay là tập trung vào dự án này.

Khu vực thực hiện dự án Cần Giờ của Vingroup.    
Khu vực thực hiện dự án Cần Giờ của Vingroup.    

Nói về dự án Cần Giờ, ban đầu có quy mô khoảng 600 ha thuộc khu vực biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Trong đó, 400 ha là đất xây dựng và 200 ha là bãi biển nội bộ. Dự án do do CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ (công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư.

Về tính chất, dự án được quy hoạch trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị kết hợp nghi dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn,… với quy mô dân số khoảng 230.000 người, phục vụ khoảng 8 – 10 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Khu đô thị được thiết kế thành 4 khu chức năng chính với mức đầu tư 1,4 tỷ USD, gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí và khu biệt thự căn hộ cao cấp phục vụ khoảng 31.000 cư dân và khách du lịch.

Tháng 6/2020, dự án được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 217.054 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD).

Về mảng BĐS công nghiệp, Vingroup có kế hoạch mở rộng ở nhiều nơi, nhưng đang trong giai đoạn làm thủ tục nên chưa thể có nhiều dự kiến cụ thể. Bởi theo Chủ tịch Vingroup, hiện nay đã có quá nhiều khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt, câu chuyện này cũng giống như BĐS nói chung với hàng trăm nghìn dự bán BĐS to nhỏ khác nhau nhưng thị trường vẫn thiếu nguồn cung.

“Trong ngắn hạn, nguồn cung của thị trường sẽ còn khan hiếm, song dù nguồn cung thừa hay thiếu, doanh nghiệp vẫn phải làm ra những sản phẩm mà thị trường chấp nhận, ưa chuộng và sử dụng” – Ông Vượng chia sẻ.

Đối với BĐS nhà ở, Vinhomes (Mã: VHM) sẽ tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp hỗ trợ người mua nhà. Trong khi đó Vincom Retail (Mã: VRE) sẽ tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100.000 m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2 trong năm nay.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển