“Vốn ít” có nên mua bất động sản đô thị?
Tốc độ đô thị hóa mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,.. đã làm những nơi này trở thành mảnh đất có giá trị bậc nhất, thu hút nhiều cư dân “đổ” về cũng như nhà đầu tư mạnh tay “rót tiền” vào với mong muốn “làm dày” ví tiền.
Vì vậy, bất động sản (BĐS) đô thị luôn là khoản đầu tư được nhiều người săn đón bởi khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính đủ mạnh để “chinh phục” thị trường này. Vì thế câu hỏi nhiều người đặt ra rằng: “Vốn ít” có nên mua BĐS đô thị?
Cơ hội làm giàu nào từ BĐS đô thị?
Đầu tư BĐS chưa bao giờ là lỗi thời, đặc biệt là các dự án BĐS đô thị. Bởi các thành phố lớn nhu cầu nhà ở luôn “dồi dào” trong khi nguồn cung khan hiếm, các chi phí vật liệu đắt đỏ. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2022, sau khi chứng kiến thị trường chứng khoán “nổi bão” nhiều người tìm đến phương thức đầu tư an toàn từ nhà đất, giúp thị trường BĐS trở nên nhộn nhịp với nhiều xu hướng đầu tư mới đẩy giá BĐS lên cao gấp 3 - 4 lần.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá giao dịch BĐS bình quân luôn trong xu hướng tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn hay các vùng lân cận đô thị như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng tại khu vực Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Không kém cạnh Hà Nội, tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và đất nền đắt hơn 3,6%.
Làm sao để đầu tư BĐS đô thị với nguồn vốn ít?
Nhu cầu đầu tư BĐS luôn cao, giá BĐS không có dấu hiệu hạ nhiệt, chính điều này khiến nhiều người quan niệm phải có số vốn nhiều hoặc “rụt rè” khi có ý định tham gia vào thị trường BĐS đô thị. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ít vốn là hoàn toàn không có cơ hội “nhảy” vào kênh kinh doanh đầy tiềm năng này.
Phương thức đầu tư an toàn nhưng đem về không ít lợi nhuận là lựa chọn thuê BĐS và tiếp tục cho thuê lại. Với cách đầu tư này chủ đầu tư chỉ cần tìm và thuê lại các BĐS sau đó cải tạo, sửa sang BĐS nâng cao giá trị của chúng. Sau đó, nhà đầu tư cho thuê lại làm cơ sở kinh doanh như quán cafe, quán ăn, spa,..hoặc thuê nhà ở, cho thuê trọ. Với cách làm này nhà đầu tư không cần phải đầu tư một số tiền lớn và ít chịu rủi ro “mất trắng” hơn.
Bên cạnh đó, mua BĐS cần bán gấp là một trong những cách mà nhà đầu tư “ít vốn” lựa chọn. Những người chủ trước của các BĐS này thường vì chuyển công tác, xuất ngoại định cư, chạy tiền chữa bệnh hoặc trả nợ,… nên rao bán các BĐS với giá thấp nhằm nhanh chóng có thể tìm được người mua ngay. Chính vì điều đó BĐS cần bán gấp đem lại sức hút cho các nhà đầu tư ít vốn. Trước khi quyết định mua nhà đầu tư nên tính toán đến khả năng sinh lời, phát triển của BĐS này và tìm hiểu kỹ nguồn gốc BĐS và lý do bán của chủ trước tránh gặp trường hợp rơi vào bẫy kẻ xấu, mua phải BĐS “ảo” hay đang vướng các vấn đề pháp lý.
Nhà đầu tư còn có thể tìm mua các căn nhà cũ, xuống cấp với giá thấp. Đối với những BĐS này nhà đầu tư sẽ phải bù thêm khoản chi phí cải tạo và sửa chữa ban đầu vì chúng chưa thể đưa vào sử dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, sau khi cải tạo, sửa chữa lại phù hợp mục đích sử dụng nhà đầu tư có thể cho thuê hoặc tiến hành kinh doanh theo dự tính. Cách làm này tuy không mới nhưng được đánh giá mang lại hiệu quả khá cao.
Một sự lựa chọn khác khi tài chính không đủ mạnh để đầu tư cá nhân thì có thể góp vốn đầu tư theo nhóm. Đối với lựa chọn này nhà đầu tư “ít vốn” có cơ hội tiếp cận với các dự án BĐS có giá trị và tiềm năng cao hơn tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn nhóm đầu tư thích hợp và có cùng tầm nhìn nếu không rất dễ rơi vào nội bộ bất đồng dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
Mặc dù khả năng sinh lời không cao nhưng những chiến lược trên vẫn mang đến hiệu quả nhất định, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư “ít vốn” muốn gia nhập thị trường. Tuy vậy để đầu tư hiệu quả tối ưu thì đối với bất kỳ BĐS nào, trước khi lựa chọn đầu tư cũng cần cẩn thận tìm hiểu các thông tin,các giấy tờ pháp lý đảm bảo tránh được những “bẫy” từ thị trường.