Vĩnh Long tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đến ngày 31/3, trong tổng số vốn đầu tư công năm 2022 là hơn 4.100 tỷ đồng, Vĩnh Long đã giải ngân gần 495 tỷ đồng, đạt 12,04%, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh là hơn 2.400 tỷ, giải ngân 423 tỷ, đạt 17,48% kế hoạch.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 1.680 tỷ, giải ngân 70 tỷ đạt 4,19% kế hoạch. Việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt khá thấp so với tiến độ, yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được tỉnh này xác định là nhiều công trình chuyển tiếp thi công chậm, có 66 dự án chuyển tiếp chưa giải ngân, 38 dự án chuyển tiếp giải ngân dưới 30%; một số nguồn vốn giải ngân chậm; việc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, nhiều dự án còn vướng giải phóng mặt bằng; việc giải quyết các kiến nghị trong bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, kiểm kê áp giá bồi hoàn ở một số nơi còn chậm, cá biệt có dự án nằm trong kế hoạch năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công do vướng giải phóng mặt bằng; khởi công dự án mới chậm trong khi một số dự án đã khởi công nhưng thủ tục đầu tư chậm dẫn đến việc giao vốn chậm; giá vật liệu xây dựng tăng.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tỉnh chỉ rõ nguyên nhân giải ngân còn chậm trong quý I/2022 là do một số địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm theo thẩm quyền, nhất là trong giải quyết kiến nghị, khiếu nại; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong tham mưu thực hiện chưa kịp thời, nhất là trong tuyên truyền vận động, thực hiện kế hoạch cưỡng chế.
Một nguyên nhân khác là do một số chủ đầu tư chưa quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư, lựa chọn nhà thầu giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công – dự án; một số dự án chỉ định thầu trong thiết kế thi công nhưng tiến độ thực hiện chậm; việc kiểm tra giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa xử lý với những trường hợp thực hiện chậm tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong tháng 4 cũng như quý II/2022, tỉnh tập trung tháo gỡ, thực hiện các giải pháp trọng tâm như khắc phục ngay những hạn chế, chỉ đạo thực hiện nhanh các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, chưa hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng để sớm khởi công các dự án; đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn, ưu tiên tập trung sử dụng vốn trung ương hỗ trợ, vốn ODA, các dự án trọng điểm
UBND cấp huyện phối hợp tốt với cơ quan liên quan, các chủ đầu tư để giải quyết, tháo gỡ kịp thời, có hiệu quả những khó khăn vướng mắc trong triển khai thi công các công trình theo thẩm quyền, kịp thời phản ánh kiến nghị giải quyết những phát sinh vượt thẩm quyền.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các dự án do các ban ngành đầu tư trên địa bàn về công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời đề xuất cấp ủy phân công cụ thể các đồng chí trong Ban Thường vụ tham gia công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, cam kết và có trách nhiệm thực hiện đúng tiến độ, xử lý những trường hợp chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng.
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi công, đảm bảo chất lượng công trình, thực hiện tốt công tác quyết toán… đôn đốc việc thực hiện kế hoạch vốn, làm rõ trách nhiệm cá nhân gây chậm trễ trong triển khai các dự án; thay thế nhà thầu không đủ năng lực.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại theo thẩm quyền; các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhanh việc lựa chọn nhà thầu, thiết kế - thi công - dự toán để khởi công các công trình; hoàn thiện thủ tục các dự án khởi công trong năm 2022 nhưng chưa đủ điều kiện để giao vốn; các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện thủ tục chậm như Đường từ Quốc lộ 53 – Khu công nghiệp Hòa Phú – Đường Phú Lộc Bầu Gốc – Quốc lộ 1 tỉnh Vĩnh Long.