6 khó khăn lớn nhất về tài chính mà doanh nghiệp đang phải đối diện

Theo kết quả cuộc khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải một loạt những khó khăn trong đó phải kể đến: khó khăn về trả lương lao động; trả lãi vay ngân hàng; trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng; trả nợ gốc cho ngân hàng; đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

6 khó khăn về tài chính

Cuộc khảo sát doanh nghiệp từ 12-22/8 về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 5/2021 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress thực hiện cho thấy, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chiếm tỷ lệ khá cao.

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát online, có đến 71% doanh nghiệp thuộc cả hai nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” cho biết khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải đó là trả tiền lương cho người lao động.

Khó khăn thứ hai có tới 61% doanh nghiệp ở nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 50% ở nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.đang gặp phải đó là khó khăn về trả lãi vay cho ngân hàng.

Khó khăn thứ ba là trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân với 57% doanh nghiệp ở nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 40% ở nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.

Khó khăn thứ tư là đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ). Tương tự như vấn đề trả lương công nhân, tỷ lệ trả lời của hai nhóm này khá giống nhau là 51%, không có sự chênh lệch giữa hai nhóm.

Khó khăn thứ năm là trả nợ gốc cho ngân hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc cho ngân hàng là 37% trong số doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 31% trong số doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.

Khó khăn thứ sáu nhưng tỷ lệ khá tương đồng với khó khăn thứ năm là hơn 30% doanh nghiệp của cả hai nhóm đều cho biết, họ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào.

Khó khăn tài chính cho các khoản thanh toán của doanh nghiệp.  
Khó khăn tài chính cho các khoản thanh toán của doanh nghiệp.  

Khi so sánh các khó khăn về thanh toán các khoản chi của hai nhóm doanh nghiệp trong cùng một khoản mục chi như chi trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ cũng như chi trả lãi vay, chi trả gốc các khoản vay, hay chi trả tiền thuê đất đai, nhà xưởng, văn phòng cho tư nhân thì tỷ lệ của nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” thường cao hơn một chút hoặc bằng so với tỷ lệ của nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh”.

Tuy nhiên có sự khác biệt khá lớn khi xem xét khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi liên quan đến phòng chống dịch. Tỷ lệ các doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” cho biết họ gặp khó khăn với các khoản chi liên quan đến xét nghiệm COVID-19 và các khoản chi khác theo yêu cầu chống dịch là trên dưới 30% còn tỷ lệ này ở các doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động” chỉ dao động quanh 10%. Kết quả này cũng phản ánh khá khách quan tình hình thực tế mà nhiều hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị trong thời gian qua.

Đề xuất, kiến nghị

Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã đề xuất một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có đến 62% doanh nghiệp lựa chọn chính sách hỗ trợ vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương. Trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao, nhất là với các nhóm nhân sự quản lý, chuyên môn kỹ thuật sâu.

Ngoài ra, có tới 65% doanh nghiệp lựa chọn chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không bảo đảm thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng không còn lợi nhuận. Trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, gần 30% các doanh nghiệp cho rằng hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3- 6 tháng hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân cũng là những chính sách hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp lãi và nợ gốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh an toàn để linh hoạt lựa chọn, thay vì chỉ có “3 tại chỗ”, bởi chi phí để đáp ứng yêu cầu là quá cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp…

Trong báo cáo “Khuyến nghị phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/8/2021” của Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Mình ngày 9/8, báo có đề cập đến “gánh nặng tài chính của Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ” bao gồm: Chi phí trợ cấp tiền lương cho người lao động (75-150.000 đồng/ngày) để họ chấp nhận ở lại công ty/nhà máy để tham gia sản xuất, chi phí ăn uống 3 bữa; Chi phí xét nghiệm (220.000-250.000 đồng/lượt); Chi phí tổ chức ở và mua sắm vật dụng sinh hoạt”. Báo cáo khảo sát này có thực hiện thống kê ở 5 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ và cho biết, bình quân 5 doanh nghiệp này phải trả chi phí tăng thêm cho 1 người lao động là 9.330.000 đồng/tháng.

Huyền Phạm

Theo Doanh nghiệp Việt Nam