Áp lực giá bất động sản neo cao, thanh khoản khó cải thiện
Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn về những lý do khiến người tiêu dùng cảm thấy tiêu cực khi tham gia thị trường thì yếu tố giá BĐS neo cao luôn thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thanh khoản chưa cải thiện.
Theo số liệu của Numbeo, giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm hộ gia đình, nhích nhẹ từ mức 23,5 hồi 2023. Đây là "Tỷ số giá nhà trên thu nhập" (House Price to Income Ratio - HPR) mới cập nhật năm 2024 của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo, trụ sở tại Serbia.
HPR được tính bằng cách chia giá nhà trung bình cho thu nhập bình quân hàng năm hộ gia đình. Kết quả này đồng nghĩa giá nhà trung bình toàn quốc gấp gần 24 lần thu nhập trung bình một năm của hộ gia đình người Việt. Trong khi đó, chỉ số này theo các chuyên gia sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.
Cũng theo số liệu thống kê của UBND TP. Hà Nội, mức chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 và 2025 theo Kế hoạch số 173/KH-UBND ban hành ngày 10/6/2024 của Hà Nội lần lượt đạt trên 160,8 triệu đồng/người/năm và trên 171 triệu đồng/người/năm. Dù vậy, với mức thu nhập này, rất khó để người dân có thể tiếp cận nhà ở.
Theo đánh giá, hiện nay một số doanh nghiệp địa ốc đang giải quyết tâm lý này bằng chính sách bán hàng hấp dẫn, hỗ trợ lãi vay cho các dự án BĐS mở bán nhằm giảm nỗi lo cho người mua nhà. Hầu hết các chủ đầu tư đều đưa ra phương thức thanh toán kéo dài hai năm cùng chương trình ân hạn gốc và lãi, cung cấp chiết khấu lớn từ 10-30% cho phương thức thanh toán tiêu chuẩn nhằm thu hút khách hàng và thúc đẩy lượng bán.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, phần lớn chủ đầu tư đều hướng đến người mua ở thực, nên bên cạnh việc tính toán một mặt bằng giá phù hợp, các chính sách bán hàng cũng phải thiết thực và đánh trúng tâm lý người mua. Vì vậy thời điểm này thị trường vẫn sẽ nghiêng về phía người mua.
Tuy nhiên, giá sơ cấp nhiều dự án BĐS vẫn sẽ tăng khi thị trường tốt lên, các chính sách từ chủ đầu tư theo đó sẽ không còn nhiều và “rộng tay” như hiện tại. Việc tăng giá BĐS không chỉ xuất phát từ nguồn cung hạn chế mà còn đến từ các yếu tố khác như đô thị hoá, lạm phát, giá vàng… trên hết là Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh BĐS mới có thể sẽ càng khiến chi phí phát triển dự án leo thang và kéo giá nhà tăng trong giai đoạn tới đây.
Tới thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi, cả về nguồn cung, giá bán và giao dịch. Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguồn cung mới của thị trường bất động sản liên tục được bổ sung khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án. Các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, "làm mới hàng cũ" diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn.
Với định hướng "bán sản phẩm mà thị trường cần", nhiều chủ đầu tư đang ưu tiên nguồn lực mở rộng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, xây dựng chính sách hỗ trợ người mua nhà, nỗ lực để xóa bỏ nỗi ám ảnh mang tên lãi vay bằng cách bắt tay với những ngân hàng top đầu, hỗ trợ mức lãi suất thấp để người mua tiếp cận được chốn an cư. Phần lớn mức lãi suất các dự án được chủ đầu tư ưu đãi vay rơi vào khoảng 6 – 7%/năm trong vòng hai năm kể từ đợt giải ngân đầu tiên.